Kinh tế gia đình đi xuống cũng là lúc Đàm Vĩnh Hưng không còn một mái ấm hạnh phúc khi ba mẹ anh chia tay.


Bán nhà, ba mẹ bỏ nhau

Sống trong một gia đình vương giả, cậu bé Huỳnh Minh Hưng ngày ấy cứ vui chơi và ca hát cho bạn bè xem để thoả mãn niềm đam mê của mình.

{keywords}

Vụt sáng trở thành ngôi sao của trường cấp hai, cứ hát rồi nhận sự tung hô không dứt của bạn bè đồng trang lứa, Hưng không biết rằng kinh tế gia đình anh đang đi xuống, cho đến một ngày, anh nhận được hung tin: ‘Tôi cứ hát ngày này qua ngày khác mà không lo học hành, đến năm lớp 8 thì lực học của tôi sa sút đến mức báo động.

Thầy cô cũng ái ngại cho tôi bởi không thể cấm tôi hát, mà cứ để tôi như thế sẽ ảnh hưởng đến con đường tương lai của tôi rất nhiều.

Cũng thời gian này, kinh tế gia đình tôi xuống dốc không phanh. Ông trời có cho ai mãi cái gì được đâu, chẳng phải lỗi của ba mẹ, mà do số trời đã định rồi.

Một ngày tôi về nhà, mẹ ôm tôi và cứ khóc mãi không thôi. Linh tính của một thằng con trai được sống trong sự đầy đủ mặc dù không ý thức hết được vấn đề, nhưng cũng đủ hiểu gia đình đang có chuyện.

Căn nhà bị đem rao bán, ‘sân khấu’ giường ngủ của tôi cũng bị người ta dọn dẹp hết, nhìn cảnh đó tôi không sao cầm được nước mắt. Nhưng chưa hết, đau buồn hơn là ba mẹ đã quyết định chia tay.

Tôi khi ấy không biết tường tận mọi chuyện, nhưng đủ hiểu ba mình là người rất đào hoa. Ông có dòng máu lai Pháp và Tàu nên lúc nào nhìn cũng rất phong độ, đàn bà theo ông không ngớt, họ còn đến tận nhà buông lời tán tỉnh ba tôi.

Và chuyện gì đến cũng sẽ phải đến, tình yêu của mẹ không giữ nổi bước chân của ông nữa, gia đình tôi lâm vào cảnh ly tán, tôi cũng chẳng còn thiết tha hát hò’.

Khi ấy, cậu bé Hưng đang tuổi mới lớn đã biết thương mẹ thật nhiều, Hưng lấy những biến cố đó làm bàn đạp để quyết tâm học hành trở lại và thi đỗ vào trường cấp ba Nguyễn Thượng Hiền, ngôi trường điểm tập hợp những học sinh ưu tú nhất của thành phố.
Đàm Vĩnh Hưng kể về nỗi buồn mất nhà, ba mẹ ly hôn

Kỷ niệm té lầu

Quyết tâm học hành là một chuyện, Đàm Vĩnh Hưng thủa ấy vẫn không thiết tha với việc ca hát trở lại. Cậu chỉ biết học và học, khép kín chính bản thân mình, lặng lẽ đi đi về về giữa căn nhà có ba mẹ con và ngôi trường cấp ba của mình.

Nhưng ca hát đối với Đàm Vĩnh Hưng là cái duyên, mà đã gọi là duyên thì nó vẫn sẽ tới dù mình có muốn hay không: Lớp 11 tôi học chung với Quốc Hùng, tác giả ca khúc ‘Trống vắng’ nổi tiếng sau này. Sau lớp tôi còn có Đức Trí học dưới tôi một khoá.

Trí và Hùng là những cây văn nghệ của trường, họ dàn dựng những tiết mục văn nghệ cho mỗi sáng thứ hai, và cái duyên của tôi lại đến, tôi lại trở thành điểm sáng trong những chương trình văn nghệ của trường.

Cái máu điên trong tôi vẫn không thể dập tắt mà trái lại, nó càng bùng nổ hơn theo thời gian. Tôi liên tục tổ chức cúp cua, cứ đến những tiết học mình cảm thấy không hứng thú, tôi lại rủ rê bạn bè bỏ học đi chơi.

Không hiểu sao thời đó tôi ngông lắm. Tôi còn mua oxi già về để tẩy tóc vàng chạt cả đầu, từ đó có biệt danh là ‘Hưng lai’.

Trường học khi đó cũng không khó khăn như bây giờ, nhưng học sinh ‘điên’ như tôi thì chỉ có một. Cái tên ‘Hưng lai’ theo tôi suốt một thời gian dài mãi sau này mặc dù đến lớp 12 tôi mới để đầu đen trở lại.

Chưa hết, hồi đó tôi thích xem phim chưởng Hong Kong lắm, cứ xem phim xong rồi đầu têu cả hội bày trò đánh đấm, diễn lại những pha chưởng vừa xem được, lại còn thi thố xem ai đánh đẹp nhất nữa. Cho đến bây giờ, chắc những bạn bè thời ấy vẫn còn nhớ ‘Hưng té lầu’.

Chuyện là như thế này, cả hội đang đứng ở lầu một (tầng hai) để biểu diễn lại những ‘chiêu thức’ mình thích nhất. Tôi đứng vịn hai tay vào thành lan can, nhảy lên và đá bay chân rất điệu nghệ nhưng ai ngờ bị mất đà, cả người tôi văng ra ngoài và rơi xuống tầng trệt.

