Từ đầu năm 2023, các nhà thầu thi công cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết -  Vĩnh Hảo chỉ hoạt động cầm chừng do thiếu hơn 1,5 triệu m3 đất đắp nền. Đây là trong những công trình giao thông trọng điểm phía Nam buộc phải hoàn thành trước ngày 30/4.

Hiện tuyến chính của 2 công trình đạt hơn 90% khối lượng, nhưng các hạng mục đường dẫn, đường gom dân sinh ngổn ngang vì thiếu nguồn vật liệu.

Nhà thầu “chạy đua” với thời gian để kịp hoàn thành tiến độ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Ảnh: H.A

Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo dài hơn 100km với 6 làn xe, công trình này đang thiếu khoảng 920.000m3 đất đắp nền khiến máy móc, thiết bị, nhân lực không thể thi công.

Ông Phạm Quốc Huy, giám đốc điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, Bộ GTVT cùng các bên liên quan đang kiến nghị trình Chính phủ rút ngắn các thủ tục cho phép cấp lại các mỏ đất đắp, tạo điều kiện để nhà thầu thi công trở lại.

Trong khi đó, ông Phan Văn Đăng, Phó chủ tịch UBND Bình Thuận cho biết, Chính phủ đã có nghị quyết cho cấp lại khai thác các mỏ ở Bình Thuận, cho phép các nhà thầu tiếp tục khai thác ngay các mỏ vật liệu cung cấp cho dự án theo trữ lượng ghi trong giấy phép đã cấp. Sau khi kết thúc, yêu cầu các nhà thầu thực hiện thủ tục đóng mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, bàn giao đất cho địa phương quản lý.

Tương tự, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài gần khoảng 99km cũng đang thiếu hơn 620.000m3 để phục vụ thi công các hạng mục đường song hành, đường gom dân sinh và đường dẫn các đầu cầu vượt.

Các công nhân đang thi công đất đắp trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Ảnh: H.A

Theo Giám đốc điều hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây Đặng Hùng Thái, nhà thầu đã được phép tận thu lại nguồn vật liệu tại các vị trí hạ cốt nền trên đất nông nghiệp do tỉnh Đồng Nai cấp trước đây để san lấp hoàn thiện dự án. Việc cho phép khai thác trở lại, các đơn vị thi công sẽ nỗ lực tối đa ngày lẫn đêm với hy vọng bắt kịp lại tiến độ.

Phó chủ tịch UBND Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho hay, Đồng Nai chấp thuận gia hạn 4 dự án cải tạo đất nông nghiệp (thuộc huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ) kết hợp thu hồi vật liệu san lấp chỉ để phục vụ xây dựng cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Cho phép các nhà thầu tiếp tục khai thác ngay các mỏ vật liệu

Ngày 7/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2023. Theo đó, đối với 6 mỏ đất đắp đã được cấp cho các nhà thầu thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã hết hạn giấy phép, không đủ điều kiện gia hạn. 

Chính phủ đã đồng ý cho phép UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đất đắp cho nhà thầu đã khai thác trước đó trên cơ sở trữ lượng khoáng sản còn lại và hồ sơ, tài liệu hiện có (không phải lập lại dự án đầu tư, không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường). 

Đồng thời, Chính phủ cũng giao tỉnh yêu cầu nhà thầu điều chỉnh tiến độ dự án đầu tư khai thác khoáng sản cho phù hợp với thời gian cấp lại giấy phép. 

 Đã giải quyết tình trạng thiếu đất đắp cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: LĐO

Tuy nhiên, theo ý kiến của UBND tỉnh Bình Thuận tại Công văn số 812/UBND-KT ngày 15/3, việc cấp lại các giấy phép nêu trên vẫn có những khó khăn, vướng mắc, không thể kịp tiến độ như yêu cầu.

Để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, Chính phủ thống nhất các mỏ được cấp về áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam (đã khởi công và sắp khởi công) đã hết hạn khai thác nhưng còn trữ lượng. 

Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận căn cứ chỉ đạo của Chính phủ quyết định cho phép các nhà thầu tiếp tục khai thác ngay các mỏ vật liệu cung cấp cho Dự án theo trữ lượng ghi trong Giấy phép đã cấp.

Công suất khai thác và địa chỉ sử dụng khoáng sản thực hiện theo nội dung Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ. Sau khi kết thúc khai thác, yêu cầu các nhà thầu thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, bàn giao đất cho địa phương quản lý theo quy định.

Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu bổ sung Luật Khoáng sản để đáp ứng các vấn đề thực tiễn đang phát sinh trong thời gian tới.