Sáng nay (10/10), Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó mưa bão. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo, 8 tỉnh, TP từ Quảng Ninh - Nghệ An đã cấm biển.

Về tình hình thiệt hại, theo ước tính ban đầu, tỉnh Quảng Nam có 1 người chết do bị lũ cuốn trôi; 25ha hoa màu bị ngập úng.

{keywords}
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp

Khoảng 5h ngày 9/10, một tàu có 9 lao động của Thái Bình bị chìm cách cửa sông Trà Lý 300m làm 1 người chết; đã cứu được 8 người còn lại.

Các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân tình huống bão mạnh đổ bộ (Quảng Ninh đến Hà Tĩnh: 41.315 hộ/151.422 người; Quảng Bình - Phú Yên: 71.605 hộ/256.405 người).

Đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh.

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, hiện tại bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai nhấn mạnh, hiện dòng người hồi hương bằng xe máy từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch có thể sẽ gặp nguy hiểm khi nhiều tỉnh đã có mưa lớn do bão số 7. 

Dự báo, thời tiết xấu còn kéo dài tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong khoảng 10 ngày tới. Do đó, Ban chỉ đạo đã có văn bản gửi các địa phương để thông báo cho người dân, đảm bảo an toàn cho bà con trong quá trình di chuyển về quê tránh dịch.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Ban chỉ đạo đã có công văn gửi tới 4 tỉnh thành là TP.HCM, Bình Dương, Long An, Bình Dương - nơi có lượng công nhân, lao động các tỉnh lớn, để thông báo cho bà con nắm được diễn biến thời tiết trong 10 ngày tới.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp

"Không cấm bà con về quê, nhưng thông báo cho bà con nắm được thông tin thời tiết 10 ngày tới, từ đó để bà con có thể lùi thời điểm về quê nhằm tránh được rủi ro thiên tai", ông Hiệp nói.

Về việc chủ động trong khâu ứng phó, ông Hiệp đề xuất, thiên tai thường có quy luật, giai đoạn này là cao điểm của mùa mưa bão. Chính vì vậy, cần điều các tàu cứu hộ vào các khu vực phù hợp, để khi có tình huống xấu điều động sẽ nhanh hơn.

Về việc dòng người về quê đúng thời điểm có bão, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị phải giao trách nhiệm cho các địa phương để có giải pháp thật cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho bà con.

Phó Thủ tướng lưu ý, khâu dự báo phải thật sát, các bản tin dự báo chính xác sẽ là cơ sở cho Ban chỉ đạo quốc gia và các địa phương đưa ra các kịch bản ứng phó sát thực tế hơn.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương không được chủ quan, cần tiếp tục chủ động ứng phó với bão số 7. Bởi bão số 7 suy yếu nhưng vẫn tiếp tục mưa lớn cho nhiều khu vực. 

Bên cạnh đó, các địa phương phải sớm có kịch bản ứng phó với bão số 8, vì cơn bão này được dự báo mạnh hơn.

Đối với bão số 8, Phó Thủ tướng đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cần bám sát diễn biến bão, đưa ra dự báo về cường độ, hướng đi chính xác, để từ đó có chỉ đạo ứng phó sát thực tế hơn.

Hương Quỳnh

Bão số 7 suy yếu, bão Kompasu nối đuôi giật cấp 13 khi vào Biển Đông

Bão số 7 suy yếu, bão Kompasu nối đuôi giật cấp 13 khi vào Biển Đông

Sáng nay (10/10), bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, trong 12h tới đi vào khu vực từ Hải Phòng đến Thanh Hóa. Bão Kompasu khi vào Biển Đông có gió giật cấp 13.