Vậy nhưng mỗi thời đại, đàn ông vẫn bị trút lên vai những áp lực vô hình. Quan điểm xưa thì "đàn ông gánh cả giang san", đến nay dù không đến mức nặng nề như vậy nữa, nhưng áp lực là trụ cột kinh tế trong gia đình, là người "lo việc lớn", và "không được khóc" dù có vấp phải khó khăn gì, có đối mặt với bất cứ chuyện gì, vẫn gây ra cho không ít trong số họ những tổn thương tâm lý.
Hòn đá đè nặng lên tâm lý nam giới
Chuyên gia Tâm lý Bùi Thị Hải Yến (Giám đốc Trung tâm Tâm lý Trị liệu NHC) nhận định: "Đã gọi là định kiến thì đó là những tư tưởng đã có từ xưa. Xã hội ngày nay cởi mở và công bằng hơn rất nhiều nên ở một mức độ nào đó nam giới và phụ nữ từ "việc nhà" đến "việc nước" đã có sự quân bình nhất định. Càng ở các nước phát triển sự bình đẳng giới càng được quan tâm và thành xu hướng văn hóa.
Cả hai giới đều được tạo hóa đã ban cho những bản năng rất riêng. Người đàn ông sinh ra đã có khả năng mạnh mẽ, can trường, có tầm nhìn bao quát hơn phụ nữ, nhưng điều đó không có nghĩa rằng trong một gia đình bắt buộc người đàn ông phải chịu những trách nhiệm nặng nề như cái trụ, cái cột trong nhà".
Theo chuyên gia, sự thật là những định kiến trên gây ra những tác động đến tâm lý nam giới không hề nhỏ. Một ví dụ rất dễ thấy, nếu trong một gia đình vai trò kinh tế, địa vị xã hội của người phụ nữ lớn hơn, người đàn ông sẽ rất dễ cảm thấy tự ti, muốn thu mình lại khi bám chấp vào những định kiến cũ. Điều đó cũng có thể ảnh hưởng tới hạnh phúc của gia đình và tâm lý về lâu dài của nam giới.
Không chỉ nam giới trưởng thành mới gặp những vấn đề về tâm lý bởi những định kiến cũ mà ngay cả các bé trai khi ngồi trên ghế nhà trường cũng áp lực việc làm sao cho ra dáng nam nhi.
Nhiều gia đình đem định kiến cũ để giáo dục con, rằng con trai thì phải học giỏi, sức khỏe tốt, tính cách phải mạnh mẽ... Nhưng nếu không đạt được những tiêu chí đó, các bạn trai sẽ có tâm lý e dè, nghĩ rằng bản thân không đủ tốt, không đủ giỏi để có thể tiến đến một mối quan hệ với một bạn gái có đầy đủ tố chất tốt đẹp trong tương lai.
Đàn ông dù đã trưởng thành hay còn trẻ tuổi, họ cũng không dễ dàng để chấp nhận những thất bại, bởi mỗi lần vấp ngã và thất bại họ dễ dàng ám ảnh với suy nghĩ rằng, mình không phải người thành công, không phải người tài giỏi. Tất nhiên, ai cũng có khả năng vượt qua thất bại để vực dậy, nhưng với những nam giới gặp phải vướng mắc bởi những định kiến trong xã hội một cách nặng nề đến mức ám ảnh thì việc họ đứng lên sau thất bại có thể khó khăn hơn.
"Đâu đó vẫn còn những quan điểm trong xã hội mới không còn phù hợp, trở thành hòn đá nặng đè lên vai, ta nên thay đổi để đem lại những điều công bằng và môi trường tốt nhất cho mỗi người đều được phát triển tài năng, đam mê, sở trường.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào mặt tích cực xem đó như lời nhắc nhở về thế mạnh tự nhiên thì các định kiến ấy có thể trở thành nguồn động lực để giúp cho nam giới mạnh mẽ, thành công hơn trong cuộc sống. Nên cuối cùng, góc nhìn và cách nhìn, hệ niềm tin và tư duy gốc rễ của mỗi người là rất quan trọng", chuyên gia khẳng định.
