- Chuyện buôn gian bán lận không chỉ là đạo đức kinh doanh mà còn là biểu hiện của một thứ đạo đức vô nhân đạo, xuất phát từ lòng tham, xuất phát từ thói kiếm tiền bằng mọi giá, rất gần với tội ác chứ không phải là sai sót đơn thuần.
Rất gần với tội ác
Sự hoành hành của xăng giả, gạo giả, thịt lợn siêu nạc thời gian gần đây không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang ngày càng gia tăng, quyền lợi người tiêu dùng ngày càng bị xâm phạm nhiều mà còn cho thấy sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức kinh doanh nói riêng, đạo đức xã hội nói chung.
Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) cho rằng, chuyện buôn gian bán lận, dùng thủ đoạn để chuyển cho người tiêu dùng, cộng đồng, xã hội sử dụng những thực phẩm, những kết quả của công nghệ giả dối không chỉ là đạo đức kinh doanh mà còn là biểu hiện của một thứ đạo đức vô nhân đạo, xuất phát từ lòng tham, xuất phát từ thói kiếm tiền bằng mọi giá, rất gần với tội ác chứ không phải là sai sót đơn thuần.
Người tiêu dùng cần phải tự trang bị kiến thức để biết khi nào quyền lợi của mình bị
xâm phạm. Ảnh: NLĐ |
"Những người sử dụng thủ đoạn, sử dụng công nghệ rởm để cung cấp cho người tiêu dùng những thứ thực phẩm có hại, người ta ăn uống, đưa vào cơ thể thứ có hại cho sức khỏe hoặc người ta phải mất một khối lượng lớn tiền bạc ra để mua những cái giả giá trị như vậy thì đương nhiên là tội ác. Ở trên bình diện xã hội, chỉ cần người nào đó, cố tình sử dụng những sản phẩm độc hại, công nghệ giả gây hại cho cộng đồng, cho xã hội thì đó là tội ác.
Những người này cần thiết phải lên án từ phương diện đạo đức, đạo lý cho đến phải chịu trách nhiệm về phương diện hình sự. Vì nếu như đã làm hại đến sức khỏe, tính mạng, đến độ bền vững của cơ thể con người cũng như hại đến các tổ chức các thiết chế trong xã hội thì trong khung hình luật đã đề cập tới", TS Hòa Bình nói.
Gian lận ngày càng tinh vi
Xã hội phát triển, thủ đoạn lừa bịp của tiểu thương ngày càng tinh vi. Ví dụ như trước đây gian lận chỉ dừng lại ở việc bán gạo kém chất lượng, lấy gạo xấu trộn với gạo ngon rồi bán với giá cao, còn bây giờ người ta làm gạo giả bằng cao su, bằng nhựa. Chuyện gian lận trong xăng dầu từ việc dùng chíp điện tử để "ăn bớt" xăng đến việc pha thêm hóa chất vào xăng, thủ đoạn đều tinh vi. Và càng tinh vi thì hậu quả để lại càng tiêu cực, minh chứng là xăng giả đang bị nghi là thủ phạm của hàng chục vụ cháy xe máy trong thời gian gần đây.
Tiến sĩ Hòa Bình cho biết, thói kinh doanh, buôn bán bằng mọi giá bất chấp sức khỏe con người, đánh vào lòng tin, đánh vào uy tín của thương hiệu tinh vi này xuất hiện do chịu sự ảnh hưởng của chiến lược kinh doanh từ ngoại bang mà ở đây cụ thể là Trung Quốc. Tuy nhiên dẫu có chịu sự ảnh hưởng từ đâu đi chăng nữa thì những cá nhân, tổ chức làm ăn gian dối, thậm chí là băng hoại đạo đức như vậy đều cần phải lên án.
"Chúng ta có thể nói rằng nó chịu ảnh hưởng từ nước ngoài nhưng vẫn rất đáng lên án bởi vì trong cùng một hoàn cảnh như nhau nhưng không phải tiểu thương nào, nhà buôn nào, tổ hợp kinh doanh nào người ta cũng vồ vập, người ta cũng đón nhận những thực phẩm giả, công nghệ giả tạo ra sản phẩm tệ hại như vậy để kiếm lời, mặc dù là có thể thực hiện một cách công phu, một cách tinh vi có thể qua mắt được thiên hạ. Các cá nhân cũng như các tổ chức gian lận thì phải chịu trách nhiệm chứ không phải là viện dẫn chuyện tiếp thu từ bên ngoài, do các tổ chức bên ngoài thao túng vì cuối cùng nó vẫn phải qua bộ lọc của mình", TS Hòa Bình lên tiếng.
Tiến sĩ Hòa Bình cho biết, những hành vi gian dối này xuất phát từ những động cơ vị kỷ thấp hèn để kiếm lợi nhuận bằng mọi giá. Nó có tính độc lập tương đối với sự nghèo nàn, thiếu hụt về mặt thông tin của người tiêu dùng. "Rõ ràng là trong điều kiện người ta thiếu hiểu biết, thiếu các phương tiện kiểm chứng thì đó là miếng đất màu mỡ để cái thói làm ăn buôn bán lận có điều kiện nảy nở thêm", TS Hòa Bình nói.
"Trong xã hội hiện đại ngày nay, kẻ xấu kẻ ác đã vận dụng tri thức bậc cao, vận dụng cả những kiến thức về khoa học công nghệ để lừa bịp, tức là càng ngày nó càng tinh vi. Cho nên bên cạnh việc truyền thông, trang bị những kỹ năng cần thiết cho người tiêu dùng để phát hiện ra hàng rởm, hàng giả thì cái quan trọng nhất là phải xây dựng được tỉ mỉ hơn, chi tiết hơn những điều khoản về mặt luật lệ có thể kiểm soát được toàn diện hơn, bao quát hơn những tình trạng nêu trên", TS Hòa Bình gợi ý.
Người tiêu dùng cần chủ động bảo vệ mình Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam, trả lời trên báo VOV rằng, để bảo vệ NTD, không chỉ cần sự nỗ lực hơn nữa của các cơ quan quản lý nhà nước, sự vào cuộc của các tổ chức xã hội và sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng, mà quan trọng nhất và cơ bản nhất chính là ý thức tự bảo vệ của NTD. Trước hết, NTD phải tự trang bị kiến thức để biết khi nào quyền lợi của mình bị xâm phạm. Đồng thời, NTD phải có ý thức tránh xa những hàng hóa, dịch vụ mà mình nhận thức được nó không đảm bảo và phải có ý thức bảo vệ cộng đồng. Thông thường, khi NTD đối mặt với những vụ việc vi phạm quyền lợi của mình họ thường im lặng hoặc không tiếp tục sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó nữa. Nhưng họ quên rằng, bên cạnh họ còn rất nhiều những hàng hóa và NTD khác nữa. Có thể những NTD khác không đủ khả năng nhận biết như họ thì sự lên tiếng hỗ trợ cộng đồng hoặc báo các cơ quan chức năng là rất quan trọng. Đây là một kênh để các cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ lợi ích không chỉ cho cá nhân NTD nào đó mà còn bảo vệ lợi ích cho xã hội, bảo vệ uy tín, thương hiệu cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. |