Tại hội thảo Hội thảo Xúc tiến đầu tư: Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Vietnam Expo 2019, ông Ron Ashkin - Giám đốc dự án liên kết USAID, cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% số DN tại Việt Nam nhưng chỉ có 21% số này liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan (30%), Malaysia (46%).

Do tỷ lệ nội địa hóa thấp (mức độ nội địa hóa trung bình của Việt Nam khoảng 33%) nên mức độ tham gia của các doanh nghiệp ở Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng thấp. Năm 2018, DN FDI tại Việt Nam đã phải nhập khẩu 47,1% đầu vào từ các DN ở nước mẹ.

Ông Ron Ashkin đưa ra dẫn chứng: một mình Samsung chiếm gần 1/4 tổng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng trong năm 2019, mới chỉ có 35 công ty Việt Nam là nhà cung cấp loại I cho Samsung; hay Công ty GE (Hải Phòng) - một trong 5 nhà máy vượt trội năm 2018, tỷ lệ nội địa hóa hiện nay cũng chỉ dưới 20%.

{keywords}
DN trong nước tham gia chuỗi cung cứng

“Nội địa hóa thấp và sự ít tham gia của các DN trong chuỗi giá trị toàn cầu cản trở lợi ích đối với nền kinh tế Việt Nam. Chỉ khi nội địa hóa tăng đến chuẩn quốc tế, Việt Nam mới có thể thu được đầy đủ các lợi ích của FDI hiện nay và xuất khẩu mới phát triển” - ông Ron Ashkin nhấn mạnh.

Theo ông Ron Ashkin, giá trị tiềm năng của nội địa hóa trong xuất khẩu thông qua chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam là 115 tỷ USD. Tiềm năng phát triển cho Việt Nam qua việc đẩy mạnh chuỗi cung ứng toàn cầu là khoảng 58 tỷ USD. Do đó, các DN cần phải tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng, trở thành những nhà cung ứng địa phương cấp I cho các DN lớn như Samsung, LG, GE,...

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) tại hội thảo cho rằng các doanh nghiệp trong nước gặp phải một số khó khăn khi tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu như không đáp ứng được giá hay đơn hàng theo yêu cầu.

Thực trạng này xuất phát từ chi phí đầu vào cao (bao gồm thuế, phí, chi phí không chính thức), sản xuất chưa tinh gọn nên giá thành cao, doanh nghiệp nhỏ chỉ đáp ứng được đơn hàng nhỏ và thiếu các công đoạn gia công có chất lượng.

Ngoài ra, những doanh nghiệp này còn thiếu kênh phân phối, năng lực thương mại hạn chế cũng như thiếu thông tin về xu thế, công nghệ, thị trường, sản phẩm, đối thủ cạnh tranh hay nhà cung cấp, bà Bình nhận định.

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thời gian qua, thương mại quốc tế đã và đang chứng kiến sự hình thành của các chuỗi giá trị toàn cầu với sự tham gia mạnh mẽ của không chỉ các nước phát triển mà còn từ các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế mới nổi.

{keywords}
Ngành công nghiệp tỷ đô

Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, chuỗi giá trị toàn cầu giúp từng bước đảm nhận các công đoạn trong mạng lưới sản xuất và tận dụng được lợi thế thương mại, từ đó đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa.

Đối với các doanh nghiệp, việc đưa sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là một hướng đi tất yếu để xây dựng, phát triển thương hiệu và tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đã tham gia ký kết 12 hiệp định thương mại tự do, kết thúc đàm phán một hiệp định và đang tiếp tục đàm phán 3 hiệp định khác. Các hiệp định này đã và đang mở ra thị trường rộng lớn cho cả các DN đầu tư tại Việt Nam và là cơ hội lớn để sản phẩm Việt Nam xuất hiện tại nhiều thị trường lớn hơn trên thế giới.

Các DN đầu tư sản xuất tại Việt Nam không chỉ tận dụng lợi thế về chi phí sản xuất hợp lý tại Việt Nam, mà còn tận dụng lợi thế về thuế quan và mở cửa thị trường để dễ dàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các DN trong và ngoài nước sẽ có điều kiện thuận lợi để trở thành các DN cung ứng sản phẩm hỗ trợ, đầu vào cho các DN sản xuất đầu cuối trên thị trường.

Thêm vào đó, với việc nhiều DN lớn đang đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam như Samsung, LG, cơ hội cho các DN đầu tư tại Việt Nam để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng cao, bởi chính các DN sản xuất sản phẩm đầu cuối rất muốn xây dựng chuỗi cung ứng tại địa phương.

Theo ông Tài, việc sử dụng nhà cung ứng địa phương sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mất an toàn do phải nhập khẩu sản phẩm phụ trợ, sản phẩm lỗi tăng do quá trình vận chuyển xa hoặc không đảm bảo yếu tố giao hàng đúng thời gian, làm ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất,...

"Nói về khoảng trống thị trường thì tại Việt Nam, khoảng trống dành cho DN cung ứng sản phẩm phụ trợ hiện rất lớn, chỉ tính riêng Samsung đã công bố cần khoảng 500 DN cung ứng từ nay đến năm 2020" - ông Tài thông tin.

Nam Hải