Những lời thú nhận thẳng thắn của đạo diễn Charlie Nguyễn, người đứng sau hàng loạt bộ phim doanh thu ngất ngưởng như Tèo em, Để Mai tính 2... sau khi dự án “Fan cuồng” không thành công.

Tôi không bao giờ trách khán giả

Lý do nào anh muốn thay đổi khi bỏ địa hạt phim hài ăn khách chuyển sang làm “Fan cuồng”?

- Có nhiều nguyên do lắm. Sự thay đổi bắt đầu không phải từ “Fan cuồng” mà bắt đầu ở từ sau “Cưới ngay kẻo lỡ”. Trước thời điểm “Bụi đời chợ Lớn” tôi đã muốn thay đổi. Sau khi làm “Cưới ngay kẻo lỡ” và “Để mai tính” tôi bắt đầu muốn khám phá các thể loại khác và đặt các dự án khó khăn hơn cho bản thân. Nhưng do dự án “Bụi đời chợ Lớn” bị đổ, ê kíp và tôi buộc phải làm những bộ phim có tính thương mại cao để bù lỗ cho nhà đầu tư.

Do đó mới nảy ra tiếp dự án “Tèo Em” và “Để Hội tính”. Chúng tôi hướng tới dòng phim thật thương mại để bù đắp cho nhà đầu tư của mình. Lúc đầu tôi nghĩ chỉ làm “Tèo Em” để gỡ cho nhà đầu tư rồi sẽ chuyển hướng. Nhưng sau đó lại làm “Để Hội tính” vì Thái Hòa đã viết kịch bản quá lâu rồi nên sợ phí công của Hòa. Ê kíp sau đó thống nhất là sẽ phải có một hướng đi nào đó để mình có cảm hứng mới.

{keywords}
Đạo diễn Charlie Nguyễn (ngoài cùng bên phải) và các diễn viên Thái Hòa, Huy Khánh, Johnny Trí Nguyễn.

Bỏ phim hài để chuyển sang thể loại phim du hành thời gian,chắc chắn sẽ có nhiều thử thách và khó khăn. Anh có lường trước được điều này khi làm “Fan cuồng” không?

- Khi tôi nói ra ý định làm phim “Fan cuồng”, mọi người nói nên suy nghĩ lại. Ngay cả Thái Hòa, Johnny Trí Nguyễn cũng nói vậy luôn. Ở Việt Nam đâu ai thích rock? Chỉ có một nhóm nhỏ giống như hạt tiêu thôi. Còn chuyện du hành thời gian thì người Việt mình cũng không thích khoa học giả tưởng. Các phim khoa học giả tưởng bom tấn của Mỹ về tới đây còn chết ngắc.

Nhưng xưa tới giờ khi tôi đưa ý tưởng ra đều có người can ngăn. Không bao giờ mình đưa ý tưởng ra mà không gặp người ngăn cản. “Tèo Em” là Thái Hòa chống đối kịch liệt khi tôi muốn cậu ấy đóng một thằng con nít già nhất thế giới, 37 tuổi nhưng trong đầu chỉ mới 5 tuổi thôi. “Để Mai tính”, Hòa không chịu đóng vai Hội. Tức là khi mình đưa ra ý tưởng, từ lúc chưa có kịch bản, ở bất cứ dự án nào cũng luôn bị chống đối. Mới đầu những ý kiến này làm tôi hoang mang: Vậy mình phải chọn ý tưởng gì thì mọi người mới ủng hộ, mới hoan nghênh?

Nhưng sau mỗi một bộ phim, tôi nhận ra, khi có sự ngan cản thì mình đừng bao giờ dừng lại. Nếu dừng lại thì không bao giờ mình làm được cái mình muốn hết. Do đó tôi phải thuyết phục. Qua những bộ phim như vậy, tôi củng cố được niềm tin vào linh cảm của mình hơn. Một khi mình đã thích làm gì rồi thì mình phải gạt hết những ý kiến trái chiều ra.

Nếu người ta không thích thì mình phải thuyết phục. Tại sao mình phải làm cái này, tại sao mình thích cái này? Lý do tại sao một số khán giả sẽ thích nó. Ý nghĩ này giúp tôi mỗi khi có ai nói dự án “Fan cuồng” không ăn khách, tôi sẽ thuyết phục đến khi nào họ chấp nhận nó, nó là một câu chuyện đáng để kể lên thành phim.

