- "Đất Hà Nội đắt hơn Tokyo, Paris, quản lý thế này rất nguy. Hoặc quản lý khoáng sản, chúng ta nghèo phải bán khoáng sản thô nhưng phải nghĩ đến con cháu", Thủ tướng nói.


Kết thúc một ngày rưỡi làm việc với các tỉnh và bộ, ngành, hôm nay, Thủ tướng đã nêu nhiều giải pháp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội 2011.

"Tôi đã tự phê bình về quản lý rừng"

Trọn buổi làm việc sáng, lãnh đạo 13 tỉnh thành đã trình bày những khó khăn, thách thức và sau đó nghe Thủ tướng Chính phủ đưa ra định hướng cho năm 2011.

Nhìn lại năm cũ, người đứng đầu Chính phủ cho rằng "ta đã đương đầu vượt qua rất nhiều thách thức khó khăn". Thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp, sự chống phá của các thế lực thù địch rồi hạn chế yếu kém trong quản lý điều hành.

"Không quá lạc quan, không tô hồng, nhưng về cơ bản chúng ta đã thực hiện tốt mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản bảo đảm, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, đạt mức độ tăng trưởng cao (6,8%), nếu trong khu vực chỉ sau Trung Quốc. Tổng đầu tư toàn xã hội đạt 41% so với GDP", Thủ tướng nói.

Mặ khác, việc làm và an sinh xã hội được cải thiện. Chủ quyền quốc gia được giữ vững.

Thủ tướng: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, tạo cơ chế cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi nhưng phải quản lý chặt chẽ hơn. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Đánh giá cao nỗ lực các tỉnh thành và bộ ngành, song, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý một số điểm nghẽn. Chẳng hạn, kinh tế xã hội, kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lãi suất ngân hàng cao, năng suất hiệu quả kinh doanh thấp, cơ cấu chuyển dịch chậm. Nhiều bức xúc về xã hội chưa được giải quyết rốt ráo như tội phạm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội.

Hiệu lực hiệu quả quản lý của Chính phủ và chính quyền các cấp còn nhiều vấn đề gây thất thoát chẳng hạn quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, rừng.

"Tôi đã tự phê bình trước Bộ Chính trị vì quản lý rừng chưa thành công", Thủ tướng cho hay.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa tốt, trong khi đó các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài liên tục khai lỗ trốn thuế nhưng vẫn liên tục "nở rộ".

Các lĩnh vực khác như xây dựng, đầu tư, hiệu lực cũng chưa cao, còn đầu tư và nhều lĩnh vực tiêu tốn năng lượng.

Thủ tướng dẫn chứng, ta xuất khẩu thép gần 1 tỷ USD nhưng thực chất nhà đầu tư tranh thủ lấy đất đai, giá điện rẻ nhập phôi đem đi cán để xuất khẩu. Lại có những nhà máy thép sử dụng  tới hơn 50% sản lượng điện của tỉnh.

Trước đó, nhiều tỉnh thành kêu khổ vì thiếu điện. Không đủ điện thì không thể đảm bảo sản xuất, an sinh xã hội.

Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố được ưu tiên 14,5 tỷ kW nhưng thực chất cần tới 17 tỷ kW. Đành phải dùng tiết kiệm, nhưng vẫn mong Chính phủ lưu tâm giải quyết.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung phân trần, mỗi lần đi kêu gọi đối tác đầu tư, sợ nhất là phải trả lời câu hỏi về điện đóm.

"5 năm tới, miền Đông Nam Bộ thu hút đầu tư được nhiều hay không phụ thuộc vào điện. Mong Chính phủ cho một số tỉnh, trong đó có Bình Dương xây nhà máy sản xuất điện", ông Cung đề đạt.

Ngân hàng không chạy theo lãi suất

Tiếp thu ý kiến các tỉnh thành, Thủ tướng đã nêu ra một số giải pháp để gỡ những "nút thắt" trên, với nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn.

Trước hết, cả nước phải ra tay tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện đồng bộ biện pháp kiểm soát lạm phát, hạ lãi suất.

Thủ tướng cho rằng, phải bằng công cụ lãi suất để kéo giá cả xuống, không phải coi giá cả thế nào để ngân hàng hoạt động, nhiệm vụ ngân hàng chính là kéo lãi suất xuống chứ không phải chạy theo lãi suất. Năm nay theo báo cáo tất cả các ngân hàng đều lãi cao, đây là nhiệm vụ chính trị.

"Bước vào năm tới lãi suất thế này thì gay go quá. Chính phủ đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP 7,5%, nhưng lãi suất cao thì sao tăng trưởng đạt mục tiêu, càng không thể nói đến an sinh xã hội. Đồng ý là lãi suất phải thực dương nhưng phải kéo xuống. Đó là nhiệm vụ chính trị của Ngân hàng, Thủ tướng không thể làm thay", Thủ tướng nói.

Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2011 vẫn chưa hết khó khăn thách thức. Phải quan tâm đến thể chế, cơ chế quản lý điều hành tập trung vào quản lý đất đai, khoáng sản rừng.

"Đất Hà Nội đắt hơn Tokyo, Paris, quản lý thế này rất nguy. Hoặc quản lý khoáng sản, chúng ta nghèo phải bán khoáng sản thô nhưng phải nghĩ đến con cháu", Thủ tướng nói.

Rà soát để quản lý cơ chế để quản lý doanh nghiệp tốt hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, tạo cơ chế cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi nhưng phải quản lý chặt chẽ hơn.

Đặc biệt, phải kiểm soát ô nhiễm môi trường. "Các dòng sông đen ngòm hết rồi, có mấy hệ thống sông lớn đều báo động hết về ô nhiễm", Thủ tướng tâm tư.

Người đứng đầu Chính phủ cũng kêu gọi phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lĩnh vực và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Tới đây, Chính phủ sẽ đánh giá lại hoạt động toàn bộ nhiệm kỳ. Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2011 cũng sẽ được ban hành trong vài ngày tới.

  • Lê Nhung