Lương giảm, chi phí lại ùn ùn đội giá, dân văn phòng cũng phải đua nhau làm thêm để tăng thu nhập. Khổ nỗi lắm khi "chân ngoài dài hơn chân trong" nên nảy sinh lắm chuyện cười ra nước mắt.
Dùng nghề tay phải để thêm tiền
Là một kiến trúc sư nhiều năm kinh nghiệm, dù mấy năm nay ngành xây dựng lao đao, Định vẫn bình chân như vại. Công việc chính ở công ty không có nhiều, lương cũng giảm tương đối nhưng Định kết hợp cùng một nhóm kỹ sư nhận thiết kế các công trình nhà dân nho nhỏ. Do có uy tín nên nhóm của anh nhận công trình đều đặn và có tiền tươi thóc thật.
Anh tếu táo: "8 tiếng ngồi công ty làm việc chính chưa hết nửa thời gian, bọn mình tranh thủ làm luôn cả việc ngoài. Sếp có liếc qua vẫn thấy màn hình toàn bản vẽ nên cũng chẳng để ý. Như thế chả hơn là lướt web với vào facebook. Khéo lại bị phê bình cho bục mặt ấy chứ".
Ảnh mang tính minh họa |
Là kế toán tổng hợp tại một doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ, Lan dùng chuyên môn của mình nhận làm sổ sách và báo cáo tài chính cho vài công ty nhỏ. Công việc không mấy vất vả, chỉ làm vài ngày trong tháng. Tuy bận bịu và luôn phải tranh thủ làm sau khi đã hoàn tất việc nhà nhưng Lan vẫn vui vì mỗi tháng thêm được vài triệu tiêu pha và công việc vẫn nằm trong chuyên môn của mình.
Nghề tay trái "hại" nghề tay phải
Nhiều dân văn phòng bây giờ dư giả thời gian, 8 tiếng ở văn phòng không đủ việc để làm. Sẵn máy tính nối mạng, mọi người hùa nhau kinh doanh online.
Hiền quê ở Nam Định - nơi sản sinh ra gạo tám Hải Hậu nổi tiếng. Thi thoảng về quê cô vẫn mua gạo hộ cho các chị em cùng phòng. Ai cũng khen ngon, rẻ và hàng tháng đều đặn nhờ cô mua hộ, đồng thời thêm cho cô một chút phí gọi là cho đỡ ngại vì nhờ liên tục.
Nhận ra nhu cầu tăng dần, Hiền quyết định kinh doanh gạo online. Do nguồn hàng tốt, giá cả phải chăng nên công việc kinh doanh của Hiền càng lúc càng phát triền.
Mấy chị em trong phòng rất ủng hộ Hiền nhưng sếp lại không hài lòng chút nào. Hiền cũng tế nhị nói rất nhỏ hoặc ra góc khác để trả lời mỗi khi có khách hàng gọi nhưng không tránh khỏi việc bị sếp bắt gặp. Đến đầu tuần vừa rồi ,sếp gọi thẳng Hiền lên phê bình thẳng thắn: "Nếu em cảm thấy phù hợp với việc kinh doanh hơn làm kế toán thì em có thể nghỉ hẳn để tập trung kinh doanh. Còn em tiếp tục làm việc thế này thì anh không thể chấp nhận được".
Nhận được "tối hậu thư" của sếp, Hiền sợ xanh mặt. Tuy nhiên, tiếc khoản tiền kiếm ra từ việc buôn gạo, Hiền vẫn tranh thủ thậm thụt kinh doanh qua mạng. Cô than thở: "Không làm thêm thì lương chẳng đủ tiêu pha. Mà kinh doanh kiểu này em thấy đau tim quá. Mỗi lần thoáng thấy bóng sếp lại giật thót cả mình".
Cũng là nhân viên văn phòng kinh doanh online, mặt hàng Thùy Hương lựa chọn lại là mỹ phẩm xách tay. Cô tranh thủ thời gian buôn bán ngay cả trên công ty, sếp biết và chẳng bao giờ la mắng. Bí quyết của Hương là: "Thứ nhất, công việc chính phải hoàn thành tốt. Thứ hai, phải thật thà và khéo léo."
"Thật thà là khi sếp bắt gặp tớ mang hàng đến công ty quảng cáo với chị em đồng nghiệp tớ phải thành khẩn báo cáo ngay: "Dạo này công ty mình ít việc mà lương đang giảm nên anh cho em làm thêm tí chút để kiếm hộp sữa cho cháu. Công việc anh giao em sẽ hoàn thành tốt. Mà em chỉ làm lúc rảnh thôi còn khi nào việc chính vào guồng là em dừng ngay lập tức". Sếp chắc cũng không thích lắm nhưng thấy tớ thật thà thế nên cũng không nói gì.
Còn khéo léo thì cũng may cho tớ, đúng đợt mở hàng lại là sinh nhật vợ sếp. Tớ biết ý gửi tặng chị một bộ dưỡng da hàng xịn. Sau lần đó, chị ấy thành khách ruột của tớ mới hay chứ. Tất nhiên là tớ chuyên chọn loại xịn nhất và chỉ dám lấy giá gốc thôi. Còn tiền vận chuyển là miễn phí vì sếp tớ tình nguyện làm shipper luôn." - Hương chia sẻ.
Rất may mắn cho Hiền và Hương là công việc làm thêm tuy có ảnh hưởng chút ít đến công việc nhưng vẫn đem lại thu nhập. Không ít dân văn phòng đã phải ngậm ngùi vì kinh nghiệm còn non nớt nhưng vẫn lao vào kinh doanh. Thậm chí có người còn thua lỗ, phải dùng khoản lương "còm" để bù đắp.
Chuyện làm thêm của dân văn phòng còn dài tập. Mỗi người một lựa chọn để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên khi để tiếp tục tồn tại và phát triển trong sự nghiệp, ai cũng cần phải xác định rõ đâu là việc chính, đâu là việc tạm thời. Và sự thực không ai muốn "chân ngoài dài hơn chân trong" khi thu nhập từ công việc chính của mình đã ổn định.
(Theo Tri thức trẻ)