Quá khứ bốc vác, lơ xe của Xuân Nghị, Quang Thắng
Xuân Nghị được khán giả nhớ đến với vai diễn "Mr Cần Trô" (phim Ngày ấy mình đã yêu) và Cao Minh Bách (phim Nhà trọ Balanha). Anh cũng vượt qua nhiều diễn viên đàn anh giành giải Nam diễn viên ấn tượng tại lễ trao giải VTV Awards 2020.
Cuộc sống nổi tiếng, sung túc, cát- sê tăng cao nhưng Xuân Nghị chưa khi nào quên những năm tháng mưu sinh chật vật chờ ngày khẳng định mình.
"Khoảng năm 2011, Nghị quyết định khăn gói từ Nha Trang vào Sài Gòn học khóa đào tạo diễn xuất của cô Hồng Vân. Cuộc sống rất chật vật. Nghị từng thuê ngủ ở một gác xép khu lao động với giá 500 nghìn đồng/ tháng. Ban ngày, Nghị đi học, đi tập kịch, "bán mặt" ở công viên Hoàng Văn Thụ. Buổi tối, trở về khu gác xép ngủ. 7-8 người gồm dân lao động, sinh viên nghèo chen chúc trong căn gác xép chật hẹp, không thể đứng thẳng người, có đêm giật mình mất ngủ vì... chuột chạy ngang người.
Để có thể theo đuổi đam mê, Xuân Nghị từng làm thêm đủ nghề từ lồng tiếng, đi bưng bê, tiếp bia rượu, dọn dẹp ở nhà nghỉ, chạy xe ôm... Thời điểm đó, không có cô gái nào ngó ngàng tới Nghị hết, đi kiếm rồi họ cũng dạt ra, nghèo mà nhìn gầy đen.
Nhưng năm 2015 mới là giai đoạn khó khăn nhất của Nghị. Nghị đi thi Đấu trường tiếu lâm, sân khấu tạm nghỉ để xây lại, công việc làm thêm cũng không có. Có những ngày, Nghị phải chia từng nắm gạo để nấu cháo cầm cự qua ngày. Có đợt Nghị ăn mỳ trong thời gian dài, không chịu nổi, gọi về nhà thì bố nói: "Bố mẹ hết tiền rồi..."", Xuân Nghị nhớ lại.
Nhọc nhằn mưu sinh không kém Xuân Nghị, ngay từ nhỏ, nghệ sĩ hài Quang Thắng đã phải làm thuê kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Từ năm học lớp 6, anh đi bán kem phụ giúp mẹ. Suốt những năm học THPT, ngoài giờ lên lớp, anh đi gánh gạch thuê. Đến khi đỗ vào Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), nam nghệ sĩ chuyển sang làm công việc khắc bia mộ, nặn tượng, vẽ tranh để có tiền ăn học…
Dù thủ vai "Táo kinh tế" sang chảnh nhưng mấy ai biết quá khứ mưu sinh đầy nhọc nhằn của nghệ sĩ hài Quang Thắng. Trước khi trở thành một nghệ sĩ hài nổi tiếng, Quang Thắng từng có quãng tuổi trẻ lăn lộn đủ nghề để kiếm sống.
Thời còn đi học, anh làm nghề đẩy xe bò thuê, buôn quần áo đường dài và lơ xe tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Thi thoảng anh còn kiêm luôn bốc vác hàng cho chủ xe và phụ giúp nhiều việc vặt ở bến xe nhằm kiếm thêm chút tiền chi trả sinh hoạt phí.
Cũng trải qua công việc lơ xe bụi bặm là "Táo" Tự Long. Nam nghệ sĩ từng chia sẻ, anh có thời gian làm lơ xe trên tuyến Bắc Ninh- Hà Nội với câu nói cửa miệng: "Lên xe bà con ơi, Hà Nội- Bắc Ninh đê". Có thời điểm, anh làm phụ hồ xách vữa cho các công trình của xã, học nghề mộc và làm chân chạy xe ôm. Sau này, Tự Long còn làm MC cho một quán café sinh viên…
Xuân Hinh, Chí Trung chật vật đi buôn kiếm sống
Mới đây, khán giả không khỏi ngậm ngùi khi "vua hài đất Bắc" Xuân Hinh nghẹn giọng tiết lộ về quá khứ nghèo khó, cơ cực trên sóng truyền hình. Xuân Hinh kể rằng mình buôn tất cả mọi mặt hàng trên đời từ thượng vàng tới hạ cám "kể cả những thứ hạ đẳng nhất xã hội".
"Từ trường Sân khấu Điện ảnh, tôi ra đầu cầu bắt xe lên thị trấn Bảo Yên cách gần 300 cây số. Đi từ chiều thứ 7 thì 7 giờ tối tôi có mặt trên đó mua quần áo, rồi đi xe đạp 12- 14 cây số vào trong rừng đổi quần áo cho người dân tộc lấy vàng cốm mà họ lấy được từ dưới suối. Đêm, tôi lại đạp xe với chiếc đèn pin, đường rừng hun hút, một bên là vực thẳm…
Tôi còn mua những bao trám đưa về chùa Dâu quê tôi vào lúc 2 giờ sáng. Thời đó, tôi gầy gò lắm. Tôi lại kéo từng bao trám vào nhà dân xin ngủ nhờ, không xin ngủ được, tôi ứa nước mắt ngồi chờ sáng…", Xuân Hinh chia sẻ.
Trước đó, nam danh hài cũng từng chia sẻ vì nhà nghèo nên từ thời niên thiếu, anh phải đi buôn chó lấy tiền ăn học và nuôi các em. Có đêm mang chó đi bán chợ xa, lỡ xe nên phải ngủ lại ở bến. Nửa đêm, lũ chó trong rọ sủa nhiều quá bị người ta mắng, phải thả ra cho chúng khỏi kêu, sáng hôm sau lần mò đi tìm từng con bắt lại…
Chung quá khứ "buôn bán từ thượng vàng tới hạ cám" như Xuân Hinh, "Táo giao thông" Chí Trung bày tỏ, anh không bao giờ quên được quãng thời gian đói khổ, cơ cực ấy.
Vào những năm 90, khi vừa kết hôn với nghệ sĩ Ngọc Huyền và sinh con, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Chí Trung phải đi ép săm lốp để giao cho các đại lý ở khu vực Hà Đông vào các buổi sáng trong khi buổi tối lại sắm sửa đồ diễn lên sân khấu kịch như bình thường.
Cũng có thời điểm, nam nghệ sĩ đi mua máy khâu, các loại máy móc đem về sơn sửa rồi đi ký gửi lại. Anh kiêm cả buôn xe máy ở ngõ Huế, Hà Nội. Còn vợ của anh, nghệ sĩ Ngọc Huyền thì bán bánh xèo, bánh rán. Vài năm sau, vợ chồng anh chung vốn với bạn mở ảnh viện áo cưới. Thế nhưng, chẳng bao lâu, cả gia đình lại đứng trước nguy cơ phá sản và phải mất một thời gian dài để trả nợ…
Theo nghệ sĩ Chí Trung, chính những năm tháng mưu sinh vất vả đã giúp anh biết sống mở lòng, bao dung và thấu hiểu người khác nhiều hơn…
Theo Dân trí
Thành Long sức khỏe sa sút, đi lại phải có người dìu đỡ
Thành Long đi lại khó khăn vì bị chấn thương sau nhiều năm tự mình thực hiện các pha mạo hiểm trong phim hành động.