Phát sóng vào năm 2001, bộ phim Người thổi tù và hàng tổng của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã mang đến cho khán giả những câu chuyện chân thực, gần gũi về đời sống nông thôn. Từ đó, khai thác những mối quan hệ về xóm làng, dòng họ, gia đình… của những người dân hiền lành nơi thôn quê.
Phim có sự tham gia của các diễn viên như Quốc Tuấn, Khánh Huyền, Hán Văn Tình, Văn Hiệp… Sau 22 năm phát sóng, nhiều khán giả cũng dành sự quan tâm đến cuộc sống của dàn diễn viên năm nào.
Quốc Tuấn
Không quá khi nói rằng, thành công của Người thổi tù và hàng tổng đến từ diễn xuất chân thực và tự nhiên của Quốc Tuấn trong vai trưởng thôn Kiên - nam chính của phim.
Sở hữu ngoại hình chân chất cùng lối diễn xuất mộc mạc, tài tình và sống động, Quốc Tuấn đã khắc họa thành công một anh trưởng thôn dù không có kinh nghiệm lãnh đạo nhưng lại rất nhiệt tình, sống tình cảm và chân thật, cởi mở.
Đây cũng là vai diễn có ấn tượng đậm nét của Quốc Tuấn trong sự nghiệp. Bởi suốt nhiều năm qua, dù ít xuất hiện trên màn ảnh nhỏ nhưng nam diễn viên vẫn nhận được tình cảm đặc biệt của khán giả, được nhiều người nhớ và gọi là "Người thổi tù và hàng tổng".
Trước Người thổi tù và hàng tổng, Quốc Tuấn là gương mặt diễn viên được yêu mến ở miền Bắc thập niên 90. Anh khẳng định tên tuổi qua loạt tác phẩm phim truyền hình như: 12A và 4H, Người thừa của dòng họ, Chuyện tình người lính… Ngoài vai trò diễn viên, anh còn thử sức với nghề đạo diễn.
Ở lĩnh vực phim điện ảnh, anh cũng để lại dấu ấn qua nhiều tác phẩm như: Nơi núi rừng yên ả, Ai chết cho người đẹp, Vầng trăng lửa, Lời thì thầm của chiến tranh, Hà Nội mùa đông 46, Ðiện Biên Phủ trên không, Đường thư. Năm 2013, bộ phim Trái tim kiêu hãnh do anh đạo diễn lên sóng VTV.
Sau 22 năm, nam chính của phim Người thổi tù và hàng tổng có sự nghiệp diễn xuất thăng hoa nhưng chuyện đời tư lại có nhiều thăng trầm. Anh kết hôn ở độ tuổi 39 và đón con trai đầu lòng vào hai năm sau.
Tuy nhiên, con trai nam diễn viên không may mắc chứng Apert (bệnh xương cứng sớm cục bộ, hẹp đường thở) - căn bệnh hiếm gặp trên thế giới (tỉ lệ 1/160.000 người)...
Nói về thời khắc đón con từ phòng mổ của bệnh viện, Quốc Tuấn không thể quên khoảnh khắc anh đứng chết lặng đến 30 phút vì những khiếm khuyết trên gương mặt con.
Từ đó, Quốc Tuấn dừng lại các hoạt động nghệ thuật, cùng bà xã ngược xuôi khắp nơi để chữa trị cho con. Anh từng nói, có thời gian gần như hộ khẩu của gia đình là thường trú trong Bệnh viện Nhi Trung ương.
Và hành trình anh bên bé Bôm "chiến đấu" với bệnh hiểm nghèo của cậu bé đã khiến nhiều ngưỡng mộ và rơi nước mắt.
Hơn 20 năm qua, diễn viên Quốc Tuấn đã đồng hành cùng con trải qua 11 ca đại phẫu. Trải qua một hành trình dài với bao vất vả, gian nan để chữa trị cho con trai, hiện sức khỏe của Bôm (tên thật Nguyễn Anh Tuấn) đã cải thiện, tốt hơn, có thể hòa nhập và sinh hoạt như người bình thường.
