Bộ Tài chính muốn tăng thuế môi trường với xăng lên 4.000 đồng/lít, dầu diesel lên 2.000 đồng/lít. Từ 2012 đến nay, ngân sách đã thu được hàng trăm ngàn tỷ từ thuế bảo vệ môi trường. Số tiền này được sử dụng thế nào?

Số liệu được Bộ Tài chính công bố trước đây cho thấy, trong tổng số 42.300 tỷ thuế bảo vệ môi trường thu được năm 2016, ngân sách đã chi khoảng 12.290 tỷ đồng, đạt 1% tổng chi ngân sách.

Giai đoạn 2012-2016, thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường đã tăng gấp 4 lần, từ 11.160 tỷ đồng lên 41.924 tỷ đồng. Có nghĩa, trong 4 năm, số thu đã tăng thêm 30.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi ngân sách cho bảo vệ môi trường năm 2012 là 9.000 tỷ, thì năm 2016 cũng chỉ dừng ở mức 12.290 tỷ, tăng hơn 3.000 tỷ.

Điều này đã dấy lên quan điểm “thuế bảo vệ môi trường: Thu nhiều, chi ít”. Sau đó, Bộ Tài chính cũng đã giải thích rõ hơn vấn đề này.

{keywords}
Tỷ lệ thu - chi thuế bảo vệ môi trường.

Theo Bộ Tài chính, khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà được sử dụng để bố trí, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo quy định,...

Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.

“Do đó, kinh phí ngân sách nhà nước bố trí cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường có thể bằng hoặc thấp hơn so với số thu thuế bảo vệ môi trường”, Bộ Tài chính phân trần.

Như một đại diện của Bộ Tài chính đã từng giải thích, thu thuế bảo vệ môi trường là cho vào ngân sách nói chung, không phải thu đồng nào là chi trực tiếp đồng ấy cho môi trường. Sau đó, ngân sách sẽ đảm bảo bố trí 1% tổng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ chi ngân sách nhà nước.

Như vậy, theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, tổng chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 khoảng hơn 131 nghìn tỷ đồng, bình quân khoảng hơn 26 nghìn tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016.

Số tiền này bao gồm cả các khoản vay, viện trợ đã đưa vào ngân sách nhà nước để chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường hoặc chi đầu tư phát triển bảo vệ môi trường; chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về bảo vệ môi trường không đưa vào ngân sách.

Bộ Tài chính đánh giá: Thực hiện chính sách thuế bảo vệ môi trường đã góp phần động viên hợp lý đóng góp của xã hội, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách để giải quyết vấn đề môi trường với nhu cầu ngày càng tăng.

Như vậy, với vai trò là một công cụ kinh tế, Bộ Tài chính nhận định thuế bảo vệ môi trường thể hiện định hướng, điều tiết của Nhà nước đối với việc tiêu dùng một số sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.

“Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, chính sách thuế bảo vệ môi trường đã cơ bản đạt được những yêu cầu khi ban hành, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu các tác động có hại đến môi trường sinh thái, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới”, Bộ Tài chính đúc kết.

Lương Bằng