LTS: Ngày 30/9, tại Hải Phòng, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị đại biểu các nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất năm 2023.

Hội nghị đánh giá những thành tựu to lớn của các nhà văn lão thành đối với nền văn học Việt Nam trong 50 năm qua. Đồng thời nhằm tôn vinh các thế hệ nhà văn cả đời đi theo Đảng trên con đường giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường trên mọi mặt cũng như xây dựng một nền văn học, văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. 

VietNamNet xin giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Đăng Điệp, là góc nhìn về các nhà văn lão thành và dấu ấn của thế hệ nghệ sĩ dấn thân, nhập cuộc.

 Nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Đăng Điệp (Ảnh: Hoàng Hà).

Nhà văn, liệt sĩ Nguyễn Thi từng có quan niệm giản dị nhưng sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của các thế hệ: “Chuyện gia đình cũng dài như sông, mỗi thế hệ phải ghi vào một khúc. Rồi trăm con sông của gia đình lại đổ về một biển mà biển thì rộng lắm”, “rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta”.

Nếu Nguyễn Thi còn sống, tôi tin ông sẽ là một trong những nhà văn lão thành có mặt hôm nay để nói với chúng ta về một thời đại hào hùng mà ông và nhiều nhà văn khác đã sống và viết. Tất nhiên, câu chuyện của Nguyễn Thi không bó hẹp trong phạm vi của một gia đình mà rộng hơn là đóng góp của mỗi thế hệ cho dân tộc và nhân loại.

Chuyện nhà, chuyện đời suy cho cùng cũng là chuyện của văn chương, nghệ thuật. Mỗi thế hệ nhà văn, bằng tài năng, tâm huyết của mình sẽ góp phần tạo nên sự giàu có và trường cửu của một nền văn học. Vì thế, việc ghi nhận, tôn vinh đóng góp của mỗi thế hệ nhà văn, đặc biệt là các nhà văn lão thành là một ứng xử thấm đầy tính nhân văn, phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của văn hoá Việt.

Hầu hết các nhà văn lão thành là những người được sinh ra và trưởng thành trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Trong số họ, nhiều người từng trực tiếp cầm súng chiến đấu, có mặt ở nhiều chiến trường ác liệt, thường xuyên đối mặt với đạn bom, cái chết. Từ thực tiễn sinh động của cách mạng và kháng chiến, họ viết nên nhiều tác phẩm gây được sự chú ý của công chúng nghệ thuật.

Đóng góp nổi bật nhất của các nhà văn lão thành là họ đã cùng những nhà văn của thế hệ mình tạo nên một thời đại văn học mới khác hẳn văn học trước 1945, cả về quan niệm và thi pháp nghệ thuật. Niềm cảm hứng bao trùm trong sáng tác của họ là ngợi ca vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam trong những thời khắc hào hùng nhất của lịch sử. Nhân vật trung tâm trong văn học kháng chiến là quần chúng nhân dân lao động vươn lên làm chủ cuộc đời mới, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Vẻ đẹp ấy được thể hiện sinh động trong tác phẩm của nhiều nhà văn lão thành, trong đó, đáng chú ý là Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc xuất hiện ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc, Sống như anh của Trần Đình Vân xuất hiện vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cực kỳ ác liệt.

Về bản chất, lão thành là tên gọi mang ý nghĩa tôn xưng khi nói đến những bậc cao niên có nhiều đóng góp cho xã hội. Ngược chiều thời gian, tôi muốn nói đến một phương diện khác liên quan đến ý niệm thời gian. Đó là việc các nhà văn lão thành từng hiện diện trong đời sống văn học nghệ thuật ngay từ khi họ còn rất trẻ. Điều đó có thể nhìn thấy rõ trong thời kỳ chống Pháp. Đến giai đoạn chống Mỹ, văn học Việt Nam lại được chứng kiến sự xuất hiện của một thế hệ trẻ đầy tài năng và khát khao sáng tạo. Về thơ, đó là Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn...

Về văn xuôi là Ma Văn Kháng, Đỗ Chu... Chính họ, vào thời điểm ấy đã đem đến cho văn học nước nhà những tiếng nói mới mẻ, tươi tắn, tràn đầy niềm lạc quan. Cùng với các thế hệ đi trước, họ góp phần hoàn chỉnh mô hình nghệ sĩ - chiến sĩ và kiến tạo diễn ngôn văn học của thời đại bằng tâm thế Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy (Chế Lan Viên).

Trong điều kiện chiến tranh gian khổ, họ biết cách tạo dấu ấn riêng của thế hệ bằng quyết tâm và sự chân thành:

Không có sách chúng tôi làm ra sách

Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình

(Hữu Thỉnh)

Họ sẵn sàng từ giã cái cũ để thiết lập ý thức mỹ học mới:

Những tráng ca thuở trước

Còn hát trong sách thôi

Những thanh gươm yên ngựa

Giờ đã cũ mèm rồi

Bài ca của chúng tôi

Là bài ca ống cóng

(Thanh Thảo)

So với văn học chống Pháp, chất hùng ca trong văn học thời chống Mỹ được đẩy lên tầm mức rất cao. Đó là lý do vì sao tính sử thi và cảm hứng lãng mạn trở thành đặc điểm nổi bật của văn học giai đoạn này.

Ứng xử thông minh của các nhà văn thời kỳ kháng chiến là họ luôn biết tạo nên sự thống nhất hài hòa giữa chất hùng ca và chiều sâu trữ tình. Nhờ thế mà văn học phát huy được tối ca sức mạnh cảm hoá và cổ vũ: Em ơi em đất nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó san sẻ/ Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên đất nước muôn đời (Nguyễn Khoa Điềm).

