- Theo kịch bản mới, ông Putin sẽ đảm nhận chức vụ tổng thống lần thứ ba trong cuộc đời chính trị của mình. Ngược lại, Tổng thống đương nhiệm Medvedev có thể sẽ được quay trở lại nắm giữ chức vụ Thủ tướng trong nội các mới. Sự hoán đổi ngôi vị này quả là hiếm có trong quan hệ quốc tế đương đại.


Putin - Lùi một bước để tiến hai bước

Cuối tuần qua một sự kiện tại nước Nga đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trong Đại hội của Đảng Nước Nga thống nhất, trước 11.000 người ủng hộ, Thủ tướng đương nhiệm Putin đã tuyên bố sẽ ra ứng cử tổng thống vào tháng 3/2012.

Tuyên bố này của Putin không làm nhiều người ngạc nhiên vì ngay từ khi ông chấp nhận lùi một bước về giữ chức vụ Thủ tướng, giới phân tích đã dự đoán trước được rằng ông sẽ quay lại nắm quyền. Bước lùi này của ông Putin mang tính chất chiến thuật trong khi Hiến pháp Nga không cho phép ứng cử Tổng thống trong nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Nhiều người nghĩ rằng cho dù ông làm Thủ tướng nhưng ảnh hưởng của ông tới Tổng thống Nga Medvedev là rất lớn. Việc quay trở lại này có hai điểm quan trọng: nhiệm kỳ tổng thống lần này sẽ kéo dài 6 năm thay vì 4 năm như trước đây (theo quy định của Hiến pháp Nga được sửa đổi năm 2008); nếu suôn sẻ ông có thể giữ tiếp thêm nhiệm kỳ thứ hai. Như vậy, về mặt lý thuyết ông Putin có thể tại vị đến năm 2024.

Như vậy, quả không sai khi nói rằng ông Putin đã chấp nhận lùi một bước để tiến hai bước.

Tại sao Medvedev nhường ‘ngôi’ cho Putin?


Tổng thống Medvedev trong nhiệm kỳ của mình cũng đã cố tạo ra dấu ấn riêng. Ông đã chứng tỏ sự trẻ trung và thời thượng của mình khi có hẳn một tài khoản Twitter và một blog để bày tỏ quan điểm của mình. Ông cũng đã chấp nhận trả lời phỏng vấn các tờ báo độc lập như Novaia Gazeta hay có những bài phát biểu tương đối cởi mở và thẳng thắn về quá trình hiện đại hóa của nước Nga, nền kinh tế Nga và các thể chế...  

Tất cả những điều đó đủ để nói lên một điều đó là Tổng thống Medvedev muốn tạo ra một tính cách riêng, một cách tiếp cận riêng trong việc điều hành nước Nga. Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá thì bấy nhiêu chưa đủ để ông có thể thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của Thủ tướng Putin. Đứng cạnh Putin, người ta khó có thể nhìn thấy được sự tự tin cần thiết của ông Medvedev. Dù rằng mùa Xuân năm 2011, ông Medvedev vẫn còn cho thấy sự quyết tâm giữ bằng được chiếc ghế Tổng thống nhưng tại sao bây giờ ông lại có thái độ ngược hẳn khi đứng ra ủng hộ Putin ứng cử tổng thống trong nhiệm kỳ tới ?

Trên thực tế, kịch bản này có lẽ đã được hai người thỏa thuận với nhau từ lâu. Ngay cả trong trường hợp ông Medvedev muốn ‘lật kèo’ thì điều đó cũng gần như không thể vì nhiều lý do. Thứ nhất, ông không còn sự lựa chọn nào khác do không thể ngăn cản được ông Putin. Thứ hai, ông không thể xây dựng cho mình một mạng lưới những người có tiếng nói quyết định tại nước Nga nói chung  và trong Đảng Nước Nga thống nhất để ủng hộ mình. Thứ ba, ở phương diện hợp lòng dân thì có lẽ Tổng thống Medvedev thua xa ông Putin. Lý do đơn giản đó là hình ảnh của ông Putin được lòng dân trên cả nước Nga trong khi hình ảnh của ông Medvedev chỉ thực sự nổi trội ở khu vực Moscow (tại đây, những cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông Medvedev thường đứng ở trước ông Putin).

