20 giờ, ngày 30/6/2022 tới đây tại Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân văn hoá Nguyễn Đình Chiểu, 30 năm ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre với quy mô quốc tế.

Với quy mô của một chương trình quốc tế, phải được dàn dựng theo các tiêu chí của UNESCO đã đánh giá để công nhận danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong tương quan với hàng chục hồ sơ đăng ký của các quốc gia khác, chương trình nhận được sự quan tâm và kỳ vọng đặc biệt của các nhà nghiên cứu văn hóa quốc tế, lãnh đạo và các chuyên gia UNESCO trong nước và thế giới.

Tác giả kịch bản – tổng đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ với VietNamNet xung quanh việc dàn dựng chương trình với quy mô quốc tế này.   

Đạo diễn Lê Quý Dương.

Không đơn thuần là một lễ kỷ niệm mà chương trình mang tầm quốc tế, anh có cảm thấy áp lực trong vai trò đạo diễn?

Đây là một chương trình dàn dựng rất khó, tôi phải vượt qua nhiều thách thức. Thứ nhất là chương trình diễn ra trong thời điểm mùa mưa tại Nam Bộ nên BTC buộc phải quyết định dựng nhà bạt để đảm bảo an toàn cho các tiết mục biểu diễn và các khách mời tham dự. Điều này làm hạn chế nhiều tới các hiệu quả sử dụng công nghệ và truyền hình trực tiếp. 

Thứ hai là thực địa tại khuôn viên Lăng Nguyễn Đình Chiểu không lớn, có nhiều cây xanh lâu năm, tầm nhìn khán giả gần, nên việc tổ chức không gian sân khấu và dàn dựng phải lựa theo địa hình. 

Thứ ba, cũng là thách thức lớn nhất chính là làm sao để có thể kể câu chuyện về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời thăng trầm của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu chỉ trong 45 phút của chương trình nghệ thuật. Thời lượng 45 phút còn lại cần phải dành cho phần lễ kỷ niệm với các sự kiện quan trọng không thể không có như các diễn văn của lãnh đạo tỉnh Bến Tre, đại diện của UNESCO cùng với nghi lễ trao tặng danh hiệu danh nhân và đặc biệt là diễn văn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trước sự kiện vô cùng quan trọng và ý nghĩa này.   

Thông điệp xuyên suốt chương trình mà anh muốn truyền tải?

Tôi sẽ dàn dựng chương trình kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống và di sản văn hóa của Nam Bộ với những sáng tạo hiện đại mới của các nghệ sĩ cả trong nước và quốc tế. Chương trình là một hành trình dẫn dắt khán giả theo mỗi bước chân cụ Đồ Chiểu năm xưa từ quê nội xứ Huế tới Sài Gòn Gia Định rồi Long An và cuối cùng về với quê hương Ba Tri Bến Tre. Trong thời lượng hạn chế chỉ với 45 phút, tôi mong muốn tạo dựng nên chân dung Nguyễn Đình Chiểu vừa đồ sộ với tầm vóc của nhân cách và tư tưởng mang tính nhân loại, vừa mộc mạc gần gũi với đất nước và nhân dân như một người con hiếu thảo, người thầy giáo tận tụy, người thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân, người chí sĩ một đời khát khao độc lập, tự do và hòa bình cho dân tộc. 

Sân khấu demo của lễ kỷ niệm.

Tư tưởng của toàn bộ chương trình nghệ thuật được thống nhất cao là: “Nguyễn Đình Chiểu – Đạo sáng mãi giữa đời”. Cuộc đời thăng trầm và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu là sự kết tụ của tinh thần Đạo. Đó là Đạo hiếu, Đạo học, Y đạo và quan trọng nhất chính là Đạo làm Người. Bởi vậy “Đạo sáng mãi giữa đời” chỉ có năm từ nhưng từng từ đều có ý nghĩa riêng. 

