- Những ngày giáp Tết, khi nhu cầu thực phẩm đang lên rất cao, tình trạng thịt lợn nhiễm độc Clenbuterol đang làm người dân hết sức lo ngại. Hiện nay toàn bộ mẫu phẩm nhiễm độc Clenbuterol được bày bán ở các chợ tại TP.HCM đã được tiêu thụ hết.
TIN BÀI KHÁC: 
 

Lợn nhiễm độc Clenbuterol từng xuất hiện trên thị trường
Hồi năm 2005, Chi cục Thú y TP.HCM đã mở rộng kiểm tra và phát hiện một số mẫu thịt lợn bày bán trên thị trường có chất Clenbuterol - độc chất giúp tăng trọng gia súc, nhưng rất nguy hiểm đối với sức khoẻ con người sau khi phát hiện 4/5 mẫu thức ăn tại một trường mầm non ở tỉnh Bình Thuận có chứa dược chất Dexamethasone (Dexa). Tiếp đó, trong 500 mẫu thịt lợn được bày bán tại các chợ và thịt ở các lò mổ vừa giết tại 6 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM do Chi cục Thú y thành phố kiểm tra có đến 30% mẫu dương tính với Clenbuterol.
Một năm sau, trong một cuộc hội thảo về hormone tăng trưởng do Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam và Hiệp hội thức ăn chăn nuôi tổ chức, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã công bố kết quả kiểm tra (từ 20/6 - 3/11/2006), cơ quan chức năng đã phát hiện 47/428 mẫu dương tính với Clenbuterol (chiếm gần 11%).

 
Khó lòng phân biệt thịt lợn “sạch”, thịt lợn “độc” (ảnh: xaluan.com)

Sang năm 2011, hiện tượng này một lần nữa lại dấy lên mối lo ngại của người dân về nguy cơ gây ung thư từ loại thực phẩm thường dùng này. Bác sĩ Huỳnh Hữu Thọ, Trưởng trạm Chẩn đoán xét nghiệm - điều trị thuộc Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, trong số gần 500 mẫu thịt lợn đang bày bán tại các chợ TP.HCM, có gần 30% mẫu dương tính với Clenbuterol. Đáng lo là khi có kết quả xét nghiệm này thì toàn bộ số thịt heo trên đã được tiêu thụ hết.

Chất Clenbuterol là tác nhân gây ung thư

Theo ThS Phạm Thị Kim Phượng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm (Số 2 Nguyễn Văn Thủ, TP.HCM), Clenbuterol là loại chất kích thích tuyến thượng thận, điều tiết sinh trưởng động vật, thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp và tác dụng phân giải lipid. Những con lợn được trộn thức ăn có chứa Clenbuterol sẽ có tỷ lệ thịt nạc nhiều hơn thịt mỡ.

Nhiều mẫu thịt tươi tại các lò giết mổ nhiễm độc Clenbuterol (ảnh: 24h.com.vn) 

Khi lợn ăn thức ăn có trộn Clenbuterol, chất này sẽ tập trung nhiều ở các cơ quan nội tạng như gan, thận, phổi và làm người ăn lòng lợn mắc bệnh. Nguy hiểm hơn, Clenbuterol sẽ gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người. Dư lượng Clenbuterol trong thịt gia súc có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng như biến chứng ung thư, ngộ độc cấp: run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng.

Thường chất Clenbuterol được người chăn nuôi sử dụng khoảng 21 ngày trước khi xuất chuồng. Đây là chất cực mạnh, có tác dụng nhanh, 1kg Clenbuterol có thể trộn với 1 tấn thức ăn gia súc. Nếu như trước đây nuôi một con lợn 5 tháng mới được 1 tạ, nay với Clenbuterol, chỉ cần chưa đầy ba tháng là lợn đã đủ tạ. Clenbuterol có thể gây đột biến tế bào.

Hiện nay, tuy tại các tỉnh miền Nam, tình trạng lợn nhiễm độc Clenbuterol đang lan tràn trên diện rộng, đại diện Bộ Y tế khẳng định, hiện thị trường miền Bắc chưa phát hiện thịt lợn nhiễm Clenbuterol.

Để giúp người dân có cách chọn lựa thực phẩm an toàn, phục vụ nhu cầu ngày Tết, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, thịt lợn tươi, ngon có tiêu chuẩn: màng ngoài khô, không bị nhớt, mùi và màu sắc bình thường, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Các thớ thịt đều. Nếu thịt sử dụng nhiều chất kích thích tăng trọng thường tích nhiều nước, thịt có độ săn chắc kém. Nếu thịt ướp hàn the hoặc urê, khi sờ vào sẽ có cảm giác cứng hơn và không còn độ dẻo dính của thịt tươi.

Đỗ Linh (Tổng hợp)