Số lượng đàn ông độc thân từ 35-49 tuổi tại Seoul đã tăng lên gấp 10 lần so với hai thập kỷ trước và chiếm khoảng 20,1% tổng số đấng mày râu trong độ tuổi này.
TIN BÀI KHÁC:
Tiết lộ chuyện an ninh ăn uống của các nguyên thủ
Thế giới 24h: "Trung Quốc chớ đơn phương"
Nhiều đàn ông trung niên tại Hàn Quốc đã tạm gác việc hôn nhân cho tới lúc góp đủ tiền. (Ảnh minh họa: AP)
Số liệu trên được thống kê trong một bản báo cáo về đàn ông ở thủ đô do Chính quyền Thủ đô Seoul đưa ra vào hôm qua, 25/7.
Số lượng đàn ông độc thân trong độ tuổi này đã tăng từ 24.239 người năm 1990 lên tới 242.590 người vào năm 2010, trong khi đó số lượng phụ nữ độc thân trong độ tuổi này cũng đã tăng gấp 6 lần lên 145.218 vào cùng khoảng thời gian trên.
"Khi ngày càng nhiều người tin rằng họ có ít cơ hội để kết hôn nếu không có tiền, đàn ông hiện nay có xu hướng trì hoãn hôn nhân cho tới khi họ cảm thấy đã tiết kiệm đủ cho đám cưới," Seong Jae-min tại Viện Lao động Hàn Quốc cho biết.
Tuy nhiên từ khi khủng hoảng kinh tế xảy ra vào cuối những năm 1990, thị trường lao động trở nên linh hoạt hơn, nhiều người làm việc theo hợp đồng ngắn hạn và điều này cũng khiến việc tích góp tiền lương trở nên khó khăn hơn. Giá bất động sản tại Seoul tăng nhanh chóng cũng khiến chi phí cho một đám cưới đắt đỏ hơn nhiều, Seong nói thêm.
Các chuyên gia dự đoán xu hướng này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Giáo sư Kim Moon-jo tới từ Đại học Hàn Quốc cho biết: "Ngày càng nhiều phụ nữ có học vấn cao đang nộp đơn vào những vị trí mà trước kia vốn do đàn ông đảm nhận khiến số lượng đàn ông có thể đáp ứng được sự mong đợi của những phụ nữ này cũng giảm dần đi, điều này đồng nghĩa với việc có nhiều đàn ông gặp khó khăn hơn trong việc kết hôn."
Quan niệm về hôn nhân của đàn ông cũng có nhiều thay đổi. Năm 2006, 28,1% đàn ông nói rằng đám cưới chỉ là sự bắt buộc nhưng con số này đã giảm xuống còn 20,7% vào năm 2010. Tới nay, khoảng 30% nói rằng hôn nhân là nhiệm ý.
Khoảng cách giáo dục cũng là một nhân tố gây ra tình trạng trên. Trong khi 52,4% đàn ông chưa kết hôn chỉ có bằng trung học, 61% phụ nữ độc thân đều tốt nghiệp cao đẳng hoặc trường chuyên nghiệp.
Xu hướng trên cũng làm tăng tỷ lệ người chưa từng kết hôn. Nếu một người tới 50 tuổi vẫn chưa kết hôn, họ được coi là sẽ sống độc thân cả đời.
Tỷ lệ người độc thân có thể trở thành gánh nặng nghiêm trọng đối với xã hội vì nó có khả năng dẫn tới tình trạng gia tăng đói nghèo và chết trong sự cô đơn trong những năm cuối đời.
Park Young-sub tới từ Chính quyền Thủ đô Seoul cho biết: "Những người không kết hôn với thu nhập thấp và nền tảng giáo dục thấp sẽ có nguy cơ đối mặt với đói nghèo khi về già."
Tổng số người độc thân từ 25-49 tuổi đã tăng 2,3 lần từ hai thập kỷ trước lên tới 1,59 triệu người vào năm 2010.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc có khoảng 35.000 đàn ông ở nhà nội trợ, tăng 2,2% so với 6 năm trước.
"Khi ngày càng nhiều phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, đã có sự gia tăng nhanh chóng về số lượng đàn ông ở nhà để vợ ra ngoài kiếm tiền," Lee Bok-sil, nhân viên của Bộ Gia đình và Bình Đẳng giới Hàn Quốc cho biết.
Sầm Hoa (Theo Chosunilbo)