Trên bình diện đối ngoại, trong thời gian làm Tổng thống, ông Medvedev đã có những bước đi không hợp lý làm cho ông mất điểm. Điều này thể hiện ở hai điểm.

Thứ nhất, so với Putin thì ông Medvedev được lòng phương Tây hơn. Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Pháp Sarkozy không che dấu rằng họ thích làm việc với ông Medvedev hơn là với người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng đương nhiệm Putin. Điều này là tích cực nhưng dưới cái nhìn ‘tiêu cực’ ông Medvedev cũng dễ bị gán cho cái mác là thân phương Tây.

Thứ hai, ông cũng đã có một số lựa chọn chiến lược gần với quan điểm của phương Tây, đặc biệt là chấp nhận các biện pháp cấm vận mới chống Iran và từ chối cung cấp tên lửa phòng không hiện đại cho nước này ; tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chính việc Nga bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết 1973 đã giúp cho phương Tây có cơ hội tiến hành không kích và lật đổ chế độ của Đại tá Gaddafi. Chính Thủ tướng Putin đã phê phán sự lựa chọn này của Nga.

Những phản ứng ban đầu trước sự đổi ngôi

Đa phần người dân Nga nhìn nhận sự đổi ngôi này như là một sự tất yếu. Cần phải nói rằng trong hai nhiệm kỳ trước của mình, ông Putin đã có những đóng góp không nhỏ giúp nước Nga thoát khỏi tình trạng kém phát triển, bước đầu tìm lại vị thế chính trị đã mất của mình trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, đã có những phản ứng không thuận từ một vài chính trị gia của Nga cũng như phe đối lập. Đầu tiên cần phải nói tới cựu Tổng thống Nga Mikhail Gorbachov, ông tỏ ra nghi ngờ tính hiệu quả của việc ông Putin quay trở lại nắm quyền. Ông cho rằng nước Nga sẽ lại mất 6 năm tới đây trong nhiệm kỳ của ông Putin nếu Tổng thống Nga không cải tổ sâu sắc hệ thống chính trị. Tờ Novaia Gazeta trích lời ông Gorbachov cho rằng ‘chúng ta có thể thấy sẽ không có bất kỳ bước tiến nào trong tương lai nếu không tiến hành những thay đổi nghiêm túc toàn bộ hệ thống’. Ông cho rằng nước Nga đang bế tắc và không dễ gì tìm ra giải pháp cho tình hình này. ‘Nếu Tổng thống không có bất kỳ thay đổi gì mà chỉ nghĩ đến việc giữ ghế của mình thì đây sẽ là lỗi lầm của ông’.

Ngay cả những người thân cận của Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin cũng có những phản ứng trái chiều. Đầu tiên là Bộ trưởng Tài chính Alexei Koudrine, ông này đã không ngần ngại bày tỏ sự không đồng tình của mình và ‘đe dọa’ sẽ không tiếp tục công tác trong chính phủ mới nếu ông Medvedev trở thành thủ tướng. Tuy nhiên, phản ứng này của ông Koudrine cũng dễ hiểu vì trước đây, ông được cho là ứng cử viên sáng giá cho chức vụ Thủ tướng Nga. Bây giờ, khi có sự dàn xếp khác thì tất nhiên là ông sẽ không hài lòng. Ngoài ra, cố vấn kinh tế của Tổng thống Medvedev, là ông Arkadi Dvorkovich đã bày tỏ sự thất vọng của mình trên trang Twistter khi nói rằng ‘chẳng có lý do gì để vui mừng’.

Trên bình diện quốc tế, chưa có nhiều phản ứng chính thức trước sự đổi ngôi này nhưng có lẽ phương Tây không tỏ ra thích thú với sự đổi ngôi này vì ông Putin được cho là người có cách cư xử cứng rắn với phương Tây. Về phía Mỹ, ngày 24/9, Mỹ cho biết chương trình tái khởi động quan hệ với Nga vẫn được tiếp tục xúc tiến cho dù sắp có sự thay đổi lãnh đạo của Nga nhưng tờ Wall Street Journal cũng cho rằng việc Putin lên nắm quyền sẽ làm phức tạp thêm chính sách của Mỹ, chí ít là trong việc cải thiện quan hệ Mỹ-Nga.

Việt Thành