Theo số liệu thống kê của GLOBOCAN năm 2020, ung thư gan là ung thư đứng đầu về tỷ lệ mắc cũng như tử vong ở Việt Nam.

Trao đổi với PV VietNamNet, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết, người bệnh thường mắc ung thư gan trên nền xơ gan do nhiễm viêm gan virus B, virus C hoặc tình trạng bệnh nhân xơ gan do uống quá nhiều rượu, bia; mắc bệnh gan nhiễm mỡ; người bệnh có nhiễm độc tố Aflatoxin do ăn thực phẩm bị nấm mốc.

Ở Việt Nam, tình trạng người mắc viêm gan B, C cao. Bên cạnh đó, ở nước ta, nam giới tiêu thụ rượu, bia nhiều dẫn đến tình trạng xơ gan, ung thư gan. Vì vậy ung thư gan là bệnh ung thư có số mắc hàng đầu ở Việt Nam.

Về ý kiến người dân cho rằng “người mắc ung thư gan không sống được qua 6 tháng”, PGS.TS Cẩm Phương cho biết đây là quan niệm sai lầm.

Theo PGS.TS Phương, nếu được phát hiện, điều trị sớm, người mắc ung thư gan có thời gian sống trên 5 năm đạt tới 70-80%. Ở Nhật Bản, chương trình tầm soát, phát hiện sớm ung thư gan được thực hiện rất tốt. Với đối tượng nguy cơ cao được tầm soát định kỳ bằng siêu âm ổ bụng và xét nghiệm máu với bộ 3 xét nghiệm (AFP, AFP-L3 và PIVKA II) 6 tháng/lần và 3 -4 tháng/lần với đối tượng nguy cơ rất cao mắc bệnh kết hợp chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ ổ bụng mỗi 6-12 tháng.  

Với những trường hợp siêu âm nghi ngờ có u sẽ được chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ ổ bụng để đánh giá. Vì vậy, Nhật Bản là nước rất thành công về phát hiện sớm ung thư gan. Hơn 80% người bệnh ung thư gan được phát hiện sớm khi khối u chỉ dưới 3cm, đồng nghĩa với việc điều trị hiệu quả và tiên lượng tốt.

{keywords}
PGS.TS Phạm Cẩm Phương thăm khám cho bệnh nhân.

Việt Nam, ngược lại, gần 70% bệnh nhân đến viện khi kích thước khối u lớn, không thể phẫu thuật được, do đó tiên lượng xấu. Một số người dân thấy tình trạng người bị chẩn đoán ung thư gan một thời gian sau đã tử vong vì vậy họ cho rằng ung thư gan không sống quá 6 tháng. “Điều này không chính xác, một số rất ít trường hợp phát hiện bệnh quá muộn, dẫn đến điều trị hiệu quả thấp.

Còn lại, hiện nay, tại Việt Nam các bác sĩ đã cập nhật được những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư gan; nên hiệu quả điều trị trong những năm gần đây đã được cải thiện rất nhiều. Tại Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh ung thư gan được Hội chẩn với các chuyên gia thuộc chuyên ngành Ung thư, Y học hạt nhân, Điện quang, Giải phẫu bệnh, Phẫu thuật tiêu hóa gan mật, Nội tiêu hóa, truyền nhiễm… để được chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh và đưa ra hướng điều trị hiệu quả nhất. Nhờ vậy, mà chúng tôi đã có những bệnh nhân ung thư gan mặc dù kích thước u lớn, giai đoạn muộn đã được điều trị hiệu quả, khối u thu nhỏ và bệnh cải thiện tốt”, PGS.TS Phương khẳng định.

Cũng theo PGS.TS Cẩm Phương, tại Bệnh viện Bạch Mai, nhóm người bệnh mắc ung thư gan vào viện chẩn đoán điều trị luôn cao nhất. Đa số họ đều ở giai đoạn trung gian, giai đoạn muộn, kích thước khối u đã trên 5cm, có tình trạng huyết khối tĩnh mạch cửa, thậm chí có trường hợp khi vào viện đã vàng da tắc mật, suy gan, hoặc có tổn thương di căn gan, phổi…

Đặc biệt thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19, nhiều người ngại đến bệnh viện thăm khám. Sau đó, khi hết giãn cách, số bệnh nhân ung thư gan đến viện nhiều hơn và đa số lúc này tình trạng bệnh đã ở giai đoạn muộn.

