Tại cuộc họp của Tổ công tác Thủ tướng làm việc với 9 bộ để đôn đốc tình hình triển khai nhiệm vụ Thủ tướng giao trong năm 2019, đăng ký kế hoạch công tác năm 2020 sáng 13/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhắc đến Đề án liên quan đến quy định đấu giá biển ôtô, xe máy dù đã đề ra mấy năm rồi, đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Đặt câu hỏi làm sao để tổ chức đấu giá được, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng nếu thực hiện tốt ít nhất nên dành ra 30-50% cho chính lực lượng cảnh sát giao thông để mua sắm thêm trang thiết bị kiểm soát an toàn giao thông, số tiền còn lại thì để vào quỹ người nghèo.

Liên quan việc này, dư luận đặt câu hỏi, chủ xe mua biển đấu giá, có được quyền chuyển nhượng lại biển số đó hay không? và khi bán xe liệu có giữ được biển số đẹp hay không?

{keywords}
Ảnh minh họa.

Biển số xe nếu được coi là tài sản, người sở hữu có quyền bán

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo công văn số 2067/TTg-KTTH, ngày 2/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành quy định bán đấu giá biển số xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy có nội dung:

Từ đề nghị của Bộ Tài chính (công văn số 93/TTr-BTC ngày 07 tháng 9 năm 2009), Bộ Tư pháp (công văn số 2824/BTP-BTTP ngày 10 tháng 8 năm 2009) và ý kiến của các Bộ Tài chính, Tư pháp trong cuộc họp ngày 28/10/2009 tại Văn phòng Chính phủ về đấu giá biển số xe ôtô, xe mô tô, xe gắn máy, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về việc này.

Thủ tướng giao các Bộ: Tài chính, Công an, Tư pháp nghiên cứu, ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về việc bán đấu giá quyền sử dụng biển số xe ôtô, xe môtô, xe gắn máy. Tiền thu từ bán đấu giá quyền sử dụng biển số xe ôtô, xe môtô, xe gắn máy (sau khi trừ chi phí tổ chức bán đấu giá) được nộp vào ngân sách nhà nước (ngân sách địa phương hưởng 100%) và quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Như vậy, theo chủ trương chỉ đạo này thì việc bán đấu giá biển số xe chỉ được thực hiện theo thông tư liên tịch của bộ tài chính, bộ công an, bộ tư pháp quy định về vấn đề này. Hiện nay, sau nhiều lần lấy ý kiến từ thông tư này vẫn chưa được thông qua để thực hiện bởi còn nhiều vấn đề tranh cãi.

Luật sư Cường cho rằng, theo quy định của pháp luật thì một thứ được gọi là tài sản thì chủ sở hữu thứ đó phải có ba quyền cơ bản là: Quyền chiếm hữu, Quyền sử dụng và Quyền định đoạt. Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản, ngăn chặn người khác xâm hại đến tài sản. Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền định đoạt là quyền quyết định số phận pháp lý của tài sản như: tặng cho, mua bán, tiêu hủy...

Một tài sản đúng nghĩa thì phải có đầy đủ các quyền năng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các quy định của pháp luật về bán đấu giá chỉ áp dụng đối với tài sản. Nếu những thứ không phải là tài sản thì không thể áp dụng quy định về bán đấu giá.

Từ đó, theo Luật sư Đặng Văn Cường, nếu coi biển số xe là tài sản và mang bán đấu giá thì người trúng đấu giá phải có quyền của một chủ sở hữu tài sản một cách đầy đủ trong đó có quyền định đoạt, quyền bán biển số xe này cho người khác, quyền di chuyển biển số xe này từ xe cũ sang xe mới thì mới đảm bảo được quyền lợi của người đã bỏ tiền ra để mua những chiếc biển này và mới đảm bảo nguyên tắc về mặt lý luận về quyền sở hữu tài sản.

Nếu mang bán đấu giá thứ mà không được gọi là tài sản thì việc tổ chức bán đấu giá là không hợp lý, không thể bán đấu giá thứ không được coi là tài sản.

Giá của một biển số xe đẹp không hề nhỏ, đôi khi bằng cả giá trị chiếc xe bởi vậy khi đưa ra quy định về bán đấu giá biển số xe thì cần phải có những quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi của người sở hữu các biển số này như: Quyền di chuyển số từ xe cũ sang xe mới (bởi xe ô tô hoàn toàn có thể hỏng hóc và có thời hạn sử dụng), khi chiếc xe được gắn biển số đẹp bị hỏng, không thể sử dụng hoặc hết niên hạn sử dụng thì chủ sở hữu biển số đó phải được quyền di chuyển, gắn sang một chiếc xe khác mới hơn của họ thì mới đảm bảo quyền lợi và đảm bảo quyền của chủ sở hữu tài sản theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, nếu được coi là tài sản thì người chủ sở hữu chiếc biển số này cũng có quyền định đoạt, tặng cho, bán biển số cho người khác, tự do chuyển nhượng trên thị trường theo quy định pháp luật.

Nếu không mở rộng quyền của chủ sở hữu biển số, không quy định các quyền cơ bản của chủ sở hữu biển số như quyền sở hữu của một tài sản thì sẽ không đảm bảo sự công bằng, không đảm bảo quyền lợi của người trúng đấu giá biển số xe, sẽ có mâu thuẫn không phù hợp với lý luận về tài sản và quyền sở hữu.

Bởi vậy, để có quyết định chính thức và triển khai thực hiện quy định bán đấu giá tài sản thì các cơ quan chức năng cần phải lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia pháp luật và lấy ý kiến của nhân dân để có những quy định hợp lý và công bằng nhất, tránh việc khó khăn, vướng mắc, xung đột khi thực hiện các quy định này trong đời sống xã hội.

Đồng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Thế Truyền (đoàn luật sư Hà Nội), Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh cho rằng, nếu đấu giá biển số xe đẹp thì phải cho sở hữu biển xe, phải có cơ chế về sở hữu, sử dụng thì mới thực hiện được nếu không chỉ là làm ngọn mà bỏ gốc sẽ khó thực hiện được.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, biển số xe càng đẹp thì giá bán xe lại càng cao. Tuy nhiên khi mua bán thì lại diễn ra dưới hình thức mua biển riêng bên ngoài, không tính vào giá hợp đồng chuyển nhượng.

Do vậy, đối với nhà nước thì lại thất thoát một khoản thuế không hề nhỏ và cũng là một rủi ro khi tiến hành chuyển nhượng. Vì thế, việc kiểm soát mua bán và đấu giá biển số xe đẹp sẽ góp phần nào đó giải quyết vấn đề nêu trên và cũng tạo thêm một nguồn thu cho ngân sách.

Thứ hai, việc thực hiện đấu giá biển số xe đẹp đã có kế hoạch chuẩn bị triển khai trong năm 2020. Bản chất của việc đấu giá này vẫn chính là tìm được người có nhu cầu thực sự với biển số xe đem gia đấu giá và bán được với giá tốt nhất có thể.

Theo quy định pháp luật về đấu giá tài sản nói chung thì người trúng đấu giá và thực hiện đầy đủ những thủ tục sau đó thì sẽ là chủ của biển số xe đấu giá được. Sau này tiến hành bán xe hay còn gọi là chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản là xe có biển số đã đấu giá đó sẽ vẫn thực hiện theo các quy định về mua bán, chuyển nhượng xe.

Biển số xe sẽ gắn liền với xe, với chức năng là một thông tin quản lý xác minh “danh tính” chiếc xe vì thế khi bán xe sẽ bao gồm cả biển số xe. Trường hợp không yêu cầu cấp lại biển số hoặc thuộc trường hợp không bắt buộc phải cấp lại biển số xe thì khi bán xe biển đẹp vẫn gắn liền với xe.

Thứ ba, đối với vấn đề lấy toàn bộ chi phí bán đấu giá biển đẹp cấp cho CSGT là không hợp lý. Bởi lực lượng CSGT là lực lượng thuộc biên chế nhà nước và nhà nước sẽ chịu trách nhiệm quản lý cũng như cung cấp trang thiết bị phục vụ cho công việc. Việc bán đấu giá sẽ tuân theo quy định về bán đấu giá, số tiền thu được từ bán đấu giá phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Do đó, nếu lấy toàn bộ số tiền này cấp cho CSGT về mặt pháp luật không phải là sai nhưng vô hình chung sẽ khiến cho người dân hiểu lầm về chức năng nhiệm vụ của CSGT và sẽ tạo ra lỗ hổng dễ dẫn đến những vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Tài chính ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề xuất thì nê dành ra 30-50% số tiền từ việc đấu giá cho chính lực lượng cảnh sát giao thông để mua sắm thêm trang thiết bị kiểm soát an toàn giao thông, số tiền còn lại thì để vào quỹ người nghèo thì đây là một đề xuất không tồi. Vừa có tiền đễ hỗ trợ cho những người nghèo vừa có chi phí để cải thiện trang thiết bị cho lực lượng CSGT để thực họ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

(Theo KT)