Không chỉ chăm sóc về sức khỏe, Quốc Tuấn còn vun đắp đam mê âm nhạc cho Bôm khi anh nhận ra con có hứng thú đặc biệt với piano. Năm 2015, trở về sau ca phẫu thuật bàn tay ở Úc, nghệ sĩ đã cho trai học đàn một cách nghiêm túc.
Năm 2017, Bôm được nhận vào học hệ trung cấp 7 năm, chuyên ngành Piano Jazz, Khoa nhạc Jazz tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đây được xem là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Bôm mà cả cậu và gia đình đều mong đợi.
Quá trình học có nhiều khó khăn, nhưng Bôm luôn chăm chỉ và nỗ lực hết mình. Cậu từng đạt top 5 và được nhận học bổng của Nhạc viện, đệm đàn cho ca sĩ Sơn Tùng M-TP và tham gia biểu diễn ở một số sân khấu lớn.
Năm 2021, nghệ sĩ Quốc Tuấn nghỉ hưu sau 19 năm gắn bó với Hãng Phim truyện Việt Nam. Chia sẻ về cuộc sống hiện tại với PV Dân trí, Quốc Tuấn từng nói, mỗi ngày trôi qua đều "rất quay cuồng" trong nhịp sống hối hả. Mọi lịch trình của bản thân anh đều phụ thuộc vào thời gian biểu của con, song nhìn Bôm trưởng thành mỗi ngày, anh cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc.
Ước mơ của anh là mãi được đồng hành cùng con trên chặng đường sắp tới.
Khánh Huyền
Trong phim Người thổi tù và hàng tổng, Khánh Huyền vào vai Thơm - vợ của trưởng thôn Kiên. Nhân vật Thơm là một người hay bắt nạt chồng nhưng thực chất sống rất tình cảm. Đến nay, khán giả vẫn nhắc đến Khánh Huyền với vai diễn Thơm trong bộ phim.
Khánh Huyền nhận vai Thơm sau khi mới sinh con đầu lòng. Chị kể, sau khi lưu diễn ở Đông Âu với Nhà hát Tuổi trẻ, trở về nhà, chị đã thấy trên bàn có một tập kịch bản kèm lời nhắn: "Huyền đọc kịch bản đi, đoàn đang quay rồi, chờ Huyền về để quay phần của Huyền".
Chị nghĩ, chắc hẳn đây phải là vai hợp với mình lắm nên đạo diễn mới tha thiết như vậy. Tuy nhiên, khi mở trang đầu tiên của kịch bản, chị tá hỏa bởi hình ảnh cô nông thôn đã có chồng, chua ngoa, đanh đá, hài hài, hóm hóm… Điều này khác hẳn với những vai người con gái thành phố, hiền lành, nhẹ nhàng trước đó của chị.
Lúc đó, Khánh Huyền đã gọi điện cho đạo diễn Phi Tiến Sơn hỏi lý do và được bảo: "Anh thấy vai này hay và nghĩ Huyền làm được". Sau màn thuyết phục của đạo diễn, Khánh Huyền không còn lý do từ chối và quyết định nhận vai.
Nói về cát-xê của phim thời điểm đó, Khánh Huyền cho biết, diễn viên chính đóng một tập được 600 nghìn đồng. Đó là mức rất cao, bởi vàng ngày đó chỉ có hơn 300 nghìn một chỉ. Nữ diễn viên là nhân vật thứ chính nên được trả 400 nghìn một tập. Bộ phim Người vác tù và hàng tổng có số tập là 5, dài hơn so với nhiều phim truyền hình thời ấy.
Sau này, Khánh Huyền theo người chồng thứ hai chuyển vào TPHCM sinh sống, nên không còn xuất hiện trong các bộ phim truyền hình phía Bắc. Dù vậy, khán giả vẫn được gặp nữ diễn viên trong vai trò MC của chương trình Vui sống mỗi ngày. Chị cũng tham gia một số phim như Gạo nếp gạo tẻ 2, Giấc mơ của mẹ…
Nói về lý do ít đóng phim hơn trước, Khánh Huyền cho biết, hiện tại cô gắn bó với nghề MC nhiều hơn. Còn về phim ảnh, hiện tại chị muốn nhường lại sân khấu cho các bạn trẻ, để lui về làm hậu phương, đóng các vai thứ, vai bà mẹ. Chỉ khi nào nhận được lời mời từ đạo diễn thân thiết hoặc quá yêu thích một vai diễn nào đó, chị mới đồng ý tham gia.
