Lawrence Anthony là một nhà bảo tồn động vật nổi tiếng. Ông là chủ sở hữu và cũng là người phụ trách công tác bảo tồn tại Khu Bảo tồn Thula Thula ở Zululand, Kwazulu Natal, Nam Phi.

Anthony cũng là người sáng lập tổ chức The Earth, một nhóm độc lập quan tâm đến vấn đề môi trường và bảo tồn.

Loài voi không nằm trong kế hoạch của Anthony với khu bảo tồn Thula Thula. Nhưng vào năm 1999, ông nhận được đề nghị đặc biệt, đó là thu nhận một đàn voi hoang dã gồm 7 con.

Đàn voi này là thủ phạm tàn phá khắp vùng KwaZulu-Natal của Nam Phi. Chúng phá nát mọi hàng rào người ta dựng lên. Vì thế, nếu không thể thuần phục, người ta định sẽ bắn chết đàn voi để bảo vệ khu vực.

{keywords}
Đàn voi trong khu bảo tồn Thula Thula của nhà bảo tồn động vật Lawrence Anthony.

“Có 7 con tất cả, trong đó có cả voi con và voi ở tuổi thiếu niên”. Ông là hi vọng duy nhất về việc thu phục đàn voi, giúp chúng sống sót.

Theo lẽ thông thường, ông đã có thể từ chối. Nhưng biết rằng đây là cơ hội sống sót cuối cùng của chúng, ông đã mở cửa khu bảo tồn chào đón 7 con voi.

Ông biết kế hoạch của mình thật mạo hiểm. “Những con voi tức giận sẽ rất nguy hiểm nếu chúng không thích bạn. Bạn có thể trở thành miếng thịt hamburger chỉ sau vài giây”.

Đúng như ông dự đoán, mọi chuyện không hề dễ dàng. Đàn voi có xu hướng trốn thoát ra khỏi mọi không gian. “Chúng là một nhóm khó khăn, không có gì phải nghi ngờ điều đó” - ông nhớ lại. “Nhưng tôi cũng nhìn thấy nhiều điều tốt đẹp ở chúng. Chúng chăm sóc lẫn nhau và cố gắng bảo vệ nhau như những con người”.

Anthony bắt đầu bằng việc đối xử với đàn voi như những đứa trẻ, cố gắng thuyết phục chúng bằng những lời nói và cử chỉ thiện chí. Ông cho chúng thấy rằng chúng không nên phá phách và có thể tin vào ông.

Loài voi theo chế độ mẫu hệ nên con đầu đàn là con cái. Mọi hành động của con đầu đàn sẽ được cả đàn làm theo. Nếu con đầu đàn muốn rẽ trái, cả đàn sẽ rẽ trái. Nếu nó muốn đi 100 dặm, cả đàn sẽ đi 100 dặm.

Vì thế, Anthony dành sự chú ý của mình cho con voi cái đầu đàn tên là Nana. “Tôi đi xuống chỗ hàng rào và tôi đã cầu xin Nana đừng phá nó”.

“Tôi biết nó không hiểu tiếng Anh, nhưng tôi hi vọng nó hiểu tông giọng và ngôn ngữ cơ thể của tôi. Và vào một buổi sáng, thay vì cố phá hàng rào, nó đã đứng đó. Nó đưa chiếc vòi qua hàng rào hướng về phía tôi. Tôi biết nó muốn chạm vào tôi. Đó là một bước ngoặt trong mối quan hệ của chúng tôi” - ông kể.

{keywords}
Anthony chinh phục đàn voi theo cách đặc biệt.

Nhiều năm sau, Anthony trở thành người thân của đàn voi. Chúng dạy ông về cuộc sống, về lòng trung thành và sự tự do. Dần dần, chúng coi Anthony như một thành viên trong đàn của mình.

Ông và vợ là bà Francoise đã trở nên thân thiết với đàn voi, đến mức một vài lần, họ đã phải đuổi chúng ra khỏi phòng khách của mình.

10 năm sau đó, ông từng chia sẻ: “Nó khó hơn tôi nghĩ gấp trăm lần”. Nhưng mỗi lần nhìn cách đàn voi chăm sóc cho nhau, ông học hỏi được từ chúng về giá trị của gia đình và lòng trung thành.

