Hàng chục người thiệt mạng và hàng nghìn ngôi nhà bị đốt thành tro ở bang Rakhine của Myanmar trong những ngày gần đây giữa lúc một làn sóng bạo lực trào dâng giữa các tín đồ đạo Phật và đạo Hồi Rohingya buộc chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Người Hồi giáo Rohingya di dời tập trung tại sân một trường học gần Sittwe, thủ phủ bang Rakhine. |
Điều gì đứng sau bất ổn?
Các lệnh giới nghiêm ban đêm ở một số thị trấn và làng mạc trên khắp khu vực đã
được áp dụng kể từ tháng 5, khi vụ bắt giữ 3 người đàn ông Hồi giáo bị tình nghi
cưỡng hiếp và giết hại một nữ tín đồ đạo Phật đã thổi bùng bạo lực giữa những
người theo hai đạo này. Hai trong số ba nghi phạm lĩnh án tử hình, còn người thứ
ba treo cổ tự vẫn trong trại giam, tờ New Light của chính phủ Myanmar đưa tin
trên website của báo.
Tháng tiếp theo đó, 10 người Hồi giáo thiệt mạng khi vài trăm người bị tấn công
trên một xe buýt ở quận Taungup của Rakhine. Chính phủ Myanmar cho hay, bạo lực
lan khắp phía bắc bang, làm cho hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy và gần 100 người
tử vong. Một tình trạng khẩn cấp ở Rakhine được ban bố, với quân đội được triển
khai để giúp khôi phục trật tự.
Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) ở Myanmar ước tính tổng cộng khoảng 75.000 người Rohingya đã phải di dời vì bạo lực.
Căng thẳng giữa hai nhóm dân lại bùng lên lần nữa trong tuần qua ở một số thị
trấn thuộc bang Rakhine bất chấp lệnh giới nghiêm. Các thông tin cho hay, ít
nhất 50 người thiệt mạng và hàng trăm ngôi nhà bị thiêu rụi.
Người Rohingya là ai?
Họ là những người thiểu số theo đạo Hồi không có tư cách công dân, sống ở
Rakhine - ước tính từ 800.000 đến 1 triệu người. Họ nói rằng mình bị quân đội
Myanmar ngược đãi trong những thập niên quân đội nắm quyền.
Myanmar không công nhận họ là công dân, cũng không công nhận nhóm nằm trong 135
dân tộc thiểu số đang sống ở nước này.
Phần lớn thực trạng này bắt nguồn từ gốc gác của họ ở Tây Bengal, hiện nay là
Bangladesh. Mặc dù nhiều người Rohingya sống cả cuộc đời ở Myanmar nhưng họ bị
những người theo đạo Phật ở Rakhine, gồm khoảng 3 triệu người, coi là kẻ xâm
nhập từ bên kia biên giới.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền nói rằng các lực lượng an ninh Myanmar nã súng vào
người Rohingya trong làn sóng bạo lực mới đây song chính phủ của Tổng thống
Thein Sein bác bỏ cáo buộc.
Các nhà chức trách đang làm gì?
Hồi tháng 8, Tổng thống Thein Sein thông báo rằng một ủy ban nội vụ, bao gồm đại
diện của nhiều đảng chính trị và nhiều tổ chức tôn giáo khác nhau, đã được thành
lập để điều tra làn sóng bạo lực sắc tộc mới đây - một động thái được Tổng thư
ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hoan nghênh.
Theo ông Ban, ủy ban này có thể "có những đóng góp quan trọng cho việc khôi phục
hòa bình và hòa hợp trong nước và giúp tạo ra môi trường thuận lợi cho một đường
lối tổng thể hơn hướng tới giải quyết những nguyên nhân cơ bản của bạo lực,
trong đó có tình trạng của các cộng đồng Hồi giáo ở Rakhine".
Tổng thống Thein Sein đã thảo luận tình hình với Tổng thư ký Ban Ki-moon trong
kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hồi tháng 9, cam kết sẽ "xử lý
nguyên nhân gốc rễ của những căng thẳng", theo một phát ngôn viên của Liên Hợp
Quốc.
Trước đó, hồi tháng 6, ông Thein Sein đã cảnh báo rằng xung đột sắc tộc có
thể gây hại cho sự phát triển và ổn định của Myanmar khi nước này tiếp tục sự
phục hồi của mình như một nền dân chủ non trẻ.
Thế giới nói gì?
Tomas Quintana, người phụ trách báo cáo nhân quyền Myanmar của Liên Hợp Quốc,
hồi tháng 8 đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về những cáo buộc rằng các nhà
chức trách đang sử dụng vũ lực quá mức và có những vi phạm nhân quyền khi cố
gắng khôi phục trật tự ở bang Rakhine.
Quintana cho rằng, một cuộc điều tra như vậy là cần thiết để đảm bảo trách nhiệm
giải trình.
"Hòa giải sẽ là không thể nếu không có điều này, và những cường điệu lẫn xuyên
tạc sẽ thế chỗ để gây mất lòng tin hơn nữa, gây căng thẳng hơn nữa giữa các cộng
đồng", ông nói.
Hàng nghìn người Rohingya đã tìm cách chạy trốn bạo lực, với đất nước Bangladesh
láng giềng là đích đến chủ yếu. Nhưng nhiều người cũng bị các nhà chức trách từ
chối.
Bangladesh đã tăng cường biên giới, triển khai thêm quân đội và an ninh dọc Sông
Naf, ranh giới tự nhiên giữa hai nước, nơi các con thuyền đánh cá nhỏ bé chở đầy
người tị nạn muốn vượt sông.
Hồi tháng 6, Ngoại trưởng Bangladesh Dipu Moni nói rằng nước bà không muốn cung
cấp chỗ ở cho thêm người tị nạn nữa, bất chấp những kêu gọi từ cộng đồng quốc tế
rằng Bangladesh hãy mở cửa biên giới.
"Chúng tôi đã mang gánh nặng của hàng nghìn người tị nạn Rohingya đang ở
Bangladesh và chúng tôi không muốn thêm nữa", bà nói.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho biết, hàng chục nghìn người tị nạn
Rohingya hiện đang phải sống trong các trại tạm ở Bangladesh, với nhiều người
đang chịu đựng những điều kiện sinh hoạt mà các nhân viên hỗ trợ mô tả là "tồi
tệ chưa từng thấy".
Thanh Hảo (Theo CNN)