Ở tuổi U50, Khánh Huyền vẫn duy trì được vẻ đẹp "không tuổi" được nhiều người ngưỡng mộ. Chị khiêm tốn cho rằng, mình được mọi người ưu ái cho danh xưng này, chứ không ai có thể cưỡng lại quy luật cuộc sống. Nữ diễn viên thừa nhận mình may mắn được mẹ ban cho một vẻ đẹp tự nhiên. Nhưng có thời điểm, chị cũng can thiệp một số liệu pháp làm đẹp để tự tin hơn, phục vụ tốt cho công việc MC.
Khánh Huyền thừa nhận, hiện chị không còn xông xáo khẳng định bản thân trong sự nghiệp nghệ thuật mà chỉ duy trì những thứ mình có: công việc, tổ ấm, nhan sắc.
Chị chia sẻ với phóng viên Dân trí: "Tôi không thuộc túyp người kỳ vọng nhiều vào tương lai nên thấy mọi thứ khá yên ổn. Có lẽ điều này xuất phát từ chính tính cách thích "thu mình" của tôi.
Từ nhỏ khi sinh hoạt ở nhà văn hóa với các chị ca sĩ nổi tiếng, tôi đã là người nhút nhát. Lớn lên khi nghệ thuật đến cũng là điều gì đó rất tự nhiên chứ không phải do mình quá khao khát. Sau này, khi đi học hát, đi đóng phim thì xong việc tôi cũng chỉ về nhà, không tụ tập bạn bè và chỉ biết có gia đình. Có gia đình rồi tôi vẫn sống đúng với tính cách "thu mình" đó, tôi thấy thoải mái khi thu mình vào tổ ấm riêng".
Nghệ sĩ Hán Văn Tình
Nghệ sĩ Hán Văn Tình đóng vai Trương Tuần trong phim. Nhân vật của ông là một lão nông dân có vẻ ngoài dữ tợn nhưng hiền lành và tận tụy với gia đình. Trương Tuần cùng vai Quềnh trong Đất và người là hai vai diễn ấn tượng nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của nghệ sĩ.
Năm 2016, Hán Văn Tình qua đời ở tuổi 59 vì bệnh ung thư, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho khán giả. Tuy nhiên, hình ảnh vui vẻ, lạc quan cùng những vai diễn đặc sắc của ông là những ký ức sống mãi trong lòng khán giả.
NSƯT Văn Hiệp
Trong phim, nghệ sĩ Văn Hiệp vào vai trưởng thôn Hoạt. Vai diễn của ông đã mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả. Ngoài phim truyền hình, Văn Hiệp còn thành công ở mảng kịch nói.
Sự nghiệp của nghệ sĩ Văn Hiệp gắn liền với những vai nông dân chân chất, hiền hòa. Ở bất cứ vai nào, ông cũng tạo nên màu sắc riêng cho nhân vật bởi nét diễn dí dỏm, hài hước nhưng cũng đầy sâu sắc.
Làm nghề "mua vui" cho người khác nhưng cuộc sống của nghệ sĩ lại vắng bóng tiếng cười. Vợ bỏ đi xuất khẩu lao động suốt 20 năm, một mình ông nuôi con khôn lớn. Trong những năm cuối đời, nghệ sĩ Văn Hiệp sống trong tình trạng ốm đau bệnh tật liên miên trong tình trạng tài chính sống không mấy dư dả.
Tháng 4/2013, ông qua đời vì bệnh ung thư phổi, hưởng thọ 71 tuổi. 6 tháng sau khi mất, cố nghệ sĩ Văn Hiệp được phong danh hiệu NSƯT vì những đóng góp của ông cho nghệ thuật nước nhà.
(Theo Dân Trí)