PGS.TS. Trương Văn Món (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), cùng các cộng sự đã khảo sát 93 ngôi chùa ở Ninh Thuận. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng một số chùa, đặc biệt là chùa Thiền Lâm – một ngôi chùa cổ nhất ở vùng đất này còn lưu lại dấu ấn Phật giáo Champa trên cả bình diện kiến trúc xây dựng chùa và điêu khắc (trang trí, tượng thờ Phật).

{keywords}
Chùa Thiền Lâm – một ngôi chùa cổ có tuổi đời trên 200 năm

Trên bước đường khai cơ lập nghiệp, người Việt mang theo vào đất này một tài sản văn hóa tinh thần quí giá. Ngoài phong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt nơi đây còn theo đạo Phật, Công giáo, Tin Lành. Riêng Phật giáo, theo thống kê ở Ninh Thuận có khoảng gần 100 ngôi chùa lớn nhỏ, được xây dựng vào thời gian từ thế kỷ XVII-XVIII. Trong đó chùa Thiền Lâm là ngôi chùa cổ nhất ở Ninh Thuận. Hiện nay, mặc dù chùa Thiền Lâm đã được cải tạo, xây dựng lại mới nhưng căn cứ vào tư liệu, những gì khảo sát, thu thập được tại thực địa từ trước năm 2000, chúng tôi nhận thấy chùa Thiền Lâm xưa có nhiều dấu ấn Phật giáo Champa trên cả bình diện kiến trúc (phong cách, kiểu dáng, chất liệu xây dựng) và điêu khắc (hoa văn trang trí, các loại tượng thờ)…

Bên cạnh kiến trúc, chùa Thiền Lâm còn có những tác phẩm điêu khắc, kiểu trang trí hoa văn và tạc tượng thờ Phật mang dấu ấn riêng. Ở đây có thể nhận thấy ngay ở chùa Thiền Lâm có sự khác biệt với các chùa khác của người Việt ở Ninh Thuận, như phần trang trí hai con rồng chầu nguyệt trên nóc chùa cũ. Hình tượng lưỡng long này không giống như hình tượng lưỡng long chầu nguyệt ở một số chùa khác mà là có nét giống con chim trảo, chim quít (hăng) trang trí trong đám tang Chăm với những đường cong uốn khúc, những nhịp ngắt, bẻ cong ngược hướng. Rồng trang trí trên nóc chùa Thiền Lâm còn mang hình đầu rắn Naga trong điêu khắc Champa. Bên cạnh yếu tố Chăm, rồng ở chùa Thiền Lâm còn mang theo hoa văn mây, “long vũ” trong thế động, đây cũng là nét đặc trưng của rồng Việt. Nói chung, hình tượng lưỡng long ở chùa Thiền Lâm là sự kết hợp hài hòa giữa hai nghệ thuật Champa và Việt.

Trong chùa Thiền Lâm độc đáo nhất vẫn là hệ thống tượng thờ. Ngoài tượng thờ Phật Thích Ca Mâu Ni – tượng đúc mới thờ ở Chánh điện thì trong ngôi chùa hiện nay vẫn còn lưu giữ tượng Phật cổ A Di Đà và Phật Quan Âm mang dấu ấn Phật giáo Champa. Cụ thể như sau:

Phật A Di Đà: Tượng Phật có kích thước 0,43m, bằng đồng, đầu tượng hơi to so với thân mình, mái tóc hình xoắn ốc (hình nụ bèo). Đây là bộ tóc cổ truyền của Phật Ấn Độ. Mắt tượng to khép nhẹ, lông mày không giao nhau, khuôn mặn hơi nặng do cằm tròn, bầu và má bạnh. Khuôn mặt lộ nét nhân chủng Phật giáo Việt. 

