Tình hình đám phán TPP có thực sự tiến triển tốt hơn trong năm nay hay đang tồn tại những “vạn lý trường thành mới” dẫu cho các vòng đàm phán có thành hiện thực?

LTS: Năm 2014, các vòng đàm phán RCEP, và FTA với EU, FTA với Liên minh Thuế quan Nga-Kazakhstan-Belarus và FTA với Hàn Quốc vẫn đang tiếp diễn.

Đặc biệt nhiều khả năng chúng ta sẽ là thành viên của Hiệp định Hợp tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại đa phương được đánh giá là toàn diện và có tính chuẩn hóa cao. Khác với bức tranh kỳ vọng về một đòn bẩy ngoại thương, những gì diễn ra trên bàn đàm phán đến thời điểm này cho thấy bức tranh của sự thật không phải màu hồng. Dù cho ở góc nhìn kinh tế hay cả chiến lược.

Cùng Tuần Việt Nam điểm lại những cơ hội bước ra sân chơi thế giới đang chờ đón VN trong năm nay.

FTA Việt Nam-EU: Thuận lợi nhưng chớ vội mừng

Việc đạt được những thỏa thuận trong đàm phán FTA với EU sau 6 vòng liên tiếp kể từ tháng 6/2012 được xem là bước ngoặt đánh dấu sự góp mặt của Việt Nam vào một sân chơi mới, với những chuẩn mực cao hơn. Tháng 11/2013, sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ 5, Việt Nam và EU đã có sự đồng thuận cao độ về 4 vấn đề quan trọng bao gồm: Xây dựng một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, liên quan đến bản quyền và quyền tác giả.; Chỉ dẫn địa lý và phát triển bền vững.

{keywords}

Trên cơ sở đó, vòng đàm phán thứ 6 diễn ra ngày 17/1 vừa qua đã có những tiến triển đáng mừng khi đạt được sự thống nhất tại 3 lãnh vực quan trọng: hải quan và hỗ trợ giao thương, rào cản kỹ thuật đối với thương mại và cạnh tranh. Đây là những bước đi khả quan khi hầu hết các vấn đề trọng yếu trong FTA đều đã được thông qua.

Thiết nghĩ với bao khó khăn còn chờ phía trước một khi FTA thực sự có hiệu lực. Hiển nhiên khi FTA được ký kết, cơ hội sẽ được chia đều cho cả hai bên. Với Việt Nam, FTA không những giúp xóa bỏ các rào cản thương mại quan thuế và phi quan thuế mà còn tạo thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận thuận lợi này cũng sẽ gây cho Việt Nam những khó khăn nhất định, bởi EU là một liên minh bao gồm 27 quốc gia thành viên. Điều này đồng nghĩa thị trường Việt Nam sẽ phải chịu một sức ép mở cửa lớn hơn rất nhiều so với những gì nhận được. Đáng lo ngại hơn nữa đó là khi các rào cản thương mại thuế quan và phi thuế quan được yêu cầu dỡ bỏ, hàng hóa nước ngoài ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam. Đến lúc đó, khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt” sẽ khó có thể thuyết phục người tiêu dùng khi thực tế sản phẩm nước ngoài có mẫu mã, giá cả và chất lượng cạnh tranh hơn rất nhiều.

Mặt khác, cán cân thương mại của Việt Nam cũng đang là một yếu tố gia tăng tâm lý lo ngại đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ tính riêng trong hai quý đầu năm 2013, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đạt 11,4 tỷ USD, giá trị xuất khẩu 6 tỷ USD và nhập khẩu có tổng giá trị 17,4 tỷ USD. Đây thực sự là một con số khiến các doanh nghiệp châu Âu không thể không cân nhắc nếu muốn đầu tư và kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt khi đến nay nhà nước vẫn chưa có cách giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại với người láng giềng này.

Về dịch vụ, đây là một thế mạnh của EU, nhưng nếu FTA được ký kết thì các lĩnh vực dịch vụ được đề xuất mở cửa ngay cũng bao gồm cả những lĩnh vực mà Việt Nam không mạnh như dịch vụ cảng biển, hàng hải, logistics hoặc được xem là nhạy cảm như truyền thông, thông tin, giáo dục.... Đây là một điều khá nguy hiểm và Việt Nam vẫn đang thận trọng.

Ngoài ra còn rất nhiều những khó khăn khác nữa chưa kể đến như vấn đề pháp lý, phát triển bền vững, dịch tễ học hay vệ sinh an toàn thực phẩm…Việc dự đoán được những thách thức là một chuyện nhưng chuẩn bị được đến đâu lại là vấn đề khác. Liệu Việt Nam đã thực sự sẵn sàng cho lần hội nhập này hay chỉ đang “vội mừng”?

Những “vạn lý trường thành mới”

Đàm phán FTA EU thuận lợi khiến chúng ta dường như có nhiều hi vọng về việc đáp ứng thành công những chuẩn mực cao hơn của một “FTA cũ”– TPP. Vậy tình hình đám phán TPP có thực sự tiến triển tốt hơn trong năm nay hay đang tồn tại những “vạn lý trường thành mới” dẫu cho các vòng đàm phán có thành hiện thực?

Thực tế đàm phán FTA với EU “dễ chơi” hơn so với TPP, bởi những quy tắc TPP đề ra được đánh giá vượt quá khả năng đáp ứng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay rất nhiều. Đầu tiên phải kể đến quy tắc xuất xứ của hàng hóa, một trong những lĩnh vực mà bấy lâu nay Việt Nam vẫn “mắc kẹt” do các đối tác TPP rất đề cao hàm lượng nội địa trong sản phẩm.

Hiện nay hàng hóa quần áo Việt Nam nhập khẩu sang các thị trường thường không đáp ứng đúng các yêu cầu ưu đãi thuế quan nhưng lại có chỗ đứng nhờ chiếm lĩnh những phân khúc thị trường với ưu đãi về giá.

Nhưng theo các nước trong TPP, họ chỉ chấp nhận những sản phẩm có nguồn gốc sợi từ nước thành viên TPP. Điều đó đồng nghĩa việc Việt Nam sản xuất hàng hóa có sợi nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc – đầu mối cung cấp sợi bông vải rẻ nhất cho thị trường khu vực và thế giới nhưng không phải là thành viên của TPP sẽ không được các nước này chấp nhận. Giả sử trường hợp Việt Nam tự sản xuất sợi và  đáp ứng được điều kiện này, xuất khẩu của Việt Nam cũng chưa chắc cạnh tranh lại với những sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia đối tác trong TPP.

Hoặc như vấn đề sở hữu trí tuệ, các yêu cầu về quyền sở hữu trí tuệ thực sự hết sức bất lợi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và nông hóa phẩm. Đề xuất của Hoa Kỳ yêu cầu bảo hộ cho cả thực vật, động vật và các phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán, chữa bệnh cho cả người và động vật.

Khi đó, chi phí cho việc nuôi trồng, phòng và chữa bệnh sẽ lớn hơn nhiều. Việc sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi cũng phụ thuộc vào sự cho phép và trả phí cho chủ sở hữu bản quyền. Việc lưu giữ giống để sử dụng từ mùa trước sang mùa sau cũng sẽ bị ngăn cản.

Ngoài ra, liên quan đến độc quyền dữ liệu, TPP quy định các doanh nghiệp muốn đăng ký lưu hành một sản phẩm tương tự dù đã hết hạn bản quyền phải tự tập hợp các dữ liệu và thực hiện lại tất cả các thử nghiệm lâm sàng. Điều này làm gia tăng chi phí sản xuất cho các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Như vậy, mặc dù TPP là một hiệp định được kí kết thông qua thỏa thuận 2 chiều nhưng những chuẩn mực mà TPP đề ra thực sự là khó đàm phán hơn rất nhiều. Đến hiện tại, Việt Nam chỉ có thể: đồng ý với các điều kiện và cải cách nền kinh tế nội tại. Thiệt hơn chưa thấy rõ hoặc đàm phán dậm chân tại chỗ vì chưa tìm ra cách giải quyết.

Khi đó, hi vọng về việc kết thúc đàm phán TPP trong thời gian sắp tới có lẽ vẫn chỉ là lý thuyết. Tuy nhiên, dù là lựa chọn nào đi nữa, Việt Nam cũng cần ghi nhận những quy định từ TPP như là những chuẩn mực nhằm hướng tới cải cách nền kinh tế trong tương lai.

  • Hoài Thương

(Còn nữa)