Trong xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề gắn với nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho lao động nông thôn không chỉ là việc trang bị kiến thức, kỹ năng mà còn tạo cơ hội để họ vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thích ứng với cuộc cách mạng 4.0.
Năm 2023, các địa phương của tỉnh Long An triển khai 148 lớp đào tạo nghề cho 4.101 lao động nông thôn. 6 tháng đầu năm 2024, các địa phương tiếp tục mở 86 lớp đào tạo nghề cho 2.617 lao động nông thôn, tập trung ở nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Trong đó, có nghề trồng lúa, rau, chanh ứng dụng công nghệ cao; các nghề phi nông nghiệp như nấu ăn, làm rau câu 3D, trang điểm, vận hành sửa chữa máy,...
Thông qua các lớp đào tạo ngắn hạn, tỉnh Long An cũng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho lao động nông thôn về chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào hoạt động quản lý, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản… góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, người học còn được trang bị thêm kỹ năng mềm như an toàn lao động và khởi nghiệp...
Theo ông Nguyễn Đại Tánh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua cơ bản đáp ứng nhu cầu người học, gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đa số học viên sau học nghề đều áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, nuôi trồng đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Một số bộ phận lao động nông thôn tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, là nòng cốt trong các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi, tổ Hội Nông dân, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở nông thôn. Công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới được thúc đẩy mạnh mẽ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mộc Hóa phối hợp Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức 7 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn về kỹ thuật trồng mít, dưa hấu, trồng lúa ứng dụng công nghệ cao, nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao và một số kỹ thuật trồng rau mầu theo hướng sinh học. Tổng số học viên tham gia các lớp nghề là 192 người.
Trước đây, anh Lữ Hữu Lộc ở thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa chủ yếu trồng lúa, thu nhập bấp bênh. Sau khi tham dự các khóa học nghề ngắn hạn do huyện tổ chức, với kiến thức được học, anh canh tác 4.500m2 dưa leo, bí, khổ qua và một số loại rau, cây ăn trái theo hướng hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt…
Anh Lộc đã biết xử lý đất, lựa chọn phân bón phù hợp, ứng dụng máy móc nông nghiệp, cách phòng trừ sâu, bệnh. Đồng thời, anh còn thử nghiệm sử dụng app theo dõi sinh trưởng, phát triển của cây, tạo ra sản phẩm rau trái chất lượng, an toàn và giảm bớt được nhân công lao động. Ngoài ra, anh tự mở rộng kiến thức nông nghiệp thông qua giáo viên nông nghiệp trên các trang dạy học trực tuyến…
Đến nay, mỗi tháng anh Lộc thu nhập khoảng 20 triệu đồng, đời sống gia đình ngày càng khấm khá. Để giúp mọi người cùng phát triển, anh còn lập nhóm Zalo chia sẻ kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật, thành viên tham gia không chỉ ở nơi anh sống mà còn ở xã lân cận.
“Trong giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt gắn với chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng. Bên cạnh nâng cao nhận thức, mở rộng khả năng kết nối giao thương, chuyển đổi số thực sự là giải pháp tốt cho nông nghiệp”, anh nói.
Thị xã Kiến Tường là địa phương có nhiều hoạt động đào tạo nghề hiệu quả cho lao động nông thôn của huyện Mộc Hóa. Từ đầu năm đến nay, thị xã đã tổ chức được 10 lớp, trong đó có 3 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp kỹ thuật làm rau câu 3D với 75 học viên, kinh phí hơn 72 triệu đồng. Về đào tạo nghề nông nghiệp, thị xã tổ chức 7 lớp cho 165 học viên học các nghề như kỹ thuật trồng mai vàng, mai chiếu thủy; trồng rau ứng dụng công nghệ cao; nuôi bò ứng dụng công nghệ cao; kỹ thuật nuôi ếch... với kinh phí hơn 149 triệu đồng.
Một trong những lớp học được đánh giá cao là kỹ thuật làm rau câu 3D. Chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1982), ngụ khu phố 2, phường 2, thị xã Kiến Tường trước đây chỉ làm công việc nội trợ và nhận may vá tại nhà với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Nhờ những kiến thức tiếp thu được, chị cùng các chị em trong khu phố đã thành lập một nhóm trên mạng xã hội làm rau câu phục vụ các sự kiện, lễ, tiệc. Qua thời gian triển khai, quảng cáo trực tiếp và trên nền tảng trực tuyến, nhóm của chị Hồng được nhiều người biết đến, đặt hàng thường xuyên, thu nhập của chị em trong nhóm cũng tăng cao.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2024, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Long An sẽ đào tạo nghề cho 3.900 lao động nông thôn và bảo đảm có việc làm sau đào tạo hơn 80%. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục phối hợp các cơ quan truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng; liên kết giữa các phòng, ban cấp huyện và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tổ chức các lớp đào tạo phù hợp với nhu cầu của địa phương.