Cha mẹ mất sớm, Trần Thị Yến Ngọc (thường gọi là Thu “Bà Điểm”) được gửi cho người chị cùng mẹ khác cha ở ấp Đông Lân, Bà Điểm, Hóc Môn, TP.HCM.

Người chị khó tính, muộn chồng dạy em bằng đòn roi, khiến Thu tuy còn nhỏ nhưng đã biết việc đồng áng và làm hết việc nhà.

Năm 12 -13 tuổi, Thu mới đi cấy lúa về, đang  xắn quần đứng trước nhà thì thấy chàng trai lấm lem sình lầy vào xin nước rửa chân. Cô gái mới lớn chỉ kịp biết chàng trai tên Huỳnh, ở ấp Hậu Lân, rồi e thẹn chạy trốn mất.

Thu sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Hồi 4-5 tuổi cô đã nghe các chú bàn bạc chuyện đánh giặc. Vì vậy, năm 14 tuổi, Thu quyết định thoát ly vào rừng.

Theo ý chí quyết tâm của Thu, tổ chức điều cô vào căn cứ Trung ương Cục miền Nam (căn cứ R) ở rừng Dương Minh Châu, Tây Ninh. Đây là nơi địch thường xuyên thả bom, càn quét khốc liệt.

Bà Thu "Bà Điểm" năm 19 tuổi lúc hoạt động cách mạng. Ảnh: Tư liệu

Tại căn cứ R, Thu vừa làm công tác hậu cần, bắt cá, trồng lúa, trồng cây lương thực, cắt cỏ tranh lợp nhà vừa tranh thủ học chính trị, quân sự, quân khí… 

Cũng tại đây, Thu vô tình gặp lại người con trai năm nào. Chàng trai lúc này đã là cán bộ bảo vệ cơ sở, với tài bắn súng thiện xạ.

Sau này Thu mới biết chàng trai tên Bùi Văn Huỳnh đã cảm mến cô ngay từ cái ngày vào xin nước rửa chân. Khi Thu 16 tuổi, hai người chính thức yêu nhau.

Đám cưới giữa rừng

Gọi là yêu, nhưng giữa lúc còn chiến tranh, bom đạn khốc liệt, cả hai chẳng dám thổ lộ, hẹn hò. Đến cái nắm tay họ cũng e ngại. Hai người chỉ biết quyết tâm chiến đấu, mong sớm đến ngày hòa bình, thống nhất.

“Lúc đó tôi cũng chưa hẳn là yêu mà là thương người đồng đội gian khổ, giỏi giang. Nhiều khi anh đi đánh địch về, quần áo rách tả tơi, nhìn thấy cô y tá băng bó cho anh, lòng tôi dâng lên niềm thương vô hạn”, ánh mắt người phụ nữ chùng xuống, nhìn xa xăm, hồi tưởng về mối tình đầu trong thời khắc máu lửa đau thương.

Ngày trẻ, bà Thu đẹp nên ông Huỳnh đi đâu cũng khoe với đồng đội: “Tao có người thương rồi”. Tiếp đó, ông lấy tình yêu với người con gái bé nhỏ cùng quê để tiếp thêm động lực, ý chí chiến đấu cho mình.

Thương nhau được vài tháng, ông ngỏ ý muốn làm đám cưới.

Bà Thu nhớ lại, ông Huỳnh đánh giặc rất giỏi lại chan hòa với đồng đội nên ai cũng thương. Đám cưới của hai người lập tức được tổ chức tán thành.

Đầu năm 1967, đôi trẻ làm lễ thành hôn ở đơn vị.

Ông Huỳnh là con một điền chủ giàu có ở khu vực ngã tư Trung Chánh, Hóc Môn. Nhà ông có ruộng vườn bao la. Vì vậy, mỗi khi gia đình lên căn cứ thăm con, ông lại được người thân cho nhiều tiền xài. Có tiền, ông ra quán tạp hóa của dân ở vùng giải phóng, gửi mua cho được chè lam để làm lễ vật cưới. 

Bà Thu "Bà Điểm" tại dịp họp mặt kỷ niệm 40 năm Mậu Thân, gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (áo trắng) và Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu). Cố Thủ tướng từng được bà Thu cứu thoát chết trong một lần địch thả pháo M79 ngay chỗ ông đứng tại căn cứ R. Ảnh: Tư liệu

Lễ thành hôn xong xuôi, hậu cần bẫy được con gà rừng nấu cháo cho đơn vị ăn mừng đôi trẻ. Nồi cháo bưng lên chưa ai kịp ăn đã phải buông chén, đũa vì tiếng pháo chùm rền rã vang lên, báo hiệu một trận càn khốc liệt sắp diễn ra.

Mọi người cùng nhau nhảy xuống chiến hào, tập hợp đơn vị lại để chiến đấu.  

Trận càn đó, địch bị tiêu hao rất lớn về lực lượng, thiết bị, còn phía ta tổn thất không nhiều.

Sau khi đánh xong, sợ bị lộ căn cứ, các đơn vị của ta bao gồm cả đơn vị hậu cần của bà Thu dọn sạch tư trang, lương thực hành quân đi chỗ khác.

Kể từ buổi lễ thành hôn ngày hôm đó, vợ chồng mới cưới chưa kịp có đời sống vợ chồng một ngày nào. Họ cũng chưa kịp nói lời chia tay nhau đã bị chia cắt bởi khói lửa, đạn bom và vĩnh viễn không bao giờ gặp lại.

Ông Huỳnh hành quân đi đánh giặc triền miên qua những chiến trường khốc liệt khác. Còn bà Thu gia nhập lực lượng Biệt động Sài Gòn hồi cuối năm 1967. Tiếp đó, bà vào nội thành làm giao liên để chuẩn bị cho Cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.

Khi cuộc tổng tiến công đạt được thắng lợi lớn, bà Thu được điều sang Campuchia. Nhiều năm sau bà vẫn làm công tác tải thương ở chiến trường này.

Năm 1971, giữa lúc làm nhiệm vụ, bà nhận tin chồng hy sinh. Nén nỗi đau thương, và nhớ nhung chồng đằng đẵng, bà gạt nước mắt tiếp tục công tác.

Thời gian sau, thấy người phụ nữ tuổi đời còn ít, lấy chồng mà chưa từng được hưởng niềm hạnh phúc gia đình ngày nào, đồng đội động viên bà đi bước nữa. Cuối cùng, bà mạnh dạn đến với người chiến sỹ ở Sư đoàn 9.

Tuổi già, bà về quê nuôi con, cháu và chăm sóc chu đáo cho người chồng ốm đau trước khi ông qua đời.

Hiện bà là Trưởng ban liên lạc đơn vị Bảo đảm chiến đấu A20-30, F100, biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định. Bà còn tích cực làm công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân và ghi nhận công lao của đồng đội, của đơn vị bà từng chiến đấu. 

Nguyễn Tuyết