Ông kể, có lần một con voi cái trong đàn tên Nandi sinh con nhưng không may mắn, voi con có đôi chân bị biến dạng. Bất chấp sự rình rập của sư tử trong khu bảo tồn và thời tiết nóng bức, Nandi vẫn ở bên voi con suốt 2 ngày với sự hỗ trợ của voi đầu đàn Nana và một con voi khác. Cả 3 thay phiên nhau che chắn cho voi con khỏi ánh nắng mặt trời.

Hết lần này đến lần khác, chúng cố gắng nâng voi con lên bằng vòi của mình để nó có thể đứng dậy. “Nhìn cách Nandi chăm sóc con, tôi thấy hình ảnh của một bà mẹ thực thụ. Nó đã ở bên đứa con dị tật nhiều ngày mà không có thức ăn và nước uống, cố gắng hết sức có thể để cứu con, không chịu đầu hàng cho tới khi voi con trút hơi thở cuối cùng”.

{keywords}
Những câu chuyện về đàn voi hoang dã được ông kể trong cuốn sách "Người thì thầm với voi".

Trong cuốn sách The Elephant Whisperer (Người thì thầm với voi) do Anthony là đồng tác giả, ông đã kể những câu chuyện vui vẻ, hài hước, ấm lòng, đôi khi là hơi buồn về những chú voi.

Anthony làm theo một nguyên tắc: nếu bạn tôn trọng đàn voi thì chúng sẽ tôn trọng bạn. Sự tin tưởng giữa ông và đàn voi giống như là mối quan hệ có đi có lại.

Cụ thể, khi Nana sinh con, vài ngày sau sinh, nó đã đi ra khỏi bụi rậm và cho Anthony thấy chú voi con của mình như một cách thể hiện sự tin tưởng với ông.

Vài năm sau, khi cháu gái đầu tiên của Anthony chào đời, ông cũng đáp lại bằng hành động tương tự. Bế cháu gái trên tay, ông tiến lại gần đàn voi. Việc đó khiến chúng tỏ ra rất phấn khích.

Chúng giơ vòi lên và lại gần ông, tập trung vào sinh linh nhỏ bé trên tay ông, ngửi mùi của cô bé. Đó là cách ông đáp trả lại sự tin tưởng mà đàn voi dành cho mình.

Nhưng cũng vì chuyện này mà con dâu ông đã không nói chuyện với ông một thời gian dài sau đó. “Con bé không nghĩ là tôi sẽ lại gần đàn voi như thế, nhưng tôi biết là chúng tôi an toàn”.

{keywords}
Ông tin tưởng đàn voi như chúng đã tin ông.

13 năm sau, đàn voi từ 7 con phát triển lên thành 21 con.

Những cũng chính thời gian đó, năm 2012, Anthony qua đời đột ngột vì một cơn đau tim. Trong vòng 12 giờ kể từ khi ông mất, đàn voi lặng lẽ băng qua những bụi cây của Zululand để tới căn nhà nơi ông sinh sống nằm trong khu bảo tồn để nói lời từ biệt.

Anh Dylan, con trai của ông Anthony cho biết: “Tính đến thời điểm đó, chúng đã không còn ghé qua căn nhà khoảng 1 năm rưỡi và chắc chắn phải mất khoảng 12 giờ để đi từ nơi chúng sống tới đây” - Dylan nói.

“Chúng quanh quẩn ở đó khoảng 2 ngày trước khi quay trở lại khu bảo tồn”.

Kể từ khi chồng qua đời, bà Francoise đã nỗ lực mở rộng khu bảo tồn rộng 4.500 ha để có nhiều diện tích hơn cho các loài động vật phát triển. Bà cũng cho biết, đàn voi của Anthony hằng năm vẫn đến thăm căn nhà của bà ở Thula Thula vào đúng ngày giỗ của ông, dường như chỉ để bày tỏ lòng kính trọng.

Không ai lý giải được tại sao đàn voi lại biết về cái chết của ông Anthony và cách chúng nhớ được ngày giỗ của ông. Nhưng bà Francoise tin rằng giữa chồng bà và đàn voi có một mối liên kết kỳ lạ.

Cuộc sống của bộ lạc có tập tục hôn nhau thoải mái, trao đổi vợ tự do

Cuộc sống của bộ lạc có tập tục hôn nhau thoải mái, trao đổi vợ tự do

Cuộc sống và những nét văn hóa thú vị ở bộ lạc trên núi cao, nơi có tập tục đàn ông được thoải mái trao đổi vợ.

Nguyễn Thảo (Theo People, The Guardian)