Hình ảnh những người giết mổ lợn cởi trần với cây gậy trên tay trong lò mổ lợn Thái Lan khiến các nhà vận động phải lên tiếng. Họ kêu gọi đào tạo và giám sát việc giết mổ động vật rộng rãi vì phúc lợi động vật. Những hình ảnh bí mật được ghi lại trong lò mổ lợn ở miền trung Thái Lan đã được chia sẻ với Guardian. Người giết mổ đánh đập lợn ngay trước bầy đàn của chúng, trái với các khuyến nghị về đối xử nhân đạo với động vật. |
Lợn bị nhồi nhét vào lồng sắt trên xe tải để chuyển đi nơi khác mà không được trang bị điều kiện bảo vệ. Mặc dù Thái Lan đã có hướng dẫn cụ thể cho các lò mổ lợn, trong đó yêu cầu không để động vật bị giết mổ phải chịu đau đớn. Tuy nhiên, các quy trình giết mổ nhân đạo gần như không được các lò mổ vừa và nhỏ tuân thủ. "Người Thái Lan nói chung không nhận thức được sự cần thiết của các quy trình giết mổ nhân đạo", nhà hoạt động vì quyền động vật Wadchara Pumpradit cho biết. "Những con vật nuôi để lấy thịt không được quan tâm đến quyền lợi của chúng". |
Trong khi chính phủ Thái Lan tổ chức các khóa đào tạo về giết mổ nhân đạo, ở nhiều nơi các quy định vẫn không được chấp hành. Các nhà sản xuất và chế biến quy mô nhỏ hầu như không bị giám sát. "Các hệ thống giám sát quy trình giết mổ nhân đạo hiện hành cần phải được nâng cấp. Làm thế nào chúng ta có thể chắc chắn rằng các lò giết mổ được cấp phép đang tuân thủ luật pháp khi chúng không được giám sát trực tiếp?", ông Wadchara đặt ra câu hỏi về sự lỏng lẻo trong khâu giám sát giết mổ động vật. |
Người chăn nuôi sử dụng dụng cụ chích điện với điện áp thấp để di chuyển vật nuôi, chọc vào thân con vật để chúng chịu đi. |
Thịt lợn là nguyên liệu chính trong bữa ăn của người Thái. Từ hộ gia đình đến các tiệm ăn đường phố đều yêu thích món ăn từ thịt lợn. Các cơ sở nuôi lợn cung cấp khoảng 18 triệu con lợn mỗi năm, đem lại khoảng 3,5 tỷ USD. Trung bình một lò mổ ở miền Trung Thái Lan giết 500 con lợn mỗi ngày. |
"Vận chuyển bằng lồng là phương thức vận tải phổ biến ở Đông Nam Á. Thông thường, các con vật bị nhét chen chúc trong lồng. Chúng bị mất nước, kiệt sức và cháy nắng nghiêm trọng khi được vận chuyển vào ban ngày. Thường là đi qua biên giới", bà Kate Blaszak, cố vấn của tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP), cho biết. |
"Sau đó, những con vật đáng thương được chuyển xuống bằng cách trượt trên mặt đất. Chúng rơi xuống đất, bị lôi đi, đánh đập và đá vào người. Chúng bị đánh bằng gậy cho bất tỉnh trước khi bị xẻ thịt bằng dao", bà Blaszak mô tả. |
Theo vị chuyên gia, đánh đập bằng gậy không khiến lợn bất tỉnh hoàn toàn mà chỉ khiến chúng bị bầm tím. Điều này được coi là ngược đãi động vật. "Sốc điện bằng dụng cụ tự chế đôi khi được thực hiện, nhưng việc này cũng không đúng và không có hiệu quả. Hành động này gây đau đớn và sốc cho lợn. Vì vậy, việc đào tạo và chấp hành có thể giải quyết mọi vấn đề". |
Khi các quy trình tàn bạo này được hé lộ, các nhà hoạt động đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các quốc gia giết mổ lợn vô nhân đạo siết chặt luật về phúc lợi động vật. |
Bà Blaszak cho biết ở Đông Nam Á, các tiêu chuẩn và quy định giết mổ nhân đạo đối với động vật là rất cần thiết, bao gồm các loài gia súc và gia cầm như lợn, trâu, ngỗng và vịt. Ngoài tuân thủ quy định về giết mổ động vật nhân đạo, các lò mổ cũng cần đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm với sự giám sát bởi các cơ quan hữu quan. |
Năm 2014, Thái Lan đã thông qua đạo luật phúc lợi động vật đầu tiên, trong đó bao gồm vật nuôi và động vật lấy thịt. Nước này cũng có ngoại lệ cho động vật bị giết vì lý do tập tục truyền thống và tôn giáo. "Đây sẽ là một trận chiến dài hơi. Luật pháp và quy định là một chuyện, nhưng thực thi pháp luật là thách thức lớn nhất. Cải cách phúc lợi động vật ở khắp nơi trong khu vực là rất cấp bách", bà Blaszak nói. Bà cũng cho rằng lợn là loài động vật rất thông minh, có thể cảm thấy đau đớn và đau khổ dữ dội. |
(Theo Zing)