- Thảo luận về lấy ý kiến nhân dân cho bản Hiến pháp sửa đổi ngày 6/11, Chánh án Tòa án quân sự TƯ Trần Văn Độ cho rằng, Hiến pháp phải được trưng cầu dân ý, dân đồng ý thì QH mới được thông qua.


Quyền phúc quyết Hiến pháp

Theo ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), chủ trương lấy ý kiến nhân dân về bản Hiến pháp sửa đổi thể hiện đúng bản chất mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân.

Do đó, ban soạn thảo cần ghi rõ trong nghị quyết là lắng nghe, trân trọng mọi ý kiến tham gia của dân vào bản Hiến pháp. Ông Minh lưu ý, mọi ý kiến của các ngành, các cấp phải được tiếp thu tối đa. Chỗ nào không tiếp thu hay tiếp thu ít nhiều đều phải nói rõ để dân biết. Bởi qua nhiều lần lấy ý kiến về các vấn đề khác, dân có “tâm tư” rằng hình như góp ý không được thu nhận và không có phản hồi.

ĐB Ngô Văn Minh (trái) đề xuất lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp sửa đổi từ tháng 12/2012 đến hết tháng 4/2013. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh đề xuất, ban soạn thảo cần định hướng thế nào trong việc xin ý kiến nhân dân. Bởi cần cân nhắc tình huống các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá. Do vậy, nên có một điều cấm các hành vi phá hoại trong việc xin ý kiến.

ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM) góp ý, trong quá trình lấy ý kiến dân, nên cân nhắc đến kênh báo chí và tạo điều kiện cho báo chí. Bởi dân góp ý thông qua báo chí là một hoạt động hiệu quả và phát huy vai trò rất tốt.

Chánh án Tòa án quân sự Trung ương Trần Văn Độ phân tích, tinh thần của Hiến pháp đã khẳng định nhân dân phải thực sự là chủ thể của quyền lực. Do đó, dự thảo sửa đổi lần này phải trưng cầu dân ý, dân phải đồng ý thì Quốc hội mới được thông qua. Dân không đồng ý thì phải làm lại.

“Hiến pháp lần này soạn thảo xong đưa cho dân xem, phải tổ chức để dân phúc quyết đồng ý hay không đồng ý, chứ không thông qua tại QH không mà thôi”, ông Độ nói.

Vì vậy theo ông, phải quy đinh rõ: Hiến pháp là của toàn dân và “dân có quyền phúc quyết Hiến pháp, sửa đổi hay không sửa đổi Hiến pháp”.

Lấy ý kiến càng lâu càng tốt

Về thời gian lấy ý kiến, dự thảo Nghị quyết dự kiến sẽ xin ý kiến dân trong ba tháng, bắt đầu từ tháng 1/2013. Tuy nhiên, các ĐBQH đề nghị nên kéo dài thêm thời gian để việc lấy ý kiến đi vào thực chất.

Ông Ngô Văn Minh phân tích, kỳ họp thứ 5 sắp tới QH cũng chưa thông qua Hiến pháp ngay. Do đó, nên tăng thêm thời gian xin ý kiến của dân. Ông Minh đề xuất có thể kéo dài từ 1/12/2012 đến 30/4/2013.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng đây là việc hệ trọng quốc gia nên dành thời gian thích đáng để lắng nghe dân và để bàn thảo, bởi từng câu chữ trong Hiến pháp tác động tới cả đời sống chính trị, kinh tế, xã hội.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng cho rằng, nên lấy ý kiến dân càng sớm càng tốt, mà càng dài thì càng có kết quả tốt hơn.

Tán thành quan điểm trên, ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) nói thêm thời gian lấy ý kiến nhân dân rất quan trọng, có thể kéo dài thêm để mọi tầng lớp nhân dân có thể đóng góp ý kiến.

Và điều quan trọng nhất được các ĐBQH góp ý là việc lấy ý kiến dân phải mở rộng đến mọi đối tượng, từ các chuyên gia, nhà khoa học đến người dân bình thường. Mặt khác, ý kiến đóng góp phải được tiếp thu, tổng hợp và được giải thích rõ. Có như vậy, dân mới nhiệt tình tham gia đóng góp cho bản Hiến pháp sửa đổi.

Nghị quyết về lấy ý kiến nhân dân cho bản Hiến pháp sửa đổi sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp.

Phiên thảo luận về Hiến pháp sửa đổi sẽ được truyền hình trực tiếp một ngày rưỡi (15 và 16/11).

L.Nhung - X.Linh - T.Chung - T.Thủy