Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đang trong quá trình hoàn tất việc xây dựng dự thảo Quyết định “Tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh đối với một số nhóm thực phẩm phổ biến”, trong đó đưa ra một số tiêu chí áp dụng cho 5 nhóm sản phẩm bao gồm ngũ cốc và các sản phẩm chế biến; thịt; cá và thủy hải sản; sữa và các sản phẩm chế biến; đồ uống.
Cục này cho biết, tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh đối với một số nhóm thực phẩm chế biến nêu trên được khuyến nghị áp dụng cho doanh nghiệp, nhà sản xuất thực phẩm. Bên cạnh đó, các tiêu chí này giúp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm lành mạnh góp phần nâng cao sức khỏe, phòng chống các bệnh không lây nhiễm.
Cục Y tế Dự phòng nêu rõ, quy định trên là khuyến cáo chứ không phải quy định bắt buộc của cơ quan quản lý và chỉ giới hạn cho một số loại thực phẩm chế biến đóng gói sẵn và nhằm mục đích phòng tránh bệnh không lây nhiễm. Hơn nữa, quy định này không nhằm tác động tiêu cực vào công nghiệp sản xuất thực phẩm.
Tuy nhiên, dự thảo này đã gây ra lo ngại lớn từ các chuyên gia kinh tế và các hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam và FDI.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh phải đầy đủ và cân đối các dưỡng chất |
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, chưa nên ban hành bộ tiêu chí vì nó tăng gánh nặng lên doanh nghiệp trong khi lại không bảo vệ được người tiêu dùng.
Ông nói: “Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, 2 năm qua, những doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, đồ uống và nhiều ngành nghề liên quan khác đã và đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. Không nên ban hành thêm thủ tục để bắt họ tuân thủ, trong khi quy định mới chưa chắc đã bảo vệ người tiêu dùng”.
“Chính phủ đang nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để giúp doanh nghiệp đứng dậy sau Covid. Việc dán tem “dinh dưỡng lành mạnh” làm cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng thêm bao nhiêu cần phải tính toán thêm”, ông nói.
Bà Bùi Kim Thùy, Đại diện cấp cao tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) khẳng định: “Chúng tôi nhận thấy một số nội dung còn chưa phù hợp với thực tiễn, gây băn khoăn lo ngại cho các doanh nghiệp đang có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có các công ty thành viên của USABC”.
USABC là tổ chức đại diện cho hơn 170 công ty thành viên đang có hoạt động kinh doanh tại ASEAN, trong đó có các công ty hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp, y tế và khoa học đời sống.
Trong dự thảo đưa ra 2-3 tiêu chí về dưỡng chất đa lượng để một thực phẩm được coi là “dinh dưỡng lành mạnh”.
Tuy nhiên, USABC cho rằng, quy định như vậy là “chưa đủ cơ sở khoa học”. Tổ chức này lý giải, về khoa học, chế độ dinh dưỡng lành mạnh phải đầy đủ và cân đối các dưỡng chất, bao gồm rất nhiều loại từ dưỡng chất đa lượng đến dưỡng chất vi lượng như vitamin và khoáng chất.
Hơn nữa, quy định như trong dự thảo sẽ làm người tiêu dùng có thể hiểu lầm rằng thực phẩm lành mạnh thì ăn càng nhiều càng tốt. Điều này không đúng vì thực phẩm gì mà ăn nhiều quá cũng đều có hại.
Ngoài ra, USABC cho rằng, người tiêu dùng có thể hiểu lầm rằng các thực phẩm không ghi nhãn “thực phẩm lành mạnh” là không lành mạnh và không nên ăn.
Điều này không đúng vì chẳng lẽ gạo là “thực phẩm không lành mạnh” vì chỉ chứa chủ yếu tinh bột và có chỉ số đường huyết cao >55, mật ong “không lành mạnh” vì chứa nhiều đường, nước mắm “không lành mạnh” vì có nhiều muối…
Tương tự đối với sữa, dự thảo quy định, hàm lượng canxi phải ≥130mg/100ml, nhưng trên thực tế, hàm lượng canxi trung bình trong sữa tươi là từ 90-120mg/100ml và dao động nhiều theo mùa vụ. Do đó, với tiêu chí này, sữa tươi sẽ bị coi là thực phẩm không lành mạnh, ngược lại với lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng là cần tăng cường sữa trong chế độ ăn của người Việt.
Phó chủ tịch VBA Chu Thị Vân Anh đề nghị chưa ban hành Bộ tiêu chí để "tránh tác động không mong muốn đến kinh tế, xã hội nói chung và ảnh hưởng tới tiêu dùng của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện dịch bệnh khó khăn hiện nay”.
Theo VBA, các tiêu chí về dinh dưỡng của Bộ Y tế đưa ra có thể tạo nên những quan niệm sai lầm của xã hội đối với các sản phẩm không theo các tiêu chí dinh dưỡng đặt ra và ảnh hưởng tới tâm lý, định hướng của người tiêu dùng đối với những sản phẩm này.
Hệ lụy là doanh thu của các ngành có thể sụt giảm, người lao động mất việc làm, và nhà nước thất thu thuế, trong khi đó tình trạng dinh dưỡng của người tiêu dùng chưa chắc đã được cải thiện.
Vì thế, VBA kiến nghị Bộ tiêu chí cần được nghiên cứu toàn diện dựa trên Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và thực trạng về dinh dưỡng, thể chất của người dân theo vùng miền cũng như đối với sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm, đồ uống và đối với người lao động trong các doanh nghiệp thực phẩm từ đó mới đảm bảo được hiệu quả khi ứng dụng vào thực tiễn.
Lan Anh
Điêu đứng vì Covid-19: Nhà đầu tư điện gió muốn được gia hạn giá FIT
Không kịp đưa dự án vào vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021, nhiều nhà đầu tư điện gió vẫn lâm cảnh khó khăn và đang nóng lòng muốn được gia hạn giá FIT.