- Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, anh Trần Kim Việt (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã từ chối rất nhiều lời chào mời hấp dẫn của nhiều công ty để trở về nơi "chôn rau cắt rốn" lập nghiệp. Sau nhiều năm mày mò, chàng trai "khác người" đã là ông chủ của vườn ươm tiền tỷ với nhiều loại giống cây quý.
Nghị lực phi thường
Ngày đầu xuân, PV VietNamNet đã bất ngờ có cuộc gặp với chàng trai tật nguyền Trần Kim Việt - một trong những tấm gương về nghị lực phi thường, khiến nhiều người cảm phục.
Chàng trai tật nguyền Trần Kim Việt. |
Đưa chúng tôi đi khắp vườn ươm với những mầm chồi xanh mơn mởn, xung quanh đó là nhiều người dân đang tới học hỏi kinh nghiệm. Chỉ tay về khu vườn ươm, Việt tự hào: "Cả một quá trình đó các anh à. Em cũng không nghĩ là mình có thể làm được như vậy".
Vừa lọt lòng mẹ, anh Trần Kim Việt (25 tuổi, trú xóm 5, xã Hương Long, Hương Khê, Hà Tĩnh) không may bị tật nguyền (chân trái bị teo cơ, chân phải phát triển không bình thường). Thấy con trai đi lại không vững, gia đình cũng không đành lòng để anh Việt tới trường.
Thế nhưng, khi thấy bạn bè đồng trang lứa hằng ngày cắp sách tới trường, Việt "nài nỉ" bố mẹ để được đi học. Năm gần 8 tuổi, khi cô em gái bắt đầu vào lớp 1, Việt nằng nặc đòi đi cùng. Chỉ với chiếc xe đạp "cọc cạch", cô em gái đã đưa Việt tới trường.
Không phụ lòng mọi người, Việt luôn cố gắng trong học tập. Không chỉ dừng lại ở những buổi học trên lớp, Việt mày mò tìm các cách giải bài khác nhau của từng câu hỏi, mỗi bài toán.
Một góc vườn ươm - nơi khởi nguồn của vườn ươm tiền tỷ của Việt. |
Suốt từ năm học lớp 1 tới lớp 12, thành tích học tập của Việt luôn đạt loại ưu, có mặt trong "top" cao của lớp. Không những vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Việt "lấn sân" sang…"kinh doanh".
Bắt đầu từ việc buôn kem, sau đó là mở quán sửa xe đạp ngay cạnh trường. Tiếp đó, Việt còn kinh doanh máy tính Casio để kiếm thêm phụ giúp thêm cho việc học được thuận lợi.
"Mình cũng không biết máu kinh doanh nó ăn vào người từ lúc nào nữa. Khi ấy mình chỉ nghĩ kiếm ít tiền để đỡ đần bố mẹ mà thôi", anh Việt tâm sự.
Những nỗ lực không ngừng của Việt cũng được đền đáp bằng việc trúng tuyển vào ngành Nông - Lâm - Ngư trường ĐH Vinh. Để có thêm kiến thức, Việt đăng ký thêm ngành CNTT.
Nhờ đó, Việt tốt nghiệp một lúc hai bằng đại học (nông - lâm ngư và công nghệ thông tin). Tiếp đó, Việt tiếp tục bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ về khoa học cây trồng.
"Quả ngọt" cho chàng trai tật nguyền
Tuy nhiên, cứ mỗi khi về quê, hình ảnh người dân "bám mặt" vào trồng cây trầm hương vất vả nhưng thu nhập lại quá thấp. Từ đây, chàng sinh viên tật nguyền Trần Kim Việt trăn trở phải làm sao giúp đỡ bà con kiếm thêm thu nhập từ cây trầm. Việt đã từ chối lời mời vào Nam làm việc để trở về quê nhà "lập nghiệp".
“Khi biết việc nó không vào Nam làm việc mà muốn biến mảnh vườn hoang của nhà thành vườn ươm cây giống thì gia đình cũng phản đối nhưng nó đã quyết thì khó mà thay đổi được", ông Trần Kim Minh (bố Việt) chia sẻ.
Người dân tới xem và lựa chọn cây giống phù hợp. |
Bằng những kiến thức được học cùng với việc chịu khó mày mò, tới cuối năm 2010, hơn một vạn cây trầm hương từ "lò" của Việt được người dân tranh nhau mua thử nghiệm đem lại cho Việt hơn 20 triệu đồng.
Với kết quả như vậy, Việt tìm cách mở rộng thị trường, không chỉ cung cấp cho người dân ở huyện Hương Khê mà cả nước. Nghĩ là làm, không chỉ tự thân vào Nam, ra Bắc để liên kết "mối làm ăn", Việt còn quảng bá vườm ươm của mình lên các trang web, các mạng xã hội. Cách làm của Việt đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ.
Từ thu nhập hàng chục triệu bước đầu, đến nay, vườn ươm của Trần Kim Việt có hơn 50 loại cây như trầm hương, sưa đỏ, cam bù Hương Sơn, cam chanh Vũ Quang…Mỗi năm xuất khoảng 10 vạn cây giống khắp cả nước và một số nước láng giềng như Campuchia, Lào…thu về khoảng 2 tỷ đồng, trừ đi chi phí cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Không những thế, vườn ươm còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động trong xã với mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Đối với những hộ nghèo, khi mua cây giống từ vườn ươm của Việt đều được giảm giá khoảng 20%. Sắp tới Việt cũng sẽ về từng thôn xóm của các xã để chuyển giao công nghệ trồng cây cho bà con.
Chia sẻ về dự định tương lại, Việt cho biết sẽ mở rộng diện tích vườn ươm của mình từ 1,5 ha lên khoảng 3 ha để trồng cây có múi và tăng số lượng cây giống phục vụ bà con.
Cách đây không lâu, Việt đã cho ra mắt Cty TNHH Vườn Ươm Việt (website: vuonuomviet.com). Đây là nơi để Việt quảng bá sản phẩm của mình, cũng là nơi trao đổi những kinh nghiệm của những người mê giống cây trồng.
"Không chỉ việc ươm cây giống mà màm việc gì cũng vậy, phải yêu, phải quý. Và cái quan trọng nhất là phải có cái tâm với công việc", anh Việt chia sẻ.
Văn Đức