Châu Âu có những bước đi đầu tiên
Trong cuộc họp vừa diễn ra hôm 9/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ nhưng cho biết sẽ nâng lãi suất bắt đầu từ tháng 7. ECB thừa nhận ý định nâng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 7, đồng thời để ngỏ khả năng nâng lãi suất mạnh hơn (có thể là 5 điểm phần trăm) vào tháng 9 trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục, nhiều nước ghi nhận mức tăng 2 con số.
Như vậy, đây sẽ là lần nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ của ECB và ngân hàng này cũng sẽ chấm dứt chương trình mua tài sản quy mô lớn vào ngày 1/7.
“Nếu triển vọng lạm phát trung hạn duy trì ở mức hiện tại hoặc xấu hơn thì việc nâng lãi suất mạnh hơn vào tháng 9/2022 sẽ hợp lý”, ECB cho biết trong tuyên bố sau cuộc họp chính sách thường kỳ.
Hội đồng Thống đốc ECB cũng thông báo sẽ “nâng lãi suất dần dần nhưng kéo dài”.
Theo lộ trình này, lãi suất cơ bản của khu vực sẽ tăng ít nhất lên mức 0% vào cuối quý III/2022, từ mức -0,5% hiện tại. Kỷ nguyên lãi suất âm kéo dài 8 năm qua sẽ chấm dứt và nó cũng đánh dấu sự kết thúc của nhiều năm thực hiện kích thích kinh tế của ECB.
Kế hoạch tăng lãi suất của ECB chậm hơn khá nhiều so với thế giới. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hai lần tăng lãi suất, tổng cộng 75 điểm phần trăm, với lần tăng đầu tiên là vào tháng 3.
Trên thế giới, hơn 60 ngân hàng trung ương các nước đã nâng lãi suất trong năm 2022 để chống lại lạm phát.
Trong một tuyên bố gần đây hôm 7/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận tình trạng lạm phát ở Mỹ không phải “tạm thời” mà còn kéo dài và ở mức cao. Ông cho rằng, giảm lạm phát nên là ưu tiên số một của nước Mỹ.
Nước Mỹ không chỉ đối mặt với nguy cơ lạm phát cao, mà còn đối mặt với khả năng đình đốn.
Hôm 7/6, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 xuống còn 2,9%, so với mức dự báo 4,1% được chính tổ chức này đưa ra hồi tháng 1/2022; đồng thời cảnh báo nhiều quốc gia có thể rơi vào suy thoái khi nền kinh tế các nước rơi vào tình trạng lạm phát đình đốn (stagflation) giống như thời thập niên 70.
Theo WB, cuộc chiến Nga-Ukraine và đà tăng giá hàng hóa kéo đã giáng một đòn vào các nền kinh tế vốn đã suy yếu vì đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, những đợt phong tỏa tại Trung Quốc do Covid và hiện tượng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đang cản trở đà tăng trưởng. WB cảnh báo nhiều quốc gia sẽ khó tránh khỏi suy thoái.
Thị trường tài chính chao đảo
Thị trường tài chính thế giới từ đầu năm tới nay liên tục chao đảo. Chứng khoán Mỹ cũng như nhiều nơi trên thế giới suy giảm mạnh.
Lãi suất tăng và triển vọng suy giảm khiến các cổ phiếu công nghệ tụt giảm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng như chỉ số tầm rộng S&P 500 rơi vào vùng thị trường xuống, sau khi giảm hơn 20%. Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng mất giá mạnh.
Trong phiên giao dịch đêm qua (rạng sáng 10/6 giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones giảm gần 640 điểm do giới đầu tư chờ báo cáo lạm phát. Giới đầu tư tiếp tục lo ngại về tình trạng nền kinh tế Mỹ.
Chỉ số S&P 500 giảm gần 2,4%, trong khi Nasdaq Composite giảm 2,75%. Cổ phiếu Meta Platforms (Facebook) giảm hơn 6,4%; Amazon giảm hơn 4%; Boeing giảm hơn 4%.
Các nhà đầu tư đang tìm xem liệu lạm phát đã đạt định chưa hay Fed cần phải quyết liệt hơn nữa để hạ nhiệt đà tăng giá cả.
Việc giá cả năng lượng tăng cao, trong đó giá dầu thô đã vượt ngưỡng 120 USD/thùng, cũng khiến cho hoạt động bán tháo trở nên mạnh hơn.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng nước Mỹ có thể đối mặt với tình trạng lạm phát cao và kéo dài, tiếp tục đặt mức 6,3% cho năm 2023. Lạm phát tại Mỹ hiện ở mức cao kỷ lục, giá tiêu dùng tăng vọt 8,2-8,5% (so với cùng kỳ) trong vài tháng qua.
Ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia đánh giá, lạm phát đã gần đạt đỉnh và các NHTƯ đang phạm phải sai lầm lớn khi tăng lãi suất. Cú sốc về giá hàng hóa tăng mạnh sẽ sớm chấm dứt bởi các điểm tắc nghẽn trên chuỗi cung ứng sớm được giải quyết và giá năng lượng sẽ ổn định trở lại.
Morgan Stanley cảnh báo nguy cơ dư thừa hàng tồn kho đang ngày càng tăng lên. Người tiêu dùng thận trọng với kịch bản tăng lãi suất, qua đó có thể khiến cung vượt cầu và tạo ra áp lực giảm giá.
Trên Bloomberg, chuyên gia của Oxford Economics dự báo đến giữa năm 2023, giá nhiên liệu và năng lượng sẽ giảm 10-15% so với 1 năm trước.
Tại Việt Nam, giá cả hàng hóa có xu hướng tăng lên nhanh do giá xăng dầu và một số hàng hóa đầu vào tăng mạnh. Tuy nhiên, mức tăng giá chung ở mức thấp hơn nhiều so với thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng, CPI bình quân của cả nước tăng 2,25%.
Việt Nam gần đây có dấu hiệu thắt chặt tiền tệ với tín dụng được kiểm soát chặt hơn, lãi suất có xu hướng tăng và tiền thông qua các kênh như trái phiếu vào thị trường bất động sản ít đi. Dù vậy, mức tăng lạm phát hiện tại không quá cao. Đây là yếu tố có thể giúp Việt Nam tiếp tục theo đuổi mục tiêu hồi phục kinh tế, vực lại tăng trưởng.
M. Hà