Tại Hội thảo "Trầm cảm học đường" chiều 11/10, ThS.BSNT Lê Công Thiện - Trưởng khoa M4, Viện Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ở trẻ em hàng năm là 0,3 - 7,8% ở trẻ em dưới 13 tuổi, 1 - 2% ở tuổi 13 và từ 3 - 7% ở tuổi 15. Các quốc gia có thu nhập thấp hơn hoặc trung bình có tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên cao hơn so với các quốc gia có thu nhập cao hơn.
Ths.BS Thiện cho biết, trầm cảm ở lứa tuổi học đường có thể do nhiều nguyên nhân. Về mặt sinh học có thể là do di truyền, thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc giải phẫu não bộ hay thay đổi nồng độ hormone.
Nguyên nhân về tâm lý xã hội, theo bác sĩ, có thể trẻ bị áp lực từ cuộc sống, gia đình, xã hội. Bên cạnh đó là sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ theo tuổi, ám ảnh bởi những đau thương thời thơ ấu hoặc do lối sống không lành mạnh.
Ths.BSNT Đỗ Thùy Dung - Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khoẻ Tâm thần quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, cũng dẫn chứng về trường hợp H. (18 tuổi) nhập viện vào tháng 6 vừa qua với lý do buồn chán, muốn chết.
H. có tính cách hiền lành, trầm tính và sống cùng bố mẹ và anh trai. Bố mẹ em luôn kỳ vọng rất nhiều vào con, đề cao thành tích (phải học thật giỏi, thi điểm cao).
Có thành tích học tập tốt, H. còn có niềm đam mê với môn tiếng Anh. Lên THPT, thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh, H. được thầy cô chọn vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi Tiếng Anh.
Tuy nhiên kỳ vọng quá lớn, bố mẹ em liên tục hối thúc việc học tiếng Anh, định hướng xét tuyển vào đại học bằng chứng chỉ tiếng Anh. Việc hối thúc, áp đặt quá mức khiến bệnh nhân cảm thấy bị áp lực và dần dần chán nản, ghét bỏ môn học này.
Bệnh nhân xin ra đội tuyển tiếng Anh của trường vì cảm thấy áp lực và chán nản. Điều này khiến bố mẹ buồn và thường xuyên mắng mỏ. Không chỉ vậy, gia đình hay nhắc lại việc bỏ thi này, càng khiến tâm trạng của em càng nặng nề.
Khoảng 2 tháng trước khi đến khám, bệnh nhân cảm thấy chán nản tất cả mọi thứ, không muốn học, không tham gia các hoạt động với lớp. Về nhà, em thường xuyên ở trên phòng, khó ngủ và dành hầu hết thời gian để chơi điện tử. Dù kỳ thi Tốt nghiệp THPT gần kề nhưng em không muốn ôn tập. Khi bị bố mẹ nhắc nhở, bệnh nhân cáu gắt, vùng vằng hoặc từ chối giao tiếp với phụ huynh.
Bố mẹ phải nhờ cô ruột tới nhà nói chuyện và đưa bệnh nhân đi khám. Chia sẻ với cô ruột, H. nói “Chỉ muốn chết để kết thúc cuộc đời, cuộc sống không còn thú vị”.
Bệnh nhân được cô đưa đến khám tại phòng khám chuyên khoa Tâm thần, được chẩn đoán giai đoạn trầm cảm nặng có ý định tự sát, được chỉ định nhập viện. Gia đình chưa thể thu xếp người chăm sóc, H. được kê đơn thuốc ngoại trú.
Sau khi hết thuốc, tình trạng của bệnh nhân không cải thiện. Nam sinh vẫn thường xuyên ở một mình trong phòng và vẫn nung nấu ý nghĩ tự sát.
H. được tái khám và nhập Viện Sức khỏe tâm thần. Sau 2 tuần điều trị, em tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vui vẻ và không còn suy nghĩ tiêu cực. Nam sinh này cũng cải thiện mối quan hệ với bố mẹ và được xuất viện, duy trì tái khám theo hẹn.
ThS.BSNT Lê Công Thiện thông tin thêm, trên thế giới tỷ lệ toan tự sát ở trẻ em và vị thành niên ước tính 3 – 4%. Các nghiên cứu trước đây cho thấy hành vi tự sát và ý tưởng tự sát phổ biến hơn đáng kể ở trẻ gái (10 đến 35%), nhưng tỷ lệ tự sát thành công ở trẻ trai cao gấp 3 lần trẻ gái. Tuy nhiên tỷ lệ này đang có xu hướng cân bằng ở 2 giới.
Vì vậy TS.BS Thiện khuyến cáo, các thành viên trong gia đình cần phải nâng cao hiểu biết về các triệu chứng của trầm cảm và ảnh hưởng của chúng đến mối quan hệ của trẻ với gia đình và bạn bè.
Phát hiện sớm các triệu chứng cần điều trị, gia đình cũng cần xây dựng một môi trường an toàn như cất kỹ những vật không an toàn như thuốc hoặc vật sắc nhọn…
Về phía trường học, chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của thầy cô và học sinh, không kỳ thị hoặc xa lánh những trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong đó có trầm cảm
Nhà trường xây dựng các mô hình phòng chống trầm cảm tại trường học như: Chương trình giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, Chương trình phục hồi… “Cần có sự tham gia của nhà trường trong việc phát hiện sớm, liên kết gia đình và các nhà chuyên môn trong thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho các trẻ có dấu hiệu mắc trầm cảm”, TS.BS Thiện nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, trẻ tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Trẻ em ở độ tuổi này có khả năng nhận thức được các tác nhân gây căng thẳng (xung đột gia đình, chỉ trích, không đạt thành tích trong học tập) và thể hiện lòng tự trọng thấp, mặc cảm quá mức. Trầm cảm ở tuổi học đường ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển cơ thể, kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em. |