Những ngày giữa tháng 4, phóng viên (PV) đến địa điểm gần với con đường ven biển nối Sa Huỳnh – Dung Quất, nơi giá đất được kháo tăng vùn vụn thời gian gần đây.
Ôm đất đợi dự án chờ đổi đời
Gia đình chị N.T.L.T. (45 tuổi, tổ dân phố Hải Tân, phường Phổ Quang) đang mưu sinh với nghề nông nghiệp. Chị kể trong sự tiếc nuối với 1.800m2 đất nông nghệp của mình được bán vào tháng 8/2021, thời điểm đó chị bán với giá 450 triệu đồng.
“Chỉ trong vòng mấy tháng, bây giờ mảnh đất tôi vừa bán đã tăng giá gấp đôi, và có thể tăng hơn nữa nếu con đường ven biển đi qua”, chị T. tiếc nuối.
Hiện gia đình chị vẫn còn một mảnh đất ngay trước nhà diện tích gần 2.000m2, trong đó có 100m2 đất ở. Ngỏ ý muốn mua lại với giá 3 tỷ đồng, PV nhận lại ngay cái lắc đầu của chị T.
Chị giải thích rằng: “Theo tôi được biết, con đường ven biển nối Sa Huỳnh – Dung Quất sẽ đi ngang qua nhà tôi, cắt ngay trước mảnh đất này, nếu đúng như vậy thì tôi sẽ không bán với giá nào cả”.
Chúng tôi tiếp tục tăng giá từ 3 lên dần 5 tỷ nhưng chị T. nhất quyết giữ đất đợi dự án để đổi đời.
Chị thông tin thêm rằng, ở đây từ Tết Nguyên đán đến giờ, lượng người mua bán đất đổ về thường xuyên. Cò lướt liên tục, cách đây gần 1 tháng, có người mới mua mảnh đất 700m2 gần nhà chị với giá 400 triệu đồng, 2 ngày sau có người trả 450 triệu đồng thì bán luôn. “Hai ngày lời 50 triệu thì đúng không ai bằng”, chị T. thốt lên.
Thấy thương lượng không khả thi, chúng tôi chào tạm biệt chị và đến địa điểm "nóng" một thời là khu dân cư Bao Điền (xã Phổ An), nơi đây cách vị trí con đường ven biển đi qua khoảng vài chục mét.
Tại đây, một con đường bê tông rộng, dọc hai bên đã được giải phóng mặt bằng, một số lô được chủ xây hàng rào bao lại, trồng cây xanh ngay trước khu đất của mình.
Ở khu dân cư này có một nhà đất cắm biển hình ảnh bản đồ phân lô, cộng với thông tin để khách liên hệ.
Gọi vào số điện thoại trên biển quảng cáo, đầu dây bên kia là giọng một người phụ nữ, PV ngỏ ý mong muốn mua đất ở khu vực này và gặp trực tiếp để trao đổi.
Người phụ nữ trả lời đang ở xa và chỉ trao đổi được qua điện thoại, hỏi một số lô đất đẹp, nằm gần với đường ven biển đi qua thì nhận được câu trả lời rằng chủ đất không bán.
“Những lô đất ở khu dân cư Bao Điền được đấu giá vào khoảng 1 năm trước, trung bình mỗi lô từ 350-400 triệu đồng. Các khu gần với đường ven biển đi qua, bây giờ chủ đất không bán vì muốn đợi giá lên.
Khách ở Hà Nội bên chị muốn mua khoảng 10 lô ở gần biển nhưng không có chủ đất nào bán cả, người ta cứ giữ để đợi lên 1 tỷ rồi mới bán. Hiện có 1-2 lô gì đó nhưng không nằm gần biển, cũng trong khu dân cư nhưng nằm sâu trong đất liền chủ đất muốn bán”, người phụ nữ này trả lời.
Muốn hỏi giá cả về những lô đất này, người này gửi cho chúng tôi thông tin 2 mảnh đất, mỗi lô có diện tích 127,7m2 với giá 720 triệu đồng. Người phụ nữ này thông tin thêm, lô này trước Tết Nguyên đán chỉ có giá 500 triệu, đến bây giờ, khi thông tin giá đất sốt thì đã lên hơn 200 triệu. “Khó khăn lắm mới có 1-2 lô người ta bán ở đây, chứ người đầu tư ôm đất đợi hết em à, nên mua thì mua gấp chứ không còn đất để mua ở khu này đâu”.