Đến hôm nay anh thấy mình có thuyết phục được khán giả với dự án “Fan cuồng” không? Nhiều ý kiến cho rằng phim rất khó xem, và đây là bước lùi so với những gì anh đã từng làm?

- Nhìn lại quá trình làm phim này tôi luôn băn khoăn. Tôi làm bộ phim này trong một tâm trạng không ổn định. Những bộ phim trước mình thấy rõ đối tượng khán giả của mình là ai? Khán giả của mình cần cái gì và mình biết khán giả thích cái gì luôn. Nhưng khi làm “Fan cuồng”, tôi như đang khám phá. Dự án này luôn nằm ngoài tầm điều khiển của tôi. Giống như là mình đang trên một con thuyền phải cố lèo lái cho không chìm chứ không phải mình định hướng nó được để chèo một cách thong thả ung dung.

Khi phim ra rạp tôi biết rằng mình đã làm tốt nhất có thể. Trong vòng 1 năm trời tôi không có ngày Chủ nhật, mỗi ngày không phải là 10 tiếng mà là 14-18 tiếng làm việc. Tình trạng thiếu ngủ cả năm trời là thường xuyên. Mình đã tận lực với nó, với cái mà luôn làm mình hoang mang.

Khi làm xong mới thấy dự án này quá nhiều lỗi, quá nhiều vấn đề. Kịch bản là vấn đề lớn nhất. Khi bắt đầu bấm máy, kịch bản vẫn chưa hoàn chỉnh. Nhưng vì lịch sản xuất bị tính sai về thời gian. Bộ phim lại có quá nhiều thứ khó, yếu tố du hành thời gian, bối cảnh, về nghiên cứu để làm rockshow… Tôi đã không tính hết được thời gian để làm, cộng với việc không tính được câu chuyện này khó viết như thế nào. Tôi tưởng có 3 tháng là viết được, nhưng khi 3 tháng quá, bước vào giai đoạn tiền kỳ, kịch bản mình cầm trên tay vẫn chưa đẩy cảm xúc lên cao.

Nhưng khi mình đã lên lịch và đã mời ê kíp 7 người từ Mỹ về, họ tính tiền thù lao theo tuần, mấy ngàn USD một tuần. Do vậy mình không thể cứ chậm lại để viết kịch bản. Làm vậy đoàn phim bị động và tốn tiền khủng khiếp. Mình cũng không thể bảo ê kíp từ Mỹ quay về được. Bao nhiêu áp lực dồn vào.

Tôi biết mình có thể làm tốt hơn vậy. Nếu cho tôi thêm thời gian, nhưng tôi đã không có cơ hội. Và tôi buộc phải chuẩn bị tinh thần cho số phận của “Fan cuồng” như bây giờ vì nó không đủ cảm xúc để đẩy khán giả lên cao trào.

{keywords}
Phim "Fan cuồng" được xem là một dự án thất bại của đạo diễn Charlie Nguyễn

Bộ phim làm gấp, đến anh là đạo diễn còn không kiểm soát được, thì chuyện khán giả quay lưng và chê trách bộ phim là đương nhiên. Nhưng anh thấy phiền lòng về những phản hồi này không?

- Tôi không bao giờ trách khán giả. Bởi khi bạn vào một nhà hàng ăn món dở thì chê nó dở, dù bạn không biết nấu ăn. Khán giả đâu cần biết làm phim cực khổ như thế nào? Các nhà làm phim đã gặp những thử thách ra sao trong một nền điện ảnh như ở Việt Nam?

Tôi chỉ buồn cho số phận bộ phim của mình. Tôi biết đáng lẽ phim sẽ tốt hơn nhiều nhưng trong điều kiện đó, mình bị bó tay, bó chân cho nên tôi bị ấm ức. Ấm ức vì đáng lẽ nếu có thời gian thì “Fan cuồng” phải được đặt ở một vị trí khác trong lòng khán giả. Còn khi phim bị đặt ở vị trí này thì tôi tiếc cho số phận của nó.

