Đã không ít lần, nhiều game thủ hâm mộ những tựa game online tại Việt Nam đã phải chịu nhiều tiếng xấu vì những thói hư tật xấu của một bộ phận gamer Việt Nam đang thưởng thức không chỉ những MMO được phát hành trong nước mà còn cả trên toàn thế giới.

 

Đáng buồn hơn, chỉ vì những hành động đáng lên án nọ mà toàn bộ cộng đồng đam mê game online đã không ít lần phải chịu tiếng xấu: “Mê game online thì có gì hay ho?”, “Suốt ngày cày kéo, nạp tiền”, v.v và v.v…

Thế nhưng liệu rằng ở thời điểm này, những định kiến đó liệu rằng có còn đúng đắn hay không? Liệu rằng chơi game offline có còn là thú vui “cao cấp”, trên game online một bậc như nhiều game thủ từng nghĩ hay không?

Cốt truyện game

Đã từng có thời kỳ, cốt truyện trong những tựa game online chỉ là “thứ yếu” trong danh sách những điều thu hút game thủ của sản phẩm đó. Thậm chí, người chơi còn chẳng cần phải đọc bất cứ đoạn tóm tắt nào vẫn có thể giải quyết nhiệm vụ một cách phăng phăng. Họ đã quá quen với việc "next" - click chuột thật nhanh để bỏ qua các đoạn hội thoại của nhân vật và chuyển sang làm nhiệm vụ luôn.

 

Một trong những lý do chính là cốt truyện của nhiều game online tại Việt Nam quá nhàm chán, cũng giống như chất lượng của nhiều game online tầm trung không có gì nổi bật. Điều đầu tiên ảnh hưởng tới thói quen đọc cốt truyện của game thủ Việt chính là bản thân câu chuyện được trình bày như thế nào.

Rõ ràng sau nhiều lần cố tìm hiểu ngọn ngành, đọc từng câu từng chữ rồi nhận ra rằng điều đó là không cần thiết lại vô cùng tẻ nhạt, người chơi sẽ sinh ra phản ứng “click nhanh qua cho xong” bởi nó vừa mất thời gian lại chẳng hề thú vị.

 

Trong khi đó với những tựa game offline, hàng loạt những sản phẩm đều được chắp bút bởi những nhà biên kịch nổi tiếng của Hollywood, thậm chí có cả những người từng cầm trong tay giải thưởng Oscar danh giá. Thử hỏi nếu so sánh giữa game offline, một tựa game đề cao cốt truyện và lấy nhân vật chính làm trung tâm, với game online, sản phẩm giải trí tập trung vào tương tác giữa nhiều game thủ với nhau, sản phẩm nào sẽ có cốt truyện cần sự trau chuốt hơn?

Xu hướng online hóa của game

Bỏ qua thực trạng game online khó lòng có thể sở hữu cốt truyện có chiều sâu như những tác phẩm đình đám, bản thân những “tượng đài” game offline cũng đã và đang dần mai một, thế chỗ vào đó là những phiên bản game sở hữu mục chơi mạng hoặc mang tính chất thuần online.

 

Kỳ thực, các nhà phát hành game lớn trên thế giới, không riêng gì game online, đã bước vào cuộc đua xã hội hóa từ 2 đến 3 năm về trước. Khi đó, những cái tên lớn như Ubisoft, Activision hay EA đã bắt đầu nghiên cứu phát triển ra những cổng tương tác dành cho game thủ như Uplay, Battlelog, Autolog hay Call of Duty Elite với mục đích về sau, người chơi những tựa game của họ sẽ thông qua những ứng dụng này để tương tác với nhau.

Hãy thử nhìn vào một vài cái tên như Destiny, The Division hay game đua xe The Crew. Mang trong mình tham vọng của một sản phẩm bom tấn, thế nhưng game thủ chắc chắn sẽ không có cơ hội sử dụng những bản game crack chỉ để hoàn thành phần chơi đơn. Lý do cho điều này rất đơn giản: Chúng không có mục chơi đơn.

 

Chắc chắn trong những tựa game như vậy, trải nghiệm xã hội hóa cũng như những khoảnh khắc chơi game cùng bạn bè sẽ vui vẻ hơn rất nhiều so với việc ru rú “tự kỷ” với tựa game chỉ có phần chơi đơn vốn rất ít khi mang giá trị chơi lại, dĩ nhiên ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ.

Game online ngày càng nhiều bom tấn

Destiny, Blade & Souls, The Division, The Crew, Titanfall, Deep Down, Skyforge… hàng loạt những tựa game online cùng lúc sở hữu nền tảng đồ họa ấn tượng, đồng thời đó là lối chơi dễ gây nghiện đã, đang và sẽ bùng nổ làng game thế giới luôn là những tác phẩm giải trí mà nhiều game thủ mong chờ, thèm khát.

 

Với tốc độ phát triển như hiện tại , chẳng mấy chốc những dự án game bom tấn, được xếp vào hàng AAA của thế giới game đều sẽ là những game online đình đám, có thể sẽ bán key, nhưng cũng có thể sẽ free to play. Trước một tương lai xán lạn như vậy, ai dám nói đam mê game online là niềm đam mê không đáng được tôn vinh?

Theo gamek