Việc các quán net cho khách quen chơi nợ vốn không phải là điều gì xa lạ tại Việt Nam, rất nhiều chủ kinh doanh đã buộc phải đồng ý để những khách hàng quen thuộc 'chậm tiền' cả tháng để đổi lại là họ sẽ trung thành với phòng máy của mình, tuy nhiên bên cạnh đó thì rủi ro cũng vô cùng lớn.
Cụ thể thì thực tế các game thủ 'tay chơi' hay nợ nần tại quán net lại chẳng mấy khi chịu tự giác trả số tiền giờ chơi này, dẫn tới việc các chủ kinh doanh thường phải đòi rất mệt mỏi, và khốn khổ hơn nữa là bị bùng mất toàn bộ số nợ rồi 'đánh bài chuồn', đồng nghĩa với việc họ sẽ mất cả chì lẫn chài, khách quen chả còn mà doanh thu cũng mất.
Điển hình, mới đây một chủ quán net đã cay đắng tâm sự về việc cho nợ như thế này khi thất thoát tới cả chục triệu đồng vì việc chơi nợ, mỗi nhân vật thường xuyên đến quán phải bùng ít nhất 1 - 2 triệu đồng, chưa kể không ít những lần 'nhẹ nhàng hơn' từ 500 - 200 ngàn đồng.
"Có rất nhiều thằng ôm nợ 1-2tr rồi té. Nhẹ nhàng thì cũng phải 500k, bét nhất thì cũng 200k. Toàn thanh niên quanh vùng người làng người xóm, nợ thì xoen xoét "mai em trả, cuối tuần em trả, cuối tháng em trả, lĩnh lương em trả..." xong rồi mất hút. Mấy ông 1-2tr thì đến tận nhà đòi thì mặc định là "nó không có nhà đâu", chả nhẽ khuân đồ giống bọn đòi nợ thuê?" - Thật đúng là cho nợ thì mất khách, không cho nợ thì cũng mất khách!.
Đây quả thực là tình cảnh hết sức khó khăn của chủ quán net khi kinh doanh ở gần nhà với nhiều khách hàng quen thuộc, buộc phải 'cả nể' để cho họ chơi nợ rồi đa phần là không bao giờ trả tiền cả. Lúc đó sẽ rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan như chia sẻ phía trên, không cho nợ thì mất khách từ đầu, mà cho nợ thì càng thiệt về sau.
Tốt nhất, các chủ quán net nên nhất quán từ đầu đến cuối là không cho chơi nợ, hoặc cùng lắm là cho nợ một số nhỏ khoảng 50 ngàn đồng để hạn chế tối thiểu rủi ro bởi việc này mang lại. Đằng nào thì cũng thiệt, nên làm chặt ngay từ đầu cho đỡ rắc rối.