Tôi đã dễ dãi với bản thân, với tác phẩm của mình

Đến bây giờ có thể nói, sự thay đổi của anh với “Fan cuồng” đã không thành công. Điều này có làm anh lung lay ý chí về việc sẽ định hướng lại con đường điện ảnh mình sẽ đi trong thời gian tới không?

- Suy nghĩ phải thay đổi bản thân có từ lâu rồi chứ không phải là tới “Fan cuồng” tôi mới thấy. Nhưng đến đây thì tôi mới đủ điều kiện kinh tế, cơ hội và thời điểm để thay đổi. Nhu cầu thay đổi xuất phát từ thực tế làm nghề xung quanh tôi. Tôi thấy hiện có quá nhiều người nhảy vào làm phim và họ chỉ nghĩ đến kiếm tiền. Trước thực tế này tôi rất buồn. Nghề của tôi không được trân trọng giống như ở nước ngoài. Người ta đến với điện ảnh bằng niềm yêu thích chứ không chỉ vì tiền, tiền, tiền.

Hơn nữa, tôi thấy nền điện ảnh Việt đang lớn, đội ngũ sản xuất cũng phải lớn theo. Hàng năm đều thấy sự phát triển về khán giả nhưng mà phim thì không có gì thay đổi, hài nhiều quá. Tôi thấy: Ủa sao kỳ vậy? Thị trường gì đâu mà ai cũng làm phim hài, ai cũng rủ mình làm phim hài, ai cũng nói về phim hài. Cứ ngồi lại là nghĩ đến danh hài với phim hài. Vậy thì làm sao mà đa dạng phong phú được? Làm sao thị trường tốt lên được? Thực tế này khiến tôi phải suy nghĩ trước khi làm mỗi dự án.

Anh từng được đánh giá cao với tác phẩm “Dòng máu anh hùng”, nhưng càng làm phim anh càng bị Việt Nam hóa. Anh thấy mình đã có thái độ làm nghề quá dễ dãi không?

- Khi nhìn lại quãng đường vừa qua thì thấy đúng là có một phần trong đó là mình dễ dãi với nghề. Nhìn lại quá trình làm “Dòng máu anh hùng” tôi thấy mình đầy máu lửa, đầy quyết tâm. Khi ấy tôi làm với tư duy là mang qua thị trường Mỹ chiếu chứ không nghĩ chỉ làm cho thị trường Việt Nam. Tôi luôn nghĩ điện ảnh mang tính quốc tế. Nhưng sau này tôi bị kinh tế chi phối, do nhà đầu tư và bản thân mình thấy tiền ra, không có vào. Càng ngày càng bị suy sụp về kinh tế cho nên bắt đầu bị suy nghĩ về tiền.

Mình làm hài. Mình dễ dãi với bản thân, với tác phẩm của mình. Mình không còn cầu kỳ trước những lựa chọn. Cầu kỳ hơn nữa anh sẽ không có tiền. Anh sẽ thua lỗ. Nhiêu đây là đủ rồi. Cái ý nghĩ “nhiêu đây là được rồi” làm cho mình dễ dãi với nghề, với công việc của mình.

Mặc dù khi làm tôi vẫn hết lòng với “Tèo Em” hay “Để Hội tính”, “Long Ruồi”, “Để Mai tính”. Chứ không bao giờ mình nói quay cho có hình. Tức là tôi luôn muốn trau chuốt và nâng niu nhân vật. Nhưng nỗ lực và dốc hết sức ra cho một cái gì lớn lao thì là không có. Vậy là mình dễ dãi. Và mình nhận thấy điều đó.

Tôi cũng nhận thấy những phản hồi của mọi người là đúng. Mình đã quá dễ dãi, hời hợt, mình đánh mất sự quyết tâm và máu lửa đã có khi làm “Dòng máu anh hùng”. Nhưng tôi cũng hiểu tại sao mình lại bị dẫn vào làm những bộ phim như thế. Tại sao mình không thể khác được? Một người trong hoàn cảnh của tôi, bỏ ra hơn 1 triệu USD làm “Dòng máu anh hùng”, phải bán nhà, thiếu nợ cả 10 năm trời thì sẽ hiểu tại sao tôi buộc phải đi vào con đường đó.

