Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ; các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.
Đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ thuận lợi, đầy đủ hơn
Bằng những chương trình cụ thể, Nhà nước Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền trong đó có quyền văn hóa của người dân tộc thiểu số.
Người dân tộc thiểu số có quyền được tham gia bình đẳng vào các hoạt động của đời sống văn hóa và bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng. Đồng bào dân tộc thiểu số được ưu đãi, hưởng thụ văn hóa, có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với quy định của pháp luật, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ; thực hiện chính sách đối với nghệ nhân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính phủ đẩy mạnh việc áp dụng mô hình công viên địa chất toàn cầu nhằm tạo sinh kế cho người dân tộc thiểu số tại các tỉnh đã có công viên địa chất toàn cầu như Hà Giang, Cao Bằng và tiếp tục xây dựng công viên địa chất toàn cầu mới tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên . Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực văn hóa để phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, bảo tồn bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số…
Trong những năm qua, các quy định luật pháp và chính sách đặc thù của Việt Nam đã giúp người dân tộc thiểu số tiếp cận các địa điểm dịch vụ một cách thuận lợi và đầy đủ hơn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư phát triển thông qua các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Điều 5); Luật Tài nguyên nước năm 2012 (Điều 4 và 45).
Hoạt động truyền thông được đẩy mạnh trong cả nước đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch, hố xí hợp vệ sinh, thực hành các hành vi vệ sinh và bảo vệ môi trường. Tập quán và hành vi vệ sinh của người dân đã được cải thiện. Luật Điện lực năm 2004 (sửa đổi năm 2012) (Điều 60) quy định việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được sử dụng điện để sản xuất và phục vụ đời sống.
Luồng sinh khí mới
Điểm nhấn có tính lịch sử là Bộ Chính trị chỉ đạo Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Đề án tổng thể (Nghị quyết số 88/2019/QH14) và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Nghị quyết số 120/2020/QH14). Sự kiện này là mốc son đỏ trong lịch sử công tác dân tộc, được cán bộ và đồng bào dân tộc thiểu số đón nhận như một luồng sinh khí mới, kỳ vọng sẽ tạo nên bước ngoặt đột phá mới trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhất quyền của người dân tộc thiểu số trong tình hình mới.
Trong tình hình mới, Nhà nước Việt Nam quán triệt sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phát triển bảo đảm bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số.
Việt Nam gia nhập Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (sau đây gọi là Công ước CERD) năm 1982 và đã 04 lần đệ trình Báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012. Việt Nam coi trọng và nghiêm túc triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Công ước CERD năm 2012 đã nêu ra, tiến hành rà soát toàn diện để xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ 5, giai đoạn từ năm 2013 đến 2019.
Nhằm thực thi tốt hơn nữa với vai trò là thành viên Công ước, Nhà nước Việt Nam cam kết thúc đẩy tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về Công ước trong cả nước nói chung và đặc biệt vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trong thực thi pháp luật, đặc biệt là vai trò giám sát của người dân, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội.
Bên cạnh đó, Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế về thực thi Công ước để chia sẻ các kinh nghiệm và các bài học quốc tế trong việc đảm bảo quyền cho người dân tộc thiểu số và người nước ngoài tại Việt Nam, chống mọi hình thức phân biệt đối xử.
Hữu Khôi
Ảnh: Đàm An