Dưới đây là đáp án trắc nghiệm "Vị trạng nguyên có mối tình được người đời ca ngợi là ai?".
Câu 1. Trong 49 vị trạng nguyên của Việt Nam, có bốn người được xưng tặng là "Lưỡng quốc Trạng nguyên". Tuy nhiên, “Lưỡng quốc Thám hoa” chỉ duy nhất có 1 người. Ông là ai?
Đáp án chính xác là Phan Kính.
Phan Kính sinh năm Ất Mùi (1715-1761) tại quê nghèo hiếu học Vĩnh Gia, xã Lai Thạch, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay là xã Song Lộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
Năm 1743, trong kỳ thi Đình do đích thân Vua Lê Cảnh Hưng ra đề, ông đỗ “Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ danh” – tức là đỗ đầu khoa thi với danh vị Thám hoa. Nguyên do vì Vua Lê đã lệnh không lấy danh vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, nên Phan Kính chỉ đỗ Thám hoa mà cũng được coi như là người đứng đầu kỳ thi.
Trong những năm 1758–1761, trên cương vị Đốc đồng xứ Tuyên Quang kiêm tham mưu nhung vụ đạo Hưng Hóa, nhiều lần ông đã thương thuyết với nhà Thanh, cho dựng lại cột mốc biên giới, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ trên đất liền. Khâm phục tài năng, đức độ của Phan Kính, Vua Càn Long đã tặng cho ông “Lưỡng quốc đình nguyên Thám hoa”, ban tặng áo cẩm bào vương triều có thêu chữ “ Thiên triều đặc tứ, Bắc Đẩu dị nam, nhất nhân di nhĩ” (Thiên triều đặc cách, phía nam Bắc Đẩu, chỉ có một người thôi).
Năm 1761, giữa lúc tài năng của Ông đã nở rộ nhất thì cái chết đột ngột đã để lại sự tiếc thương vô vàn của nhân dân.
Câu 2. Người Việt duy nhất được quân Minh làm lễ tế trang trọng là vị nào?
Đán án chính xác là Hồ Nguyên Trừng.
Sử sách nhà Minh ghi lại, coi Ông là “Thần cơ thương pháo”, triều đình nhà Minh tôn vinh là “thần hỏa khí”, coi trọng Ông như một trong những sứ giả thánh thần của binh pháp. Sau này, trong các ngày lễ tế hoặc trước khi bắn đại bác, quân Minh đều phải cúng tế Thần Công, và sau nghi thức ấy là lễ tế sứ giả của thần thánh, tức chính là lễ tế Hồ Nguyên Trừng.
Câu 3. Theo dân gian, có vị trạng nguyên đi sứ 10 năm vợ ở nhà vẫn chờ đợi. Người có mối tình được người đời ca ngợi là…
Đáp án chính xác là Tống Trân.
Tục truyền, vào thời tiền Lý ở xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ) có nhà họ Tống tên là Thiện Công dòng dõi thi thư, nghèo túng nhưng rất khoan hòa nhân đức, sinh được một cậu con trai khôi ngô, đặt tên là Tống Trân.
Tống Trân lên 5 tuổi đi học, học một biết mười, thiên văn địa lý đều tinh thông. Năm 7 tuổi, Tống Trân vào kinh ứng thi, cả ba kì thi đều được hạng ưu, đỗ thủ khoa. Vua khen là “Quốc sĩ tướng tài trong nước chỉ có một mình Tống Trân không ai sánh được”.
Sau khi vinh quy, Tống Trân kết duyên với Cúc Hoa, người xã Phù Anh cùng huyện. Cưới được 3 tháng, vua sai Tống Trân đi sứ Trung Quốc. Qua nhiều lần thử tài văn chương, võ nghệ, vua Tàu càng khâm phục phong là “Lưỡng quốc trạng nguyên”.
Mười năm đi sứ, khi Tống Trân trở về thì Cúc Hoa đã bị ép lấy chồng khác. Tống Trân giả dạng tìm đến dò la ý tứ, biết vợ vẫn chung thủy với mình, Tống Trân đón nàng về, vợ chồng đoàn tụ. Nhà vua biết chuyện cảm động phong cho Cúc Hoa là Quận phu nhân. Còn Tống Trân sau làm Phụ chính đại nhẫn”.
Làm quan đến ngoài 60 tuổi, Tống Trân dâng biểu xin về, mở trường dạy học tại quê nhà, được 5 năm thì mất. Vua thương tiếc phong sắc “Thượng đẳng phúc thần”, sau lại gia phong “Thượng đẳng tối linh phụ quốc thượng tể đẩu Nam song toán Tống đại vương”, và truyền cho dân làng lập đền thờ. Ở làng An Cầu hiện còn đền thờ Tống Trân.
Người đời sau đã viết truyện Tống Trân - Cúc Hoa, một tác phẩm thơ Nôm dân gian nổi tiếng, ca ngợi tài đức, tình yêu và lòng chung thủy của Tống Trân- Cúc Hoa. Có người còn làm câu đối về Tống Trân, dịch nghĩa như sau:
Tám tuổi đỗ Trạng Nam, đã nổi tài sanh vàng đất Việt
'Mười năm sang sứ Bắc, lại đem vận sự dõi đời sau'
Hiện nay, tại Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên) còn tấm bia ghi tên Tống Trân, bia này được lập vào cuối triều Nguyễn.
