Quy hoạch đẩy giá đất lên gấp mấy chục lần

Giá đất tại trung tâm Đà Lạt những ngày qua liên tục tăng đột biến. Có những khu đất tháng trước chỉ khoảng 300 triệu đồng/m2 nhưng nay đã tăng lên 1 tỉ đồng/m2. Diễn biến bất thường trên được cho là có liên quan tới việc UBND TP Đà Lạt công bố quyết định “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt”, ngày 15/3/2019 vừa qua.

Sau khi quyết định trên được công bố, giá đất toàn khu Đà Lạt đều đồng loạt tăng cao. Những khu trung tâm giá tăng lên hàng chục triệu, hàng trăm triệu mỗi m2 theo từng ngày. Nhiều vị trí đất đắc địa nhiều người vừa mua xong liền sang nhượng lại đã lời vài chục tỉ đồng.

Nhận định về  hiện tượng trên, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng đó là hiện tượng bất thường.

"Không thể nào tin được ở đâu làm quy hoạch mà giá đất lại bị đẩy lên gấp mấy chục lần (từ 300 triệu/m2 lên tới 1 tỷ/m2) như Đà Lạt", ông Hòa nói.

{keywords}
Những khu vực quanh chợ Đà Lạt đều đồng loạt tăng giá kỷ lục. Ảnh: Dân Trí

Theo vị đại biểu, hiện tượng giá đất tăng cao bất thường của Đà Lạt có thể đặt ra hai giả thiết:

Thứ nhất, ông cho rằng, Việt Nam có rất nhiều người giàu nhưng với số tiền lên tới 1 tỷ/m2 thì những người có nhu cầu thực sự cũng chưa chắc đã muốn mua.

"Chỉ tính qua một ngôi nhà khoảng 100m2 mua với giá 1 tỷ đồng/m2 thì số tiền đã lên tới bao nhiêu? Liệu có được bao nhiêu người có đủ giàu có, đủ tiền bạc để mua đất ở đây?", ông Hòa hỏi.

Vì thế, trong trường hợp thứ nhất ông Hòa cho rằng có khả năng là chiêu tung tin, đánh lạc hướng dư luận của những nhà đầu cơ buôn đất nhằm ôm trọn những lô đất vàng ở Đà Lạt.

"Nếu đúng như vậy thì đó là những ai? Động cơ là gì?", vị ĐBQH đoàn Đồng Tháp muốn làm rõ.

Thứ hai, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, có khả năng đây chiêu thổi giá của những nhà đầu cơ buôn đất nhằm tạo ra cơn sốt ảo, thu hút nhà đầu tư mới nhảy vào mua đi bán lại hưởng phần chênh lệch.

"Người dân phải hết sức tỉnh táo để tránh bị rơi vào bẫy của những cò đất, những người đầu cơ đất", vị đại biểu cảnh báo.

Trách nhiệm của địa phương

Nói về trách nhiệm của địa phương trong việc quy hoạch làm tăng giá đất, ông Phạm Văn Hòa cho rằng đó trách nhiệm giải trình, trách nhiệm tuyên truyền, công khai, minh bạch thông tin để người dân hiểu và nắm được quy hoạch.

"Nếu công tác xây đựng quy hoạch được làm tốt, đúng yêu cầu, đúng mục đích, công khai, minh bạch sẽ góp phần quan trọng trong bảo đảm sự phát triển bền vững cho nền kinh tế, xã hội của địa phương. Ngược lại, quy hoạch làm không tốt, quy hoạch bị thả nổi sẽ dẫn tới những bất ổn, gây tổn thất nặng nề cho cả nền kinh tế và xã hội.

Do đó, khi thực hiện quy hoạch các cơ quan quản lý nhà nước cần lấy ý kiến rộng rãi của nhiều tầng lớp người dân trong đó, không thể thiếu công tác tuyên truyền, phổ biến cụ thể về quy hoạch để người dân nắm được thông tin, tránh tình trạng chạy theo đất, gây sốt đất như trường hợp của Đà Lạt.

Với hiện tượng giá đất tăng đột biến tại Đà Lạt là do người dân và giới kinh doanh không có được thông tin cụ thể về quy hoạch, không biết mục đích, mục tiêu của quy hoạch đó là gì? Trách nhiệm này thuộc về địa phương.

"Việc này vô cùng nguy hiểm, những người ôm đất mua vào không bán được, tiền mất tật mang phải chấp nhận bán nhà, phá sản.

Khi đó, BĐS trở thành những quả bong bóng đất không biết sẽ vỡ lúc nào, đến lúc đó, không những sẽ gây bất ổn cho xã hội mà còn gây ra những hệ lụy khó lường với nền kinh tế địa phương.

Do đó, ngoài trách nhiệm xây dựng, quản lý quy hoạch thật tốt của chính quyền địa phương, người dân cũng phải tính táo, không chạy theo cò đất, không thấy lợi mà hoa mắt", vị đại biểu cảnh báo.

Chiêu trò quái quỷ trong cơn thổi đất sốt

Đại biểu  Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, vấn đề quy hoạch cũng là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm trên diễn đàn Quốc hội, theo đó, hầu hết đều thừa nhận quy hoạch hiện đang có vấn đề.

Để khắc phục, hạn chế được phần nào những tác động của quy hoạch tới giá đất, ông Hòa cho rằng sắp tới đây Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về quản lý sử dụng đất, quy hoạch đất đất đai sau khi tiến hành rà soát tổng thể vấn đề quy hoạch tại các đô thị, tỉnh thành và địa phương.

"Mục đích là nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những tác động, những tổn thất do quy hoạch gây ra. Đặc biệt, tình trạng quy hoạch rồi lại sửa quy hoạch, quy hoạch chạy theo nhà đầu tư, thiếu quy hoạch chi tiết, quy hoạch chỉ hướng tới lợi ích của nhà đầu tư mà bỏ qua lợi ích của xã hội, của người dân", ông Hòa nói.

(Theo Báo Đất Việt)