“Đạo” chính là “Chở bao nhiêu Đạo” trên con thuyền cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu. “Sáng” vừa là tính từ đối lại với nghịch cảnh mù lòa của cụ vừa là động từ sáng lên tinh thần và ý chí của cụ. Dù sống trong bóng tối nhưng tâm của cụ rất sáng, thứ ánh sáng soi đường cho nhiều thế hệ và cho cả vận mệnh của dân tộc. “Mãi” thể hiện niềm tin tinh thần và ý chí của Nguyễn Đình Chiểu sẽ còn mãi với thời gian. “Giữa” chính là giá trị của Nguyễn Đình Chiểu trong không gian rộng lớn. Các giá trị đó đã vượt qua căn nhà đơn sơ mộc mạc của cụ ở quê hương Ba Tri, Bến Tre để tỏa sáng cùng nhân loại. “Đời” chính là cuộc đời và thực tại hôm nay.

Trong rất nhiều những bất cập và tiêu cực của xã hội đương thời, các giá trị đạo đức và tinh thần của Nguyễn Đình Chiểu thực sự cho hậu thế soi mình từ dân đến quan, từ dân tộc đến quốc tế. “Thà đui mà giữ đạo nhà” chính là ý nghĩa đó. Tổng hợp cả 5 từ của chủ đề “Đạo sáng mãi giữa đời” chính là vòng chu kỳ của con người và vũ trụ sinh – lão – bệnh – tử và sinh thể hiện tinh thần hiện đại trong các giá trị đạo đức và di sản nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu đang hồi sinh, được đánh giá và khẳng định trên quy mô toàn cầu và trở thành tiêu chí định hướng cho thời đại hôm nay.

Với quy mô quốc tế, ngoài các nghệ sĩ trong nước, anh có mời thêm nghệ sĩ nước ngoài tham gia vào chương trình?

Tôi mời một nhóm nghệ sĩ tài năng với những sáng tạo rất mới cho chương trình như NSƯT - nhạc sĩ Trần Đại Dũng sáng tác một ca khúc dành riêng cho tiết mục là Cội nguồn xứ Huế quê hương. Đó là một ca khúc đậm đặc chất dân ca Huế do ca sĩ Đông Quân và Thu Trang trình bày. Nhạc sĩ Đỗ Bảo lại sáng tác một ca khúc hoàn toàn mang âm hưởng hiện đại độc đáo theo gợi ý và yêu cầu của tôi. Đó là ca khúc Đạo không xa Người với lời thơ của tôi, nhóm tứ ca nam Lạc Việt thể hiện. Ca khúc như lời tâm tình của thế hệ trẻ Việt Nam kể với bạn bè thế giới câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu.      

Ngoài ra, tôi mời nhạc sĩ - ca sĩ người Thụy Điển Pamela Hedstroem và nhạc sĩ Dominique Henry Probst người Pháp để sáng tác hai ca khúc mới dành riêng cho chương trình dựa trên cảm hứng từ tác phẩm Lục Vân Tiên của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Đây là dấu ấn đột phá và sáng tạo đưa chương trình lên đúng quy mô và tầm vóc quốc tế. Điều này đã mở rộng bán kính ảnh hưởng và tính phổ cập của tác phẩm Lục Vân Tiên trên những chiều cảm nhận, đánh giá và phong cách sáng tạo khác nhau của các nghệ sĩ quốc tế.

Điểm nhấn quan trọng nhất của chương trình mà anh hướng tới là gì?

Chương trình có một điểm nhấn đặc biệt quan trọng là màn biểu diễn ca cổ trích đoạn “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga” do NSƯT Lê Tứ và NSƯT Mỹ Hằng cùng các nghệ sĩ cải lương của Đoàn cải lương Bến Tre qua phần trình bày tác phẩm vọng cổ “Trái tim Đồ chiểu” của soạn giả Lê Long. 

Tôi cũng mời NSND Thanh Hải - một trong những cây đại thụ của Cải lương và Đờn ca tài tử Nam Bộ tham gia tổ chức và biên tập toàn bộ phần cổ nhạc của chương trình. Cùng với trích đoạn “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga” và bài vọng cổ “Trái tim Đồ Chiểu”, phần nhạc truyền thống của chương trình còn được tạo nên những điểm nhấn độc đáo với các hoạt cảnh nói thơ Vân Tiên, vốn là một hình thức văn thơ truyền miệng độc đáo của người dân Nam Bộ xưa.

Một sáng tạo đặc biệt mới lạ của chương trình chính là bộ sưu tập áo dài “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga” của NTK Yến Nhi. Một trong những điểm nhấn ấn tượng của chương trình chính là sự xuất hiện của 10 thiếu nữ đến từ Thừa Thiên Huế, quê nội của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Tình Lê