Điện ảnh Việt Nam còn nhiều bất cập

Hội thảo Phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa vừa diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP.HCM 2024 (HIFF), do Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM phối hợp các đơn vị tổ chức. 

Theo báo cáo số liệu, tại TP.HCM hiện có 873 doanh nghiệp điện ảnh. Đóng góp của điện ảnh vào giá trị sản xuất của ngành văn hóa đạt hơn 3.300 tỷ đồng vào năm 2020. 

batch ddhi 07552.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo 'Phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa'. 

Con số của Cục Thống kê cho thấy đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa tại TP.HCM chiếm 3,62% GRDP. TP.HCM đặt mục tiêu năm 2025 ngành điện ảnh sẽ đạt trên 5.000 tỷ đồng và gấp đôi vào năm 2030.

Năm 2010, ở Việt Nam có 90 phòng chiếu. Nhưng chỉ trong chưa đầy 10 năm, số lượng phòng chiếu đã tăng lên 1.100. Trong năm 2019 ở Đông Nam Á, Việt Nam là 1 trong 4 nước có thị phần phim nội địa cao nhất, chiếm 29% tổng số tác phẩm phát hành trong nước.

Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM – kỳ vọng hội thảo sẽ mở ra những cánh cửa mới với giải pháp, góp phần đưa điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa ở TP.HCM. 

batch ddhi 07183.jpg
NSƯT Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM chủ trì hội thảo. 

“Chúng tôi mong muốn từ hội thảo cộng với những hoạt động tập huấn, đào tạo bồi dưỡng mang tính chuyên sâu về điện ảnh sẽ giúp các nhà làm phim nâng cao dần về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mình, qua đó góp phần bớt đi độ vênh của thị trường trong nước với điện ảnh quốc tế”, bà chia sẻ. 

Lãnh đạo Sở Văn hóa cũng chỉ ra những khó khăn hiện tại của ngành. Đó là: Các lĩnh vực còn phụ thuộc vào ngân sách, đối mặt với vấn đề thu nhập thấp; Nhiều tiềm năng chưa phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh; Tình trạng vi phạm và tranh chấp bản quyền vẫn còn phức tạp; Các cơ chế chính sách về thuế chưa tạo nhiều động lực thu hút đầu tư…

Đạo diễn Đất phương Nam Nguyễn Vinh Sơn chỉ ra một thực trạng bất cập với thị trường điện ảnh Việt Nam, đó là chuyện lằn ranh giữa phim thương mại và phim nghệ thuật. Theo ông, hầu hết các phim đoạt giải thưởng lớn, được quốc tế đánh giá tích cực khi về trong nước đều lâm cảnh thất thu. 

batch ddhi 07470.jpg
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn bàn về chuyện các phim nghệ thuật thua lỗ phòng vé. 

Trường hợp điển hình là Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên – từng thắng Giải Khinh khí cầu vàng - giải thưởng cao nhất tại LHP quốc tế 3 châu lục và “là niềm tự hào của điện ảnh Việt năm 2023”. Tuy nhiên, doanh thu phòng vé ghi nhận phim chỉ đạt doanh thu khoảng 4 tỷ đồng dù được tuyên truyền quảng bá mạnh. 

“Sự khác biệt giữa khán giả phim thương mại và nghệ thuật quốc gia nào cũng có nhưng ở Việt Nam mình quá lớn. Tôi hy vọng LHP sẽ rút ngắn khoảng cách ấy thông qua nhiều cuộc giao lưu, góp phần tạo sức hút với một lượng khán giả ra rạp ủng hộ”, ông nói.

Cần xác định tầm quan trọng của LHP với nền điện ảnh

Ông Kim Dong Ho - nhà sáng lập Liên hoan phim Busan, Chủ tịch danh dự HIFF - cũng chia sẻ những bài học nhìn từ thành công của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc. 

batch dddsc07927.jpg
Ông Kim Dong Ho hiến kế với mong muốn LHP quốc tế tại TP.HCM lần 1 thành công. 