Mấy thằng bạn đứng xung quanh đã vồ lấy tôi nhưng không thể giữ kịp, hốt hoảng nhìn tôi nằm bất động dưới sân trường.

Không hiểu được tại sao tôi không rơi trúng hàng rào kẽm gai đang tua tủa lên dưới sân mà lại văng ra ngã ngay bên cạnh hàng rào đó. Nói là may mắn, nhưng máu me cũng đầy mặt mũi, lũ bạn nhìn tôi hoảng hốt mặt cắt không còn giọt máu, ngay lập tức đưa tôi đi bệnh viện.

Chắc mấy chục năm ở trường chỉ có mình ‘Hưng té lầu’ trở thành câu chuyện bất hủ được truyền hết lứa học sinh này qua lứa khác'.

Ngông nghênh

Nghịch ngợm là thế, nhưng Đàm Vĩnh Hưng vẫn là một cây văn nghệ xuất sắc của nhà trường, liên tục những Bến Thượng Hải, Gặp nhau làm ngơ, Tình có như không… được anh đưa đến bạn bè và thầy cô với một sự mượt mà khó tin của một học sinh cấp ba.

Cũng lạ, tuổi còn đi học nhưng anh không bao giờ chịu hát những bài về lứa tuổi học trò mà chỉ chịu biểu diễn những ca khúc người lớn.

Cũng nhờ những ngày tháng ấy mà ngay từ khi đi học, anh đã kiếm được khoản cát xê đầu tiên nhờ đi hát:

‘Cuối năm lớp 11, tôi được trưởng cử đi hát cho Sở Giáo dục, thời đó Ngọc Ánh và Phương Dung là những ca sỹ kỳ cựu. Tôi đam mê hai giọng ca này lắm, và không thể tin được khi tôi lại được biểu diễn cùng họ trong buổi lễ ngày hôm ấy.

Được đứng cạnh, được nghe các chị hát, tôi ao ước một ngày mình cũng sẽ được nổi danh như thế. Ước vậy thôi, nhưng điều khiến tôi vui nhất chính là được nhận khoản bồi dưỡng nho nhỏ với ca khúc Bến Thượng Hải.

Chẳng đáng là bao nhiêu, nhưng vui vì đó là cát xê đầu tiên của sự nghiệp ca hát học trò. Về đưa cho mẹ, bà vui lắm vì cuối cùng tôi cũng đã biết lo nghĩ cho gia đình.’

Khó khăn vài ba năm, gia đình Đàm Vĩnh Hưng lại khấm khá trở lại bởi mẹ anh là người phụ nữ biết vun vén, chăm lo cho hai đứa con của mình.

Trời không phụ người tốt, ba mẹ con đã cùng nhau vượt qua khó khăn để trở lại cuộc sống sung túc như trước kia mà không cần sự đùm bọc của người đàn ông trong gia đình.

Thương các con, bà mua sắm đầy đủ mọi trang thiết bị trong nhà và cho chúng có được cuộc sống đủ đầy nhất để bù lại những tháng ngày khó khăn: ‘Nhà tôi bắt đầu khấm khá trở lại, mẹ đã sắm đầy đủ vật dụng cần thiết và chiều anh em tôi như công chúa hoàng tử.

Đam mê giày thể thao trắng bây giờ của tôi xuất phát từ thời điểm này. Có được đôi giày là tôi quý như báu vật, đi lại cũng nhẹ nhàng, về là lau chùi và xếp ngay ngắn lên trên giá.

Thích máy nghe nhạc là mẹ mua cho ngay chiếc đài cát sét, thích ăn nho khô là trong nhà lúc nào cũng sẵn, thích đi chiếc xe barbetta là mẹ lại ngay lập tức mua cho một chiếc.

Có chiếc barbetta thời đó là sang lắm, chỉ thích chạy vòng vòng ngoài đường, để hai chân lên gọn gàng và lượn lách khắp phố phường.

Xe của tôi cũng khác người, lắp cái này, ráp cái kia cho nó không còn hình dáng nguyên bản mới thôi. Chẳng hiểu những sáng tạo đó ở đâu ra mà tôi có thể trình diễn hết ngày này qua ngày khác như thế.

Và đỉnh điểm phải là lần tôi bao nguyên hồ bơi để cho bạn bè của mình vui chơi thoả thích. Cái sự ‘điên’ trong người tôi như thế, càng lớn lại càng ‘điên’, trách sao mà bây giờ tôi lại được coi là người nhiều ‘chiêu trò’ nhất showbiz này.’

{keywords}

Màu trắng là màu yêu thích và luôn là lựa chọn hàng đầu của Đàm Vĩnh Hưng


Giàu có, thất bại, rồi lại giàu có, nhưng ở đời chẳng ai nói trước được điều gì. Chẳng mấy chốc, gia đình Đàm Vĩnh Hưng lại rơi vào những biến cố kinh tế rúng động lúc bấy giờ.

Biến cố ấy còn ảnh hưởng đến những tên tuổi lớn trên thương trường thời bấy giờ, huống chi mẹ anh chỉ là một người buôn bán nhỏ lẻ, và bà đã có một quyết định đầy bất ngờ...

(Theo VTC)