Câu 4. Vị trạng nguyên nào nổi tiếng nhờ bài văn về kế sách trị quốc, chống tham nhũng?
Đán án chính xác là Vũ Kiệt.
Trong số những người đỗ Trạng nguyên dưới thời Lê Thánh Tông, nổi tiếng có Vũ Kiệt (1453-?), ông là Trạng nguyên thứ 4 của nhà Hậu Lê và là Trạng nguyên đứng thứ 13 trong danh sách các vị Trạng nguyên của nước ta.
Theo sử liệu, Vũ Kiệt quê ở làng Cửu Yên, xã Yên Việt, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Cửu Yên thuộc xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn (1472) đời Lê Thánh Tông. Do ngôi làng quê ông có tên Nôm là làng Vít nên dân gian quen gọi Vũ Kiệt là Trạng Vít (Trạng làng Vít).
Ngày mồng 7 tháng 4 năm Nhâm Thìn (1472), tại kỳ thi Đình, vua Lê Thánh Tông ra đề thi hỏi về sách lược đế vương trị nước. Bài văn sách thi Đình của Vũ Kiệt được chấm xuất sắc và được triều đình coi như một kiệt tác nói về sách lược để trị nước, an dân và bài văn sách được lưu truyền làm mẫu mực cho các sĩ tử sau này học tập.
Như về vấn đề giáo dục để đào tạo và sử dụng nhân tài, ông cho rằng: “Thầy nghiêm thì việc học đạo mời được tôn kính. Tâm thuật đã mất trước khi làm quan rồi, thì sau khi ra làm quan còn làm sao có được cái tiết tháo và phong độ.
Cái thói quen bị kẻ sĩ buông trôi theo dòng tục lệ như thế, thì còn gì khi họ đạt được danh vị ở triều đình, nên ít người chịu theo lễ nghĩa”.
Vũ Kiệt vạch ra thói hư của quan lại và nhấn mạnh “sự thành bại của quốc gia là xuất phát từ sự trung thực hay gian tà của các quan”.
Để khắc phục những thói hư tật xấu, ông đề xuất như sau: “Thần mong bệ hạ hãy tuyển chọn những người công minh trong sạch và ngay thẳng, lấy danh vị trao cho trọng trách. Ra lệnh cho quan ngự sử kiểm soát, khích lệ biểu dương để thấy được những quan liêm khiết của họ.
Ông quan nào thuộc hạng ô lại và cũng lấy việc ấy để nêu cái ô nhục của họ để điều trần, tâu lệnh chính xác rõ ràng. Nếu quả thực họ là người liêm khiết thì ân thưởng, ưu đãi và quan trưởng cũng được ban thưởng.
Nếu quả thực họ là kẻ tham ô thì hình phạt không tha thứ và quan trưởng cũng tuỳ theo đó mà xử phạt. Làm như vậy thì con người sẽ tốt lên, thói tham sẽ ngăn chặn được. Quan lại thất đức, việc ăn hối lộ được đưa ra ánh sáng thì thói tham lam không thể phát triển mãi được”…
Tên tuổi của ông không chỉ được khắc trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long mà còn được khắc trên bia đá dựng ở Văn Miếu Bắc Ninh.
Câu 5. Trong 4 vị lưỡng quốc trạng nguyên, có một vị khi đi sứ sang Trung Quốc đã trả lời một câu đố được mệnh danh là “câu đố chết người”. Đó là vị nào?
Đán án chính xác là Mạc Đĩnh Chi.
Năm 1308 đời vua Trần Anh Tông, Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, mừng vua Nguyên Vũ Tông mới lên ngôi [a]. Đó là lúc mới 20 năm sau chiến tranh chống quân Nguyên thứ 3 (1287-1288), sứ bộ bị nắn gân cốt rất mạnh.
Tuy nhiên trong hoạt động bang giao ông đã tỏ rõ khí phách và tài năng của mình. Hoạt động và tài năng văn chương của ông đã để lại nhiều giai thoại nổi tiếng.
Sau đó năm Nhâm Tuất (1322) ông đi sứ lần 2.
Khi sứ bộ bái biệt vua Nguyên để về nước, thì họ ra câu đố hiểm hóc: "Có một chiếc thuyền, trong đó có vua, thầy học, và cha mình (quân, sư, phụ) bơi đến giữa sông chẳng may gặp sóng lớn đắm thuyền. Khi ấy ngươi ở trên bờ ra cứu, nhưng chỉ có thể cứu được một người thôi, thế thì ngươi cứu ai?".
Vào thời kỳ đó, trả lời sai sẽ bị tội phanh thây, chém đầu hoặc lưu giữ lại, dẫn đến nước Việt mất nhân tài. Nhưng ông đã trả lời:
"Thần đứng trên bờ, thấy thuyền bị đắm, tất phải vội vã nhẩy xuống sông bơi ra cứu, hễ thần gặp ai trước thì thần cứu người ấy trước, bất kể người ấy là vua, thầy học hay cha mình".
Cuối cùng ông được ra về.
Phương Chi