Ông dẫn chứng trong 5 năm qua, điện ảnh xứ kim chi đã chứng tỏ được với thế giới qua các tác phẩm như: Ký sinh trùng, Trò chơi con mực… Bên cạnh doanh thu rất tích cực, các tác phẩm còn đoạt các giải thưởng quốc tế. Trong đó, Ký sinh trùng thắng lớn tại Oscar - Giải thưởng điện ảnh lớn nhất hành tinh. Qua đó góp phần giúp điện ảnh Hàn làm nên những kỳ tích chưa từng có trong lịch sử. 

Theo ông Kim, trong gần 30 năm qua, LHP quốc tế Busan đã làm đúng nhiệm vụ tôn vinh các tác phẩm điện ảnh. Sự kiện như một cột mốc để vinh danh, quảng bá, qua đó giúp nhiều phim được phổ biến rộng rãi cho khán giả cũng như thị trường điện ảnh trong và ngoài nước. 

“Điều đó cho thấy tầm quan trọng của một Liên hoan phim quốc tế đối với thị trường điện ảnh của một đất nước. LHP quốc tế tại TP.HCM do đó cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu những bộ phim mới đến khán giả”, ông chia sẻ. 

batch dddsc07743.jpg
Ông Jeremy Segay nhìn nhận điểm hạn chế của điện ảnh Việt Nam là chỉ quan tâm chiếu phim cho người trong nước, chưa quan tâm sâu sát thị trường quốc tế. 

Ông Jeremy Segay - tùy viên Nghe nhìn Khu vực Đông Nam Á thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam bày tỏ mỗi quốc gia đều có luật lệ riêng liên quan đến việc kiểm duyệt là điều bình thường. Tuy nhiên, đại diện cho những người làm điện ảnh, ông mong rằng tại LHP quốc tế, những luật lệ này sẽ trở nên linh hoạt hơn. 

Ông lấy minh chứng là Liên hoan phim Quốc tế Busan đã nới lỏng những mở đường cho những bộ phim Nhật được phép chiếu tại Hàn Quốc. 

Trước 1996, những bộ phim Nhật bị cấm chiếu tại Hàn Quốc. Hành động này bắt nguồn từ bắt nguồn từ tâm lý bài Nhật và bảo vệ công nghiệp văn hóa Hàn Quốc. Dù vậy, LHP Busan đã cho phép 15 phim Nhật được chiếu và từ đó Hàn Quốc đã cho phép chiếu phim Nhật. 

Từ câu chuyện của Hàn Quốc, ông mong phía các nhà quản lý Việt Nam cũng có thể học hỏi trong việc nới kiểm duyệt, tạo sự thông thoáng để đưa các tác phẩm địa phương đến với nhiều LHP trên thế giới. 

Mặt khác, LHP nên khuyến khích người trẻ thưởng thức phim tại rạp. Đại biểu chỉ ra tại nhiều nước trên thế giới, các trường học đã khuyến khích học sinh đến rạp, xem những bộ phim kinh điển để đẩy mạnh thị trường điện ảnh. 

lhp quoc te tphcm 7 1850.jpeg
Phối cảnh Nhà hát Thành phố - địa điểm sẽ diễn ra lễ khai mạc, bế mạc HIFF 2024. 

Bên cạnh đó, việc tạo dựng một hội chợ phim là cần thiết và hữu ích trong khuôn khổ LHP quốc tế. Đây sẽ là không gian cho những hoạt động kết nối và đồng thời giới thiệu quảng bá TP.HCM như một điểm đến thân thiện tới các nhà làm phim quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết phía BTC tiếp nhận các ý kiến tư vấn, góp ý của các chuyên gia cho tiến trình thực hiện HIFF 2024 sắp tới cũng như phát triển phim Việt nói chung.

Trong đó, bà Thúy nhấn mạnh giải pháp nghiên cứu xây dựng những cơ chế đặc thù về chính sách bảo hộ điện ảnh Việt. Theo bà, điều này góp phần phát triển hoạt động sản xuất phim Việt Nam, ưu tiên cho việc chiếu phim Việt, chính sách ưu đãi về thuế cho nhà làm phim để tạo cơ chế khuyến khích, tạo động lực phát triển cho điện ảnh trong tương lai.