Stephen Harmon, sống tại California, Mỹ vừa qua đời vì Covid-19. Thông tin này được người đứng đầu nhà thờ nơi Harmon sinh sống thông báo trên Twitter vào ngày 22/7.
Theo Business Insider, trước khi qua đời Harmon liên tục đăng các bài viết lên mạng xã hội để chống đối việc tiêm chủng vaccine Covid-19.
“Bạn không tin tưởng Kinh thánh vì nó do con người viết ra, vậy mà lại tin tưởng vào những gợi ý phòng bệnh của CDC/Fauci cũng do con người viết ra. Nghe có lý đấy”, ông viết trên Twitter vào ngày 26/5. Vào tháng 6, ông đăng nhiều bài viết trên Twitter và khẳng định không tiêm vaccine phòng Covid-19.
Nhiều công dân Mỹ vẫn chưa tin vào vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Getty Images. |
Đến ngày 30/6, Harmon thông báo mình nhập viện sau khi nhiễm Covid-19 trên Instagram. Sau đó, ông liên tục cập nhật trạng thái bệnh tật của mình trên mạng xã hội.
Kể cả khi đã ở trong viện, Harmon vẫn tiếp tục đăng bài về vaccine. Ngày 8/7, ông chỉ trích chính phủ Mỹ khi cáo buộc họ tạo áp lực để người dân đi tiêm phòng.
“Tôi không tiêm vaccine và thật trớ trêu, tôi phải nhập viện vì Covid-19. Tôi sẽ ra viện và tiếp tục không sử dụng vaccine”, ông đăng trên Instagram.
Trong những ngày sau đó, Harmon cho rằng tình trạng của mình đã được cải thiện, sau đó lại trở nên tồi tệ hơn. Dòng tweet cuối cùng của Harmon được đăng hôm 21/7, thông báo việc phải đặt nội khí quản.
“Tôi đã chiến đấu rất nhiều nhưng không may, tôi phải thực hiện các thủ tục khẩn cấp vì tình hình ngày càng tệ hơn. Không biết khi nào tôi có thể tỉnh lại, hãy cầu nguyện cho tôi”, Harmon đăng bài viết cuối cùng trên Twitter trước khi qua đời vì Covid-19.
Việc dân Mỹ có những quan điểm khác về vaccine Covid-19 không còn là chuyện mới, thậm chí những người này còn tập hợp với nhau thành cộng đồng trên mạng xã hội. Họ nghi ngờ thông tin về dịch bệnh và từ chối chích vaccine.
Nói về những thông tin sai lệch về Covid-19 đang tràn lan trên mạng xã hội, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mạnh mẽ công kích bằng một câu nói ngắn gọn: '“Họ đang giết người”.
Theo WSJ, Facebook và Nhà Trắng đã họp riêng trong nhiều tháng để thảo luận về cách hạn chế nội dung phản đối vắc-xin. Chính quyền Mỹ cho rằng Facebook đã hời hợt, không đủ nghiêm ngặt để hạn chế tầm ảnh hưởng của những hội nhóm anti-vax trên nền tảng này.
Về phần Facebook, mạng xã hội này một mặt lên tiếng cho rằng chính phủ Mỹ đang đổ tội, mặt khác cũng có những động thái nhất định để hạn chế những thông tin sai lệch lan truyền trong thời kỳ dịch bệnh, dù hiệu quả không mấy khả quan. Trong khi đó, Twitter liên tục càn quét các tài khoản lan truyền thông điệp sai trái về dịch bệnh, trong đó có cả những người nổi tiếng.
Theo Zing/Insider
Mỹ yêu cầu Big Tech xử lý thông tin sai lệch về vắc xin Covid-19
Ngày 15/7, chính quyền Nhà Trắng đã yêu cầu các gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon phải xử lý các thông tin sai lệch liên quan đến vắc xin Covid-19 được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội.