Tháng 12-2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết về việc lấy năm 2022 là Năm Quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững. Nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khoa học cơ bản đối với phát triển bền vững, phù hợp với các ưu tiên quốc gia, tăng cường tài trợ cho khoa học cơ bản và phổ biến khoa học mở. Việt Nam là một trong 10 quốc gia khởi xướng và đồng tác giả Sáng kiến Năm Quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững.

1- Nghiên cứu cơ bản là hoạt động nghiên cứu nhằm khám phá bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy. Nghiên cứu cơ bản cùng với nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm hình thành nên hệ thống hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Nguồn: chinhphu.vn

Do đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học là quá trình thử và sai, có độ trễ, đôi khi tính bằng thập niên để được ứng dụng thành công và mang lại giá trị gia tăng; kết quả của nghiên cứu cơ bản thường được công bố dưới dạng các ấn phẩm khoa học và hầu như chưa mang lại lợi ích thương mại trực tiếp; vì vậy, đóng góp của nghiên cứu cơ bản không dễ nhận biết. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học cơ bản cần thiết cho việc đào tạo nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao, đồng thời là nền tảng của những tiến bộ công nghệ quan trọng. Nhiều sản phẩm thông dụng được sử dụng rộng rãi ngày nay, như thuốc kháng sinh, vắc-xin, điện, bóng đèn led, ti-vi, internet, điện thoại thông minh hay các phương pháp điều trị, phòng, chống đại dịch COVID-19 gần đây đều bắt nguồn từ các kết quả nghiên cứu cơ bản trước đây hàng chục năm.

Trên thế giới, thường ở các nước lớn, Nhà nước mới đủ điều kiện đầu tư kiên định và dài hạn cho nghiên cứu cơ bản. Tập trung cho nghiên cứu cơ bản là con đường chiến lược giúp các quốc gia này củng cố, nâng cao tiềm lực, trình độ và vị thế khoa học để dẫn dắt thế giới, không chỉ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn giải quyết các vấn đề của tương lai, xuyên quốc gia, liên quan tới an toàn và an ninh của con người, môi trường và Trái đất.

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, quan tâm đầu tư cho nghiên cứu cơ bản cũng là đầu tư cho tương lai của nền khoa học - công nghệ nước nhà; góp phần phát triển nguồn nhân lực trình độ cao ở tuyến đầu của tri thức, đặc biệt là bậc sau đại học; gia cố nền tảng, năng lực nghiên cứu và đội ngũ cán bộ khoa học tài năng trong các trường đại học, viện nghiên cứu; từ đó gia tăng năng lực đón đầu, hấp thụ, ứng dụng và phát triển các hướng nghiên cứu mới, các công nghệ tiên tiến của thế giới phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

2- Ngay từ thập niên 80 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức về tầm quan trọng của việc cần quan tâm đầu tư cho nghiên cứu cơ bản. Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 20-4-1981, “Về chính sách khoa học kỹ thuật” (nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về khoa học và kỹ thuật sau ngày đất nước thống nhất) đã chỉ rõ, trong khi chú trọng nghiên cứu ứng dụng, cần quan tâm đầy đủ đến nghiên cứu cơ bản có định hướng nhằm tạo cơ sở khoa học cho sự phát triển của các nghiên cứu ứng dụng và tiếp thu các thành tựu hiện đại của khoa học và kỹ thuật trên thế giới, bảo đảm cho sự phát triển vững chắc của nền khoa học và giáo dục Việt Nam. Bước vào thời kỳ đất nước mở cửa, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30-3-1991, của Bộ Chính trị “Về khoa học và công nghệ trong sự nghiệp đổi mới” tiếp tục khẳng định, đi đôi với việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và đưa nhanh các thành tựu khoa học vào sản xuất và đời sống, cần coi trọng nghiên cứu cơ bản có định hướng nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển khoa học - công nghệ sau này.