PGS.TS Phương cũng kể về một trường hợp bệnh nhân nam (20 tuổi) sinh viên một trường đại học lớn tại Hà Nội đến viện khi bệnh ung thư gan đã ở giai đoạn cuối.

“Trước đó, nam sinh không có biểu hiện bất thường. Chỉ trước khi vào viện 2 tuần, bệnh nhân thấy đau tức vùng hạ sườn phải, gầy sút cân, chán ăn. Là thanh niên khỏe, sức chịu đựng tốt, chỉ khi đau đến mức không chịu được, nam sinh mới đến bệnh viện để thăm khám. Tuy nhiên chúng tôi chụp chiếu đánh giá và rất tiếc khi thấy toàn bộ gan là tổ chức ung thư thể thâm nhiễm trên nền viêm gan B, men gan tăng nhiều và không thể can thiệp điều trị bệnh ung thư gan mà chỉ điều trị triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ”, nữ bác sĩ chia sẻ.

Do đến viện muộn, không thể can thiệp kịp thời, diễn tiến bệnh rất nhanh, chỉ 2 tuần sau, nam sinh xuất hiện tình trạng vàng da tắc mật. Mấy tuần sau đó, bệnh nhân tử vong.

“Tầm soát là cách duy nhất phát hiện ung thư gan sớm”, PGS.TS Phạm Cẩm Phương khẳng định.

Cũng theo PGS.TS Phương, có nhiều trường hợp đã phát hiện ung thư gan khi chưa có biểu hiện, triệu chứng lâm sàng nhờ việc tầm soát này. Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Trung tâm Tiêu hóa Gan mật, Khoa Khám bệnh nơi có nhiều bệnh nhân viêm gan B, C, xơ gan được khám bệnh định kì, những trường hợp này các bác sĩ cũng phối hợp với chúng tôi để tầm soát phát hiện sớm ung thư gan.

Vì vậy, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, nam giới trên 40 tuổi có tình trạng xơ gan do bất kỳ nguyên nhân gì (uống nhiều bia rượu, do mắc virus viêm gan B, C…) là đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư gan. Những đối tượng này nên đi tầm soát khám định kì để sớm phát hiện các tổn thương bất thường đặc biệt là bệnh ung thư gan.

Ung thư gan là bệnh nếu được phát hiện sớm tiên lượng cũng sẽ khả quan. Giai đoạn sớm, bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ phân thùy gan chứa khối u cũng như có thể ghép gan hoặc can thiệp các biện pháp tại chỗ như đốt sóng cao tần, vi sóng điều trị khối u. Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có thể được điều trị xạ trị trong chọn lọc với hạt vi cầu phóng xạ Y-90, nút mạch hóa chất. Giai đoạn muộn hơn nữa, bệnh nhân được điều trị toàn thân bằng các thuốc điều trị đích, miễn dịch. Ngoài điều trị ung thư gan, bệnh nhân còn phải điều trị song song nguyên nhân gây ung thư gan như tình trạng xơ gan, viêm gan…

“Phát hiện ung thư gan giai đoạn muộn chi phí điều trị cao, đồng thời hiệu quả điều trị cũng không cao”, nữ bác sĩ nói.

Cũng theo PGS.TS Phương, người bình thường, sức khỏe tốt nếu có điều kiện nên thực hiện khám bệnh định kì bệnh ung thư gan 6 -12 tháng/lần để sớm phát hiện các tổn thương bất thường. Các bác sĩ có thể siêu âm ổ bụng để tầm soát bệnh- đây là kỹ thuật đơn giản, không xâm lấn, có thể thực hiện ở tuyến y tế cơ sở (bệnh viện huyện) với mức chi phí không quá cao.

Ngọc Trang