Công khai các quy hoạch
Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Võ Minh Vương cho hay, việc giá đất rục rịch tăng không phải ngay bây giờ mà đã bắt đầu từ tháng 3/2020, khi Đức Phổ vừa lên thị xã.
“Giá đất tăng như vậy tùy vào thời điểm, tăng hay giảm đi cùng với thị trường bất động sản, khi dịch bệnh thì chững lại. Khi có thông tin đường Dung Quất – Sa Huỳnh chuẩn bị khởi công, đi ngang qua xã Phổ An, phường Phổ Quang và một phần của Phổ Minh thì giá đất tăng trở lại”, ông Vương nói.
Về các biện pháp địa phương này đã làm để giúp người dân có thông tin, cùng với việc hạn chế tạo sốt đất ảo, ông Vương cho biết, việc đầu tiên thị xã làm đó chính là công khai các quy hoạch đô thị, kế hoạch xin đất. Bước đầu, chính quyền đã có quy hoạch phân khu tại phường Phổ Quang.
Ông Vương cho biết: “Hiện chúng tôi đang làm quy hoạch phân khu dọc sông Thoa. Cùng với đó, những công trình, dự án dự kiến đầu tư xây dựng trên địa bàn chúng tôi đều công khai, minh bạch để người dân có đầy đủ thông tin.
Khi người dân thấy được quy hoạnh thì chính họ sẽ biết được đất của mình có ảnh hưởng hay hưởng lợi từ quy hoạch không. Điều này giúp họ tránh được các đối tượng xấu lợi dụng mua những mảnh đất trúng với quy hoạch, thì sau này được bồi thường rất ít so với số tiền bỏ ra mua. Còn nếu hưởng lợi từ quy hoạch thì người dân sẽ giữ lại đất để sau này bán được giá…
Về việc này, chính quyền đang triển khai cắm mốc trên thực địa các khu quy hoạch để người dân dễ dàng nhìn thấy”.
Vẫn theo ông Vương, việc tiếp theo chính quyền thị xã Đức Phổ đang làm đó chính là chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn, giám sát các giao dịch phải tuân thủ quy định của pháp luật.
“Việc này tránh tình trạng người mua bán nói miệng với nhau 1 tỷ, 2 tỷ nhưng thực tế giao dịch chỉ có vài trăm triệu. Nhiều người lợi dụng việc này để thổi giá đất lên.
Tiếp nữa, chúng tôi sẽ đưa một số khu dân cư vào để đấu giá, việc này sẽ làm dịu đi nhu cầu của thị trường”, ông Vương giải thích.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ chia sẻ, một số biện pháp của thị xã như vậy nhưng thực tế thị trường bất động sản vẫn chưa có những chế tài mạnh để xử lý.
Các cấp thẩm quyền vẫn chưa kiểm soát chặt chẽ việc này, dẫn đến người dân vẫn còn bị lợi dụng.
Cần có hệ thống giá đất
Về đề xuất để tránh tình trạng sốt đất như hiện nay, ông Vương nói: “Điều đầu tiên, cần kiểm soát được ngành thuế, kiểm soát được giao dịch thực tế để thu thuế vào ngân sách. Việc nói miệng với nhau để sang tay sẽ dễ dàng đẩy giá đất lên cao”.
Tỉnh Quảng Ngãi cần có chính sách để xây dựng hệ thống về giá trên địa bàn toàn tỉnh, để làm cơ sở tham khảo cho tổ chức, người dân tham gia vào bất động sản.
“Ví dụ giá đất bình quân ở phường Phổ Quang, không thể vượt qua được bao nhiêu triệu/m2 chẳng hạn. Tùy theo vùng, vùng gần cửa biển thì giá trị cao hơn.
Nếu chúng ta xây dựng một bảng giá đất bình quân như vậy sẽ dễ dàng kiểm soát được. Khi nó vượt qua ngưỡng thì chính quyền sẽ có công cụ điều tiết ngay. Mỗi người một giá không có cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn thì rất khó quản lý”, ông Vương đề xuất.
Công Sáng