Nhưng đến lúc này tôi đã có những suy nghĩ khác. Nhưng suy nghĩ này làm cho tôi kỹ lưỡng và thận trọng hơn, phải khắt khe và khó khăn hơn với bản thân và ê kíp của mình. Phải làm gì để cho thế hệ sau họ nhìn thấy ở đâu đó các dòng phim khác ngoài hài nhảm vẫn có khán giả, thì họ mới đi theo. Bằng không họ sẽ lại nhảy vào làm hài nhảm. Đây là thực tế không ai chối cãi được. Tất cả nhà làm phim đều nhảy vô làm hài nhảm khiến nó là số đông hiện nay.

Tôi muốn có nhiều phim như là “Tấm Cám”, “Fan cuồng” hay như các phim Victor Vũ đã làm để thị trường đa dạng hơn. Để mỗi lần gặp nhau, những người như chúng tôi có thể thấy thú vị khi nói về điện ảnh với nhưng đề tài mới lạ.

Hiện nay tôi cảm thấy nhàm chán khi mọi người làm phim chỉ quan tâm làm sao kéo Hoài Linh, Trường Giang, Thái Hòa vào để làm hài, để hốt tiền. Những câu chuyện như vậy làm tôi không thấy hứng thú. Nó làm tôi thấy nghề của mình không được trân trọng lắm.

{keywords}
"Dòng máu anh hùng" được coi là mốc son trong sự nghiệp của Charlie Nguyễn

Theo anh nguyên nhân từ đâu mà nền điện ảnh Việt Nam trở nên èo uột, đơn điệu không có nhiều thể loại, nhìn vào rạp chiếu thì chỉ thấy các phim hài nhảm?

- Theo tôi thì đây là hiện trạng và thực tế của tất cả các nền điện ảnh trên thế giới. Trên tiến trình phát triển họ buộc phải đi qua con đường này. Không phải chỉ ở Việt Nam, mà bất cứ một nền điện ảnh non trẻ nào cũng đều qua giai đoạn này hết. Ở Việt Nam chưa có văn hóa đi xem phim. Đi xem phim ở ta giờ đang theo kiểu đến Tết mặc đồ rồi cả gia đình vào rạp xem, có Hoài Linh là được. Khán giả phần nhiều không biết thế nào là một bộ phim hay, không có kiến thức về điện ảnh, cũng như chưa có gu xem phim.

Tất cả những nền điện ảnh non trẻ trên thế giới khi bắt đầu chỉ có hai thể loại là hài và hành động là chấm hết. Bạn có thể làm các thể loại khác những bạn sẽ thất bại về doanh thu. Việt Nam mình cũng vậy, vẫn phải trải qua giai đoạn đó, là sản xuất phim hài và hành động. Sau đó từ từ khi văn hóa xem phim của khán giả trưởng thành, tư duy của người xem sâu sắc hơn thì họ bắt đầu tìm đến những trải nghiệm khác. Nhưng quá trình này sẽ rất lâu.

Vậy sau “Fan cuồng” anh làm phim gì? Lại hài chăng?

- Sau “Fan cuồng” tôi có vài dự án trong đầu. Một là “Dòng máu anh hùng 2”, tôi đã nuôi cả 10 năm nay ngay sau khi làm xong phần 1, nhưng không có cách nào làm nữa. Tôi từng hy vọng “Fan cuồng” thành công để mình làm một bộ phim nặng ký. Nhưng tình hình “Fan cuồng” thất thu quá nặng, cho nên tôi phải tính lại bài toán kinh doanh trong bộ phim sắp tới. Vì vậy không biết dự án “Dòng máu anh hùng 2” có thể thực hiện được hay không?

Tôi có một dự án nữa là “Tèo Em 2”, đây là dự án tôi rất kỳ vọng. Nếu làm được thì tôi chắc không ai nói nó là thể loại hài nhảm dễ dãi, vì nó đòi hỏi kinh phí lớn khủng khiếp và sẽ rất áp phê khi lên phim. Do đó đến hiện nay tôi cũng chưa biết có đủ kinh phí làm “Tèo Em 2” không. Cho nên hiện tại tôi chưa xác định được dự án mình sẽ làm, giờ lại phải tìm kiếm thôi.

Việt Anh