Thoát nghèo nhờ rừng
Ông Hồ Văn Xâm thôn Cợp, xã Hướng Lập chia sẻ, toàn bộ 900 ha rừng đặc dụng này là nơi gia đình ông cùng nhiều hộ dân khác trong thôn nhận khoán để bảo vệ. Số tiền nhận về tuy không nhiều nhưng cũng đã mang đến cho chúng tôi khoản thu nhập đủ để ổn định cuộc sống”.
Trước đây, phần lớn người dân nghèo trong xã trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Nhà nước nên khi được giao trồng rừng, bảo vệ rừng họ không mấy mặn mà. Nhiều hộ chỉ làm cho qua loa lấy lệ,…
Đến khi chính quyền địa phương vận động người dân tham gia nhận khoán rừng vùng lõi để bảo vệ, với số tiền công bảo vệ rừng này là 300 ngàn đồng/ha/năm.
Sau khi nhận khoán, những người dân nơi đây bắt đầu dựng lán chòi, cắt cử từng tốp người một đi canh giới, bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng đã nhận. Nhờ đó mà mấy năm nay toàn bộ diện tích rừng vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa được bảo vệ nghiêm ngặt, an toàn.
"Hơn mấy chục tuổi đầu, đây có lẽ là lần đầu tiên chúng tôi có được sống tốt và khá giả nhờ vào bảo vệ rừng. Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi quanh năm đói nghèo, chỉ quẩn quanh với mấy sào ruộng lúa và hoa màu chẳng khấm khá lên được", ông chia sẻ.
Những người dân tham gia bảo vệ rừng |
Giao khoán bảo vệ rừng
Thực hiện Nghị định 75 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt các dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng cho 10 đơn vị triển khai thực hiện Nghị định 75 bao gồm 5 huyện thực hiện hỗ trợ trồng rừng sản xuất là Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh và 5 đơn vị thực hiện nhiệm vụ trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Hàng năm, các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho khoảng 1.200 lao động địa phương và 20 cộng đồng thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh nhận khoán bảo vệ trên 45.000 ha diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng phòng hộ, trong đó kinh phí chủ yếu đều thực hiện theo Nghị định 75.
Được biết, ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 23.000 ha rừng đặc dụng. Đây là diện tích rừng rộng lớn nhưng số lượng cán bộ, nhân viên của ban rất mỏng, chỉ có 13 người nên rất khó để quản lý.
Vì thế, Ban quản lý đã phối hợp cùng người dân sống gần rừng đặc dụng để bảo vệ rừng một cách tốt nhất.
Năm 2019, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đã giao cho 69 hộ dân ở xã Hướng Lập và Hướng Việt nhận khoán bảo vệ 6.500 ha rừng đặc dụng. Mỗi năm Ban quản lý Khu bảo tồn chi trả cho người dân gần 2 tỉ đồng tiền công bảo vệ rừng. Khoản tiền này giúp cho các hộ dân sống trong vùng lõi, vùng đệm của khu bảo tồn ổn định đời sống và yên tâm bảo vệ rừng.
Ông Hà Văn Hoan (bìa phải ảnh) – Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa tặng quà, động viên các thành viên ở chốt bảo vệ rừng đặc dụng. |
Ông Hà Văn Hoan - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa cho biết: “Công tác giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình và cộng đồng quản lý, bảo vệ đã được chính quyền địa phương, người dân đồng thuận cao và thực hiện rất tốt.
Từ đó đã tạo ra được động lực phát triển kinh tế cho hộ gia đình và cộng đồng, góp phần nâng cao vai trò trách nhiệm của người dân trong việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng, thông qua quy ước bảo vệ rừng, kế hoạch quản lý rừng cộng đồng, phát huy được các tập tục tốt đẹp của địa phương, tạo sự gắn kết giữa người dân sống gần rừng với nhau, chia sẻ lợi ích hài hòa giữa nhà nước với người dân, rừng được bảo vệ tốt, tăng độ che phủ, nâng cao chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái”.
Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng đánh giá, công tác giao khoán cho người dân bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được thực hiện khá tốt.
Nhiệm vụ bảo vệ rừng được giao công khai, minh bạch thông qua các cuộc họp dân. Người dân được nhận khoán cũng làm tròn trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng. Sự hỗ trợ của nhà nước đã thực sự giúp người dân xóa đói giảm nghèo, rừng được bảo vệ và phát triển bền vững.
Quyết Thắng
Ảnh: Hoài Linh