Buổi giao lưu trực tuyến “Thành công không chờ đại học” diễn ra vào chiều 30/7 đã được rất nhiều bạn trẻ quan tâm và đặt câu hỏi. Những thắc mắc này được trả lời từ đại diện các doanh nghiệp như Appota, FPT Software, VTC Online, đại diện Hiệp hội việc làm, đại diện từ đơn vị đào tạo và sự có mặt của một nhà thiết kế trẻ thành công tại cuộc thi Project Runway 2014.

Đam mê và nhiệt huyết.

Phần lớn câu hỏi được đặt ra đều liên quan đến thắc mắc muôn thuở, “Làm sao để thành công khi không có bằng Đại học?” Theo các chuyên gia, trước tiên cần phải có đam mê và nhiệt huyết để “giữ lửa” trên suốt chặng đường dài.

Hình ảnh trực tiếp từ buổi giao lưu.

Nhà thiết kế trẻ Lý Giám Tiền kể rằng anh đam mê thiết kế thời trang, quyết tâm đi theo ngành mình đam mê là một sự lựa chọn và chắc chắn con đường đó sẽ gặp nhiều khó khăn cũng như áp lực. Thực tế, anh đã từng không thành công ở Project Runway mùa đầu tiên và tự nhủ bản thân cần tiếp tục cố gắng hơn nữa. Anh nói “Bạn nên xác định lại niềm đam mê của mình, và cố gắng đi theo niềm đam mê đó, bởi nếu không làm đúng đam mê của mình, thì bạn sẽ gặp nhiều rất khó để vượt qua những thử thách trong công việc và rồi một ngày nào đó bạn sẽ tiếc nuối và tự hỏi vì sao mình không làm công việc mà mình yêu thích”.

Một câu hỏi liên quan đến nghề Game Designer được ông Võ Huy Giáp - Quản lý khối ngành 3D - VTC Academy chia sẻ, Game Designer là một công việc rất quan trọng liên quan trực tiếp đến mức độ thành bại của tựa game. Để có thể trở thành Game Designer thực thụ, không chỉ có kỹ năng đơn thuần mà cần thực sự đam mê và chơi nhiều game dưới góc độ phân tích điểm mạnh, điểm yếu để tự hoàn thiện kỹ năng bản thân.

Tầm quan trọng của đam mê và quyết tâm cũng được anh Đỗ Tuấn Anh - CEO Appota nhắc đến. Theo đó, Appota đã vượt qua rất nhiều khó khăn ban đầu để có được chỗ đứng như hiện tại một phần vì độ chín về ý tưởng và quyết tâm khởi nghiệp đến cùng.

Kiến thức chuyên môn

Trong khuôn khổ chương trình, rất nhiều bạn trẻ đã gửi câu hỏi liên quan đến việc không học đại học liệu có đảm bảo kiến thức để thành công khi đi theo con đường mình chọn hay không. Tuy nhiên một số ý kiến đã nhầm lẫn khi cho rằng kiến thức chỉ được dạy trong trường đại học.

Nói về vấn đề này, anh Đỗ Tuấn Anh cho rằng, kiến thức không chỉ được đào tạo tại giảng đường mà còn có thể thu nhận được qua các hoạt động ngoại khóa, các công việc đã từng làm và khả năng tiếp thu học hỏi sau mỗi lần vấp ngã. Và thực tế, bằng cấp cũng không phải là tiêu chí quan trọng trong việc tuyển dụng tại Appota. Anh nói: “Đối với Appota thì Bằng cấp là tiêu chí thứ 5 xếp sau tiêu chí kinh nghiệm thực chiến, khả năng thích nghi, khả năng tự học hỏi và khả năng team work”.

Cùng chung quan điểm này, Bà Đỗ Thị Kim Ngân - Quản lý nhân sự tại FPTSoft khẳng định: “Mặc dù không có bằng cấp nhưng những bạn trẻ có năng lực hoàn toàn có thể chứng minh khả năng của mình qua những công việc đã từng làm hoặc những kinh nghiệm, kiến thức đã thu nạp được.”

Nhà thiết kế trẻ Lý Giám Tiền cũng cho rằng kiến thức không chỉ có ở trường học, anh cho biết mình chỉ học một khóa may ngắn hạn trong vài tháng và dành phần lớn thời gian, công sức cho việc tự học và nghiên cứu. Những kiến thức này đã là chỗ dựa vững chắc để anh đạt được thành công tại Project Runway 2014.

Một ý kiến khác cũng nhận được sự đồng tình đó là chia sẻ của Ông Đào Trường Giang - Giám đốc VTC Online miền Nam. Ông nói: “Không có con đường dễ dàng để đến với thành công, nó là kết quả của cả quá trình nghiên cứu, học hỏi, lao động và cố gắng không ngừng nghỉ”. Ngoài ra, ông còn cho rằng công nghệ thông tin là ngành đặc thù, luôn thay đổi theo thời gian và những nhân sự phải liên tục tiếp thu những kiến thức mới bên cạnh những kiến thức đã có. Do vậy, kiến thức học trong trường đại học cũng chỉ là kiến thức nền chứ không thể tạo ra một nhân sự công nghệ thông tin giỏi.

Khách mời nhận hoa của ban tổ chức chương trình giao lưu.

Tổng kết.

Không thể phủ nhận giá trị to lớn mà trường Đại học mang lại cho chúng ta, con đường đó có thể bằng phẳng hơn so với những con đường khác nhưng không thể đảm bảo cho sự thành công một cách dễ dàng. Mỗi cá nhân cho dù lựa chọn con đường nào đều cần có sự đam mê cháy bỏng và sự đầu tư trau dồi kiến thức liên tục. Bằng chứng là rất nhiều CEO trên thế giới và Việt Nam có thể lãnh đạo doanh nghiệp phát triển khi không cần bất kỳ tấm bằng đại học nào trong tay.