Từ đó đến nay, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng trong các giai đoạn phát triển đất nước là luôn coi trọng vai trò của nghiên cứu cơ bản vì đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư cho nền tảng và tương lai của nền khoa học và công nghệ nước nhà. Nghị quyết số 02-NQ/HNTW, ngày 24-12-1996, của Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII, “Về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000”, tiếp tục nhấn mạnh cần coi trọng nghiên cứu cơ bản. Định hướng rõ nét nhất được thể hiện trong Nghị quyết số 20/NQ-TW, ngày 1-11-2012, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Theo đó, Đảng chỉ rõ trong tầm nhìn đến năm 2030, cần tăng cường nghiên cứu cơ bản; quan tâm nghiên cứu cơ bản có trọng điểm; ưu tiên một số lĩnh vực khoa học tự nhiên mà Việt Nam có lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng chương trình phát triển khoa học cơ bản trong một số lĩnh vực toán, vật lý, khoa học sự sống, khoa học biển.

Trong giai đoạn hiện nay, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục kế thừa quan điểm chỉ đạo xuyên suốt nêu trên, tiếp tục khẳng định cần “quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số”(1), coi đó như một trong những giải pháp quan trọng góp phần phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tham quan Phòng thí nghiệm Nhà máy số của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội _Nguồn: hust.edu.vn

3- Đường lối và quan điểm chỉ đạo sáng suốt đó của Đảng đã trở thành kim chỉ nam định hướng cho việc hoạch định chính sách, thiết kế và tổ chức thực hiện các sáng kiến, chương trình thúc đẩy hoạt động nghiên cứu cơ bản ở tầm quốc gia. Cùng với các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ, lĩnh vực khoa học cơ bản được quan tâm cân đối để đầu tư phát triển đồng bộ, góp phần nâng cao tiềm lực và trình độ của cả nền khoa học - công nghệ, đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển đất nước trong từng thời kỳ.

Ngay từ năm 1991, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai Chương trình Nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và thành lập Hội đồng Khoa học tự nhiên để tư vấn xác định các hướng ưu tiên. Chương trình được triển khai đến năm 2006, hỗ trợ hàng nghìn cán bộ khoa học trong các lĩnh vực toán học, vật lý, hóa học, tin học, cơ học, khoa học trái đất, khoa học sự sống tiến hành các nghiên cứu cơ bản, công bố các công trình khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học và nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học.

Năm 2008, việc đầu tư cho nghiên cứu cơ bản được chú trọng thực hành theo các chuẩn mực quốc tế với sự ra đời của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) - một thiết chế tài chính do Chính phủ thành lập - Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý và điều hành, được cộng đồng khoa học đánh giá cao về tính minh bạch và hiệu quả. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí cho các nghiên cứu cơ bản, Quỹ cũng tích cực hỗ trợ các nhà khoa học trẻ trong nước tham gia trao đổi học thuật tại các hội nghị, hội thảo quốc tế, đồng thời hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế ở Việt Nam. Hoạt động của Quỹ có đóng góp rất lớn trong gia tăng số lượng công bố quốc tế của Việt Nam những năm gần đây, góp phần cải thiện vị trí khoa học của Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới. 

Để đầu tư tới ngưỡng và toàn diện hơn cho nghiên cứu cơ bản, bên cạnh Quỹ NAFOSTED, trong hơn 10 năm qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, như toán học, vật lý, hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất, khoa học biển giai đoạn đến năm 2020, 2025 và 2030(2). Các chương trình này bao quát tổng thể nhiều giải pháp phát triển khoa học cơ bản ở Việt Nam, từ hoạt động hỗ trợ kinh phí nghiên cứu để gia tăng công bố quốc tế; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong từng lĩnh vực; nâng cấp các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước theo chuẩn quốc tế; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam; cử nhà khoa học Việt Nam tham dự và báo cáo tại các hội nghị, hội thảo quốc tế ở nước ngoài, cho đến đầu tư bổ sung trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, nâng cấp phòng thí nghiệm dùng chung; hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương và đa phương trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản; thu hút nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đào tạo và nghiên cứu ở Việt Nam.