Những con số biết nói
Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến cho biết: "Trên thế giới hiện nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề tâm lý nam giới. Một nghiên cứu cho ta thấy rằng, tỷ lệ rơi vào trầm cảm ở nam giới trưởng thành hiện nay ở ngưỡng 43 - 45%. Tỷ trọng nam giới mắc trầm cảm chỉ thấp hơn một nữ một chút, hoàn toàn không phải nam giới không bao giờ gặp phải tình trạng tâm lý tồi tệ, tiêu cực.
Trong suốt quá trình tiếp nhận khách hàng tại Trung tâm, tôi nhận thấy rằng, trong độ tuổi 35 - 45 tỷ lệ nam giới gặp phải tình trạng căng thẳng cao hơn ở phụ nữ. Chúng tôi tiếp nhận không ít những trường hợp nam giới cần hỗ trợ về mặt tâm lý, bản thân khách hàng nam giới hiện nay tại trung tâm chiếm tỷ lệ gần 50%.
Sự thật là trong lứa tuổi "teen" tỷ lệ khách hàng nam giới đến trung tâm để được hỗ trợ tâm lý còn hơn nữ giới. Giai đoạn 18-19 tuổi là khi các bạn trẻ đối diện với nhiều bước ngoặt quan trọng như học Đại học, tìm kiếm ngành nghề phù hợp, tìm kiếm việc làm thêm để tự lo thu nhập, thể hiện bản lĩnh đàn ông...
Trong độ tuổi 22-24 ở năm cuối Đại học hoặc mới ra trường, nam giới cũng gặp phải tình trạng căng thẳng trong tâm lý cao hơn nữ giới với những áp lực về sự nghiệp, về các mối quan hệ xã hội và bản lĩnh đàn ông, mà có lẽ định kiến trên là một nguyên nhân có sự tác động không nhỏ".
Vượt qua định kiến để được là chính mình
Cũng theo chuyên gia, cánh mày râu ở mỗi giai đoạn phát triển hãy nhận thức được rằng các bạn có quyền thể hiện cảm xúc, quan điểm, mong muốn của mình. Con người sẽ hạnh phúc nhất khi được là chính mình.
Nam giới sinh ra được tạo hóa ban tặng cho sức mạnh, một số khả năng thiên phú mà phái nữ phải nỗ lực rất nhiều mới đạt được. Hãy tận dụng những điều đó thành điểm mạnh để vượt qua những chướng ngại về mặt tâm lý. Trước những định kiến của xã hội chúng ta cần cởi mở hơn với chính mình.
"Chủ động đọc sách, trau dồi kiến thức, tập trung để phát triển những kỹ năng mềm và kỹ năng sống ở tuổi teen. Khi có gia đình, chủ động vun vén cho gia đình cùng với người phụ nữ của mình, nam giới cũng sẽ nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ phái nữ, cùng gánh vác những áp lực về những định kiến kinh tế, hình mẫu.
Nam giới hoàn toàn có thể dễ dàng vượt qua những chướng ngại tâm lý nếu kết nối được một người bạn đồng hành phù hợp. Vì vậy hãy tìm cho mình một người bạn tri kỷ, một người bạn đời phù hợp để cả hai sẵn sàng san sẻ, vun vén, tôn trọng, công bằng với nhau và cùng có trách nhiệm trong cuộc sống", chuyên gia chia sẻ.
Theo Dân Trí
Phụ nữ kiệt sức vì 'trách nhiệm kép'
Trải qua 3 đợt giãn cách vì Covid-19 tính từ đầu năm 2020, có những lúc chị Trần Thu Hương (32 tuổi, Hà Nội) tưởng chừng như “bốc hoả” vì phải ở nhà trông 2 đứa con không được đến trường