Cứu lấy nhận thức của những người mẹ, người thân đã và đang có con em phạm tội mới là điều đáng bàn.
Những ngày vừa qua dư luận quan tâm đến vụ án xét xử băng cướp do Hồ Duy Trúc cầm đầu. Kết quả cuối cùng tòa án thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Trúc sau khi Viện kiểm sát đề nghị mức án chung thân.
Tuổi 20 và tuổi 16
Điều mà người ta để ý là những tiếng ồ lên của hầu hết những người tham dự phiên tòa sau khi nghe tòa tuyên án. Xét ở góc độ tâm lý, những tiếng ồ lên đó tỏ rõ một thái độ ngạc nhiên (có thể là đồng tình, có thể là không) trước mức án được tuyên.
Chắc chắn rằng những tiếng ồ lên của dư luận phiên tòa phần nào tác động đến gia đình bị can, và nhanh chóng biến thành những ứng xử vượt tầm kiểm soát cả về ngôn ngữ lẫn hành vi của gia đình bị can. Thông tin trên một số tờ báo đều dẫn lời và hành vi của người mẹ cùng phản ứng từ một số người thân trong gia đình Hồ Duy Trúc và xem đó là những lời đe đọa, khiếm nhã, gây náo loạn pháp đình, yêu cầu phải xử lý hình sự hành vi gây rối trật tự...
Mẹ bị cáo Trúc vật vã tại phiên tòa, thốt lên những lời khó nghe. |
Tuy nhiên, thật khó khăn cho những người trong gia đình Hồ Duy Trúc khi họ thiếu hiểu biết về pháp luật, bởi trong đầu họ chỉ nghĩ với một lý do đơn giản rằng "giết người thì mới phải đền mạng", con họ "đã giết ai đâu"...
Đây cũng là lý do người thân trong gia đình Hồ Duy Trúc sử dụng những câu nói gây bất bình dư luận: "... Tao biết tử hình là tao giết con Thúy rồi", “Một lũ nhà giàu hùa nhau đẩy thằng Trúc bị tử hình, ai kêu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém. Nó đâu có giết người, đâu có ai chết mà xử tử, một bản án vô nhân đạo”.
Tòa đã tuyên án, vẫn còn thời gian để bị cáo và gia đình kháng án. Nhưng điều đáng nói những ứng xử của gia đình bị cáo đang gây bất lợi về mặt dư luận, dù cũng có người tỏ ra thông cảm với những phản ứng của người mẹ khi biết tin con mình bị tuyên án tử.
Cũng có những người so sánh về mức độ phạm tội của Hồ Duy Trúc (20 tuổi, án tử hình, chưa gây chết ai: chỉ là ngoài ý muốn) và Lê Văn Luyện (16 tuổi, giết chết 2 mạng người và một bé gái thoát chết cũng ngoài ý muốn, án 18 năm). Cái tuổi 20 và cái tuổi 16, có khoảng cách nhất định khó có thể so sánh, song gần như dòng "máu lạnh" thì lại không có khoảng cách.
Vấn đề ở đây là bản án của pháp luật, trong đó có những "quy định" mà theo như dư luận còn nhiều bất cập, bởi kẻ phạm tội "đặc biệt nghiêm trọng", "không thể sửa chữa được nữa, cần phải loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi xã hội con người" ngày càng trẻ hóa, nhưng trẻ hóa ở độ tuổi nào để có thể "loại bỏ vĩnh viễn" thì còn cần phải tranh luận thêm ở cơ quan lập pháp cao nhất là Quốc hội.
Chắc chắn không chỉ việc quy định độ tuổi, hay mức phạm tội "đặc biệt nghiêm trọng", mà ngay cả bản án tử hình dành cho trẻ vị thành niên và bản án tử hình dành cho tội trộm cướp cũng liên quan ít nhiều đền quyền sống và quyền con người. Bởi thực tế đã, đang và sẽ có thêm các quốc gia xem xét "loại bỏ vĩnh viễn", hay loại bỏ một số án tử hình ra khỏi đời sống pháp luật.
Án tử- sự thất bại của luật pháp?
Không phải ngẫu nhiên mà nhân loại có cả ngày Thế giới chống lại án tử hình. Nhiều tổ chức nhân đạo và tôn giáo đã kêu gọi các quốc gia mau chóng loại bỏ án tử hình, chắc chắn không thể hiểu đơn giản theo nghĩa họ "bênh vực tội phạm", "khuyến khích tội phạm"...
Vì họ cho rằng án tử hình thể hiện sự thất bại của luật pháp, và án phạt này không có tác dụng gì trong việc đấu tranh chống tội phạm, mạng người mất đi thì không thể sửa chữa được, trong khi không có một hệ thống tư pháp nào là không có sai lầm trong xét xử.
Vấn đề "sai lầm trong xét xử" không chỉ ở những hành vi ép cung, mớm cung, mà ngay cả dùng những "quy định" (với cái gọi là "đúng pháp luật") để lạnh lùng chấm dứt quyền sống của một con người, thì phải chăng "máu lạnh" ấy đã được nhân danh pháp luật, cộng đồng?