Với sự quan tâm sâu sắc đó của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, khoa học cơ bản của Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu đáng ghi nhận, góp phần nâng cao năng lực, trình độ khoa học và công nghệ trong nước, đóng góp thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Một số kết quả tiểu biểu là:

Thứ nhất, khoa học cơ bản của Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc và hội nhập quốc tế mạnh mẽ.

Trước khi Quỹ NAFOSTED ra đời, thông qua Chương trình Nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, các nhà khoa học Việt Nam đã bắt đầu công bố bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin khoa học Hoa Kỳ (danh mục ISI, sau này là Thomson ISI và WoS - Web of Science), song số lượng còn hạn chế. Trong hơn 10 năm gần đây, nhất là từ khi Quỹ NAFOSTED ra đời và đi vào hoạt động, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh, nâng cao rõ rệt vị trí xếp hạng của khoa học Việt Nam trên thế giới. Năm 2009, Việt Nam công bố 1.768 bài báo khoa học, xếp thứ 65 trên thế giới. Đến năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí 45, vào tốp 50 thế giới với 18.381 bài báo được công bố. Số lượng công trình công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam tăng trung bình trên 20% mỗi năm.

Đến nay, phần lớn kết quả nghiên cứu cơ bản của Việt Nam đã được công bố theo thông lệ quốc tế, rất nhiều kết quả đã vượt qua các đánh giá phản biện quốc tế độc lập khắt khe, có tính cạnh tranh cao để được đăng tải trên những tạp chí khoa học uy tín nhất trên thế giới. Điều này mở ra cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam có thể làm việc tại các cơ sở nghiên cứu hàng đầu của các cường quốc về khoa học và công nghệ, trao đổi học thuật tại các hội thảo khoa học quốc tế uy tín ở nước ngoài và tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế ở Việt Nam với sự góp mặt của các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Bên cạnh đó, chất lượng các tạp chí khoa học chuyên ngành của Việt Nam ngày càng được cải thiện; một số tạp chí đã lọt vào danh mục tạp chí uy tín thuộc cơ sở dữ liệu của Scopus hay WoS, như Tạp chí Toán học, Tạp chí Vật lý, Tạp chí Hóa học, Tạp chí các khoa học về trái đất của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hay Tạp chí Vật lý của Đại học Quốc gia Hà Nội. Với các tiến bộ và tiềm năng của khoa học cơ bản Việt Nam, năm 2017, Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận và bảo trợ hai trung tâm về toán học và vật lý (Trung tâm Vật lý quốc tế và Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu Toán học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), có chức năng triển khai nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo cho khu vực ASEAN và các quốc gia châu Phi. Đây là một dấu ấn nâng tầm khoa học cơ bản của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

 Đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo Vệ tinh Micro Dragon _Nguồn: congnghe.tuoitre.vn


Thứ hai, nhân lực nghiên cứu cơ bản trình độ cao ngày càng gia tăng, hình thành nhiều tập thể khoa học mạnh đạt trình độ quốc tế.

Cùng với sự gia tăng về số lượng công bố quốc tế, đội ngũ các nhà khoa học chủ trì công trình nghiên cứu, tác giả chính của các bài báo khoa học cũng ngày càng phát triển. Trước năm 2009, số lượng các nhà khoa học này không nhiều và hầu như chỉ tập trung ở ba đơn vị nghiên cứu lớn là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, 10 năm sau, hầu như các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước đều có cán bộ khoa học có công bố quốc tế với vai trò tác giả chính. Bên cạnh đó, số lượng các nhà khoa học trẻ được nhận tài trợ của Nhà nước(3), các nhà khoa học Việt Nam tham gia các dự án nghiên cứu cơ bản do nước ngoài tài trợ hoặc tham gia hội đồng biên tập các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín đang ngày càng