Cả làng làm du lịch
Ngày cuối tuần, sau khi rời bến đò Cô Bắc (phường Bình Thủy, TP Cần Thơ) rồi đi đò khoảng 5 phút đồng hồ, chúng tôi đến một thế giới hoàn toàn khác so với cuộc sống phố thị ồn ào – đó là Cồn Sơn.
Dẫn đoàn đi từ bến đò vào Cồn Sơn, Nguyệt – hướng dẫn viên du lịch giới thiệu, du lịch cộng đồng ở đây mới phát triển, các hộ làm du lịch cộng đồng đều là người dân sinh sống nhiều năm trên đảo, nay kết hợp vừa làm vườn vừa phát triển du lịch nên ai cũng thân thiện, mếm khách.
Đi qua chiếc cầu khỉ bắc ngang con kênh trên Cồn Sơn, chúng tôi được vào căn nhà mái lá khang trang, sạch sẽ, phía trước có kê vài chiếc bàn tròn cho khách ngồi thưởng thức những món bán đặc sản, vài người khách khác thì đang tập làm bánh trong bếp.
Bà Phan Kim Ngân (hay còn gọi là Bảy Mun) – chủ nhà và cũng là chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên Thế Hệ mỉn cười chào khách rồi bê ra một mẹt toàn các loại bánh đặc sản ra cho mọi người thưởng thức.
Du khách lên Cồn Sơn tham quan các nhà vườn |
Chia sẻ về câu chuyện làm du lịch của người dân trên Côn Sơn, bà Bảy Mun cho biết, Cồn Sơn rộng khoảng 70ha, có 70 hộ dân sinh sống ở đây đã nhiều năm nay bằng nghề nuôi cá, làm vườn. Khoảng 2 năm gần đây bà đứng ra thành lập câu lạc bộ Liên Thế Hệ trẻ để làm du lịch cộng đồng. Mới đầu chỉ có 17 thành viên tham gia, nay tăng lên 50 thành viên.
“Ở đây, làm du lịch có sự liên kết, không có sự cạnh tranh, chồng chéo mỗi nhà làm một món, một sản phẩm là thế mạnh của mình”. Bà Bảy Mun nói và dẫn chứng, ví như gia đình bà có nghề làm bánh, bà là nghệ nhân nên mở dịch vụ dạy khách làm bánh và làm bánh cho khách thưởng thức. Hộ khác trồng cam cho khách thăm quan vườn, cố hộ nuôi cá lóc bay, hộ khác phụ trách mảng ẩm thức…
Khách lên Cồn Sơn du lịch có thể ghé vào bất cứ nơi nào mình thích, thưởng thức trái cây và các món đặc sản trong vùng, tự trải nghiệm những công việc của người dân nơi đây.
Bà Bảy Mun khoe: “Lượng khách tới đâu rất đông vì câu lạc bộ đã ký hợp đồng với các công ty lữ hành. Song, vì sức người dân có hạn và để đảm bảo phục vụ khách một cách chu đáo nên một ngày Cồn Sơn chỉ nhận tối đa khoảng 700 khách, quá số này sẽ không nhận”.
Khách đến đây vào các nhà vườn tham quan sẽ mất vé. Mỗi vé có giá khoảng 15.000-30.000 đồng tùy vào dịch vụ khách muốn trải nghiệm. Đổi lại, khách cũng sẽ được thưởng thức một số đặc sản, trái cây miễn phí.
Tiền vé này, bên lữ hành sẽ thu rồi ký sổ, hàng tuần tổng kết một lần để thanh toàn tiền cho các hộ là thành viên của câu lạc bộ.
Dân thoát nghèo vươn lên làm giàu
Bà Bảy Mun cho biết, trước khi làm du lịch cộng đồng, đời sống của người dân trên Cồn Sơn rất vất vả, thường phải sang bên kia bờ sông làm mướn. Song, từ khi làm du lịch thì cuộc sống khấm khá hơn vì có thu nhập ổn định, nhiều hộ đã thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Như nhà bà, nhà có người ốm đau bệnh tật phải vay tiền chữa bệnh, suốt 7 năm trời sống trong cảnh nghèo đói, làm thuê làm mướn đủ nghề vẫn không trả hết nợ. Vậy mà, 2 năm làm du lịch, gia đình bà đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định với thu nhập ổn định.
Nhiều người dân ở Cồn Sơn thoát nghèo nhờ làm du lịch cộng đồng |
“Giờ thu nhập cỡ trên 60 triệu đồng/tháng. Trừ đi chi phí còn dư khoảng 30 triệu đồng”. Bà Bảy Mun cho biết, không chỉ có hộ gia đình nhà bà mới vậy, các hộ dân khác làm du lịch nơi đây cũng có thu nhập tương đương,không chênh nhau là mấy. Còn riêng những hộ làm về ẩm thực phục vụ khách thì thu nhập cao hơn.
Cạnh căn nhà của bà Bảy Mun là vườn ổi và ao cá lóc bay của nhà vườn Thành Tâm khách cũng ra vào nhộn nhịp. Bê đĩa ổi nữ hoàng ra mời khách, chị Mỹ Phương – người làm ở đây cho biết, trung bình mỗi ngày nhà vườn đón khoảng 50 lượt khách. Vé mỗi khách vào vườn tham quan là 20.000 đồng, tính ra mỗi ngày thu được khoảng 1 triệu đồng. Mùa du lịch tháng 5 và 6, lượng khách trung bình khoảng 100 người/ngày thì lúc đó thu nhập cao hơn.
Cô Nguyễn Thị Xuyến – một nhà vườn trồng cam ở Cồn Sơn cũng thừa nhận trước kia cuộc sống của gia đình khá bấp bênh, thường xuyên phải qua sông làm thuê. Giờ thì về trồng cam làm du lịch cộng đồng cho thu nhập khá hơn rất nhiều.
Dẫn chúng tôi vào vườn cam của gia đình, cô Xuyên cho biết, vườn cam có khoảng 700 gốc, một năm thu 10 tấn cam. Số cam này đa số bán cho khách du lịch với giá trung bình 30.000 đồng/kg, cao hơn giá bán cho thương lái. Thu nhập nhờ đó cũng tăng hơn trước rất nhiều.
“Đó là chưa kể, mỗi ngày tôi còn thu khoảng vài trăm ngàn đồng tiền vé của khách du lịch vào thăm quan vườn”, cô khoe.
Không thống kê xem thu nhập của gia đình tăng bao nhiêu so với trước kia, song cô Xuyến cho biết, từ khi làm du lịch cộng đồng, gia đình có nhiều tiền hơn. Cô có tiền cho các con mua sắm món đồ này món đồ khác nên thấy rất vui.
Bài: Hà Ngọc Dũng - Nhóm PV
Ảnh: Vũ Tuấn Anh - Nhóm PV