Điều đáng nói qua những lời nói, hành vi của họ, rất tiếc người ta chỉ biết sâu chuỗi rất khéo và rất tài tình, rằng vì sống trong hoàn cảnh gia đình ít học, ít giáo dục (với người mẹ, người thân chua ngoa, chợ búa như thế) nên sinh ra kẻ phạm tội "máu lạnh" là phải.
Vậy thì có rất nhiều kẻ máu lạnh lại được sống từ những gia đình đàng hoàng, tử tế, có giáo dục và có những người cha mẹ còn quỳ lạy xin nạn nhân tha thứ, thì biết đổ sự phạm tội ấy cho ai?
Trong mối tương quan xã hội rộng lớn và phức tạp này, những quy kết nguyên nhân về một phía chỉ cho ra những suy luận "dễ dãi". Cuộc chiến thông tin của những con người dưới đáy xã hội, không chỉ với kẻ phạm tội, mà với gia đình của họ luôn chênh lệch và sẽ còn kéo dài nếu xã hội vẫn nhìn con người bằng cái nhìn kỳ thị như thế.
Có đủ lý do để người ta nhân danh "sự đồng tình cao của xã hội" chỉ qua một vài thao tác "có tính chất nghiệp vụ". Viết đến đây lại nhớ đến câu nói bất hủ của nhân vật Chí Phèo: "Ai cho tao lương thiện?". Ai cho tao lương thiện và ai cho tao làm người, khi xã hội đang ngày càng bất an bởi sự “lưu manh hóa” được núp dưới nhiều hình thức?
Vâng, mọi so sánh đều trở nên khập khiễng, nếu cứ tiếp tục so sánh Hồ Duy Trúc với Lê Văn Luyện hay so sánh án tử hình tại Việt Nam và nhiều nước không còn án tử hình (cho bất cứ tội gì). Có thể rồi đây, Hồ Duy Trúc phải nhận án tử hình và người ta cũng sẽ nhanh chóng lãng quên đi như bao vụ án khác, song những câu nói của người thân Hồ Duy Trúc cũng cho ra những so sánh, phân hóa xã hội không kém phần gay gắt. Nhưng họ có quyền nhìn nhận như thế trước một bản án, dù phản ứng của họ đã gây phản cảm đối với đa số dư luận.
Để pháp luật nghiêm minh, công bằng và không sai lầm, chuyện tưởng dễ mà đã hóa khó. Nhưng nào phải hiện nay người ta mới nhìn ra án tử hình thể hiện sự bất lực của pháp luật.
Nguyễn Trãi là người đầu tiên được biết đến trong lịch sử Việt Nam đã nêu ra vấn đề có tính thời đại này, khi có lần 07 tên ăn trộm đều còn ít tuổi can tội tái phạm, hình quan chiếu luật xử chém. Bọn Đại tư đồ Lê Sát tỏ ra ngần ngại. Vua đem việc ấy hỏi Nguyễn Trãi, khi ấy Nguyễn Trãi trả lời: “Pháp lệnh không bằng nhân nghĩa cũng rõ lắm rồi. Nay một lúc giết bảy người, e không phải hành vi của bậc đại đức..." (Đại Việt sứ ký toàn thư).
Pháp lệnh không bằng nhân nghĩa, hay pháp lệnh cũng cần phải có nhân nghĩa? Án tử hình hay án chung thân dành cho Hồ Duy Trúc còn tùy thuộc vào bản án của tòa phúc thẩm (nếu có kháng án). Nhưng tuyên một bản án để loại vĩnh viễn một con người ra khỏi xã hội không quá khó nếu cứ chiếu đúng theo những quy định của pháp luật.
Song cứu lấy nhận thức của những người mẹ, người thân đã và đang có con em phạm tội mới là điều đáng bàn. Nhân nghĩa của pháp luật và nhân nghĩa cộng đồng có lẽ nào lại không xuất phát từ những giá trị nhân văn (vì quyền sống và quyền con người) như trên, chí ít trong bản án dành cho tội trộm cướp?
Xem bài cùng tác giả: Lo hoàn thiện "lễ" đi, xin đừng "hội" nữa Chỉ khi có được những cái "lễ" tối thiểu với con người, với môi trường sống chung quanh thì mới hy vọng thời đại mình chính danh có "Đại lễ", và "lễ hội" mới trở về đúng nghĩa - củng cố các giá trị tinh thần dân tộc. Thiên tài không đi lẫn với bầy cừu Có thể GS Ngô Bảo Châu vẫn cần đến giải thưởng và sự vinh danh,
nhưng "hoà thượng" Thích Học Toán thì chắc chắn luôn là một chiếc thuyền
rỗng đáy, đừng chở cái gì theo mình cả, dù là cái huy chương "Fields"
lấp lánh ánh vàng. Chỉ có như vậy, một ngày kia thiên tài mới không đi
lẫn với bầy cừu. |