Chưa bao giờ các biểu tượng nghệ thuật nói về sức mạnh quật khởi, truyền thống hào hùng của dân tộc được sử dụng và tái tạo nghĩa một cách linh hoạt như văn học chống Mỹ. Đó là huyền thoại về Thánh Gióng, Lạc Long Quân và Âu Cơ, về Thạch Sanh hay miếng trầu, cây đa, bến nước, sân đình...

Tìm về với văn hóa dân tộc như nguồn dưỡng chất nội sinh, các nhà văn đã thiết lập được chiến lược giao tiếp nghệ thuật hợp lý nhằm tạo nên sự cộng hưởng to lớn giữa sáng tạo và tiếp nhận. Trong cái nhìn của họ, hệ biểu tượng này mang ý nghĩa kết nối kỳ diệu giữa hiện tại và quá khứ, và từ đó mở hướng đến tương lai.

Sau 1975, đặc biệt từ sau 1986, nhiều nhà văn lão thành vẫn tiếp tục niềm đam mê sáng tạo. Đây là giai đoạn chứng kiến những đóng góp quan trọng của các nhà văn lão thành đối với tiến trình đổi mới văn học. Cùng với sự thay đổi về điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội, mỹ học sử thi trong văn học dần chuyển sang mỹ học của cái thường ngày.

Theo đó, các nhà văn cũng dần chuyển từ “bè cao” sang “giọng trầm”, quan tâm nhiều hơn đến thân phận con người trong nhiều mối quan hệ phức tạp của đời sống thời bình. Người đọc nhận thấy Hữu Thỉnh nghiêng nhiều về phía suy tưởng, suy tư, Nguyễn Duy đổi mới thi pháp lục bát và đưa thơ về gần với lối nói “xẩm ngọng” thông minh và tinh quái, Thanh Thảo tiếp tục đẩy chất trí tuệ và cấu trúc giao hưởng theo hướng cách tân...

Trong lĩnh vực văn xuôi, cùng với những nỗ lực của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, nhà văn lão thành Ma Văn Kháng tạo ấn tượng sâu sắc với Mùa lá rụng trong vườn và nhiều tự sự mới mẻ về sự đảo lộn các giá trị trong đời sống kinh tế thị trường. Đỗ Chu vừa tiếp tục thế mạnh trữ tình vừa vươn về phía “thăm thẳm” của cõi nhân sinh và chiều sâu văn hóa ...

Những đổi mới về cảm hứng, giọng điệu nghệ thuật cũng được thể hiện trong sáng tác của các nhà thơ Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng... Bên cạnh những cây bút đã khẳng định được tài năng trong thời kỳ kháng chiến là những cây bút ngày càng khẳng định được vị thế trong đời sống văn học đương đại như Lê Minh Khuê, Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh, Trần Nhuận Minh... Ở họ, tinh thần nhập cuộc luôn song hành với khát vọng đổi mới. Những nỗ lực không mệt mỏi và sự hiện diện của họ trên từng trang sách là minh chứng sinh động nhất về việc các nhà văn lão thành luôn đồng hành với các thế hệ nhà văn sinh ra và trưởng thành sau 1975.

Nói đến các nhà văn lão thành không thể không kể đến đóng góp của các nhà lý luận, phê bình văn học. Đó là những nhà lý luận, phê bình giàu kinh nghiệm, gắn bó với đời sống văn học từ thập kỷ 60 - 80 của thế kỷ trước như Hà Minh Đức, Phong Lê, Phương Lựu, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo, Trần Đình Sử, Lê Ngọc Tra, Mã Giang Lân, Nguyễn Ngọc Thiện...

Trước những yêu cầu mới của đời sống văn học, họ luôn có ý thức bám sát thực tiễn, mở rộng hệ quy chiếu, đánh giá các giá trị văn học từ tầm nhìn nhân văn, hiện đại. Nhờ nỗ lực của họ, bên cạnh việc mở rộng hướng nghiên cứu xã hội học quen thuộc là sự vận dụng sáng tạo những lý thuyết văn học mới, góp phần hiện đại hóa lý luận, phê bình văn học ở Việt Nam.

Tôi muốn nói đến ở đây những thành tựu nghiên cứu về thì pháp học, tự sự học với đóng góp quan trọng của Trần Đình Sử, phân tâm học và văn hóa học với Đỗ Lai Thúy, những công trình khoa học giàu tính phản tư và kích thích đối thoại của Lê Ngọc Trà. Trong bối cảnh khoa học xã hội và nhân văn hiện đại chú trọng đẩy mạnh hướng tiếp cận liên ngành, vẫn có thể nhìn thấy đóng góp của các nhà nghiên cứu cao niên trước những đòi hỏi hiện đại hóa lý luận, phê bình văn học như là nhu cầu đổi mới nội tại của chính họ.

Quá trình hiện đại hóa và sự mở rộng giao lưu văn hóa trong kỷ nguyên toàn cầu hóa đã làm thay đổi hệ hình tư duy và diễn ngôn văn học. Công chúng văn học đương đại cũng đòi hỏi cần phải có những thực đơn tinh thần mới. Đó là biện chứng của phát triển và là nhịp điệu tất yếu của đời sống. Các nhà văn lão thành, bằng thành tựu và kinh nghiệm nghệ thuật của mình đã trở thành tấm gương lao động nghệ thuật cho thế hệ trẻ. Họ xứng đáng được tôn vinh và ngưỡng mộ. Bởi đó là những nhà văn chân chính, cao đẹp cả về nhân cách và văn cách.

Nguyễn Đăng Điệp