Phật Quan Âm: Tượng cao 0,19m, bằng đồng; đầu tượng búi tóc có đội khăn phủ lên đầu, kéo dài đến tận vai. Tượng ngồi có mặc áo phủ kín hai vai, áo bị xếp lộ nhiều đường viền, nét cong mềm mại và xòe ra kết thúc ở hai ống tay. Váy có nếp gấp rõ hơn phủ kín phần dưới chỉ để lộ ra bàn chân. Đây là loại váy áo thường thấy ở Phật giáo Đồng Dương Champa. Tượng này ngồi theo kiểu “Padmasana” (ngồi thế hoa sen hoặc liên hoa tọa)

Ngoài tượng Phật ở chùa Thiền Lâm, một số tượng Phật mang dấu ấn Chăm – Việt còn thấy ở một số ngôi chùa ở Ninh Thuận như: Tượng Phật Thích Ca ở chùa Mỹ Hải và chùa Diệu An ở Phan Rang – Ninh Thuận.

{keywords}
Phật Quan Âm

Theo PGS.TS. Trương Văn Món, ngôi chùa Phật giáo ở Ninh Thuận ban đầu chỉ là mái tranh đơn sơ, nhỏ bé, tùy cơ duyên mà các vị Sư lập ra để tu hành. Đa số chùa được xây dựng xa dân đông đúc, dựa vào vách núi và có một số chùa xây dựng trên nền di tích Champa. Về sau, một số chùa được chuyển sang từ đình làng theo kiểu nhà rường gian, hai chái, tường xây bằng gạch có cổng tam quan, mái lợp ngói âm dương; nóc chùa có trang trí hình lưỡng long, mặt trời hoặc chữ vạn. Các chùa ở Chánh điện thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, ngoài Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Phật Di Lặc còn thờ/lưu giữ cả Phật mang phong cách Champa như chùa Thiền Lâm, chùa Mỹ Hải, chùa Diệu Ấn.

Một số ngôi chùa cổ ở Ninh Thuận như chùa Thiền Lâm có liên quan chặt chẽ với đình làng, có sự kết hợp tôn thờ tiền hiền và hậu hiền. Chùa Thiền Lâm gắn với đình Đắc Nhơn, giữa chùa và đình này có cùng Tổ khai sinh. Chùa thờ Phật, còn đình thờ vua Lác, tức là vua Chăm Poklong Garai (thế kỷ XIV) – một vị vua mà được người Chăm suy tôn là vị anh hùng dân tộc, vị thần nông, thần thủy lợi, hiện nay đang có một ngôi tháp thờ riêng gọi là tháp Poklong Garai (Đô Vinh – Tháp Chàm). Đình Đắc Nhơn được các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định sắc phong. Hàng năm, đình này còn được người Việt quanh vùng cúng tế.

Từ những khảo sát trường hợp chùa Thiền Lâm và đình Đắc Nhơn, PGS.TS. Trương Văn Món cho rằng ở Ninh Thuận có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa Chăm – Việt. Trên bước đường mở mang bờ cõi về phương Nam, ban đầu người Việt nơi đây chấp nhận dung nạp một phần tục thờ các vị vua thần của người Chăm trong đó có Phật giáo Champa một thời nổi tiếng, Phật giáo Đồng Dương (thế kỷ IX-XI) là ví dụ. 

Nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Trương Văn Món đúc kết, một số chùa Phật giáo ở Ninh Thuận nói chung, chùa Thiền Lâm nói riêng ít nhiều còn lưu lại dấu ấn Phật giáo Champa nhưng càng về sau dấu ấn này càng mờ dần. Đó là kết quả của một quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trong quá trình cộng cư, phát triển của người Việt – Chăm ở Ninh Thuận. Cuối cùng, Phật giáo người Việt ở Ninh Thuận đã tự chọn lọc, đào thải và kết tinh lại những giá trị văn hóa cũ, mới phù hợp với nhận thức thẩm mỹ của cộng đồng, tạo nên một bản sắc Phật giáo riêng ở Ninh Thuận như ngày nay.

Đỗ Nga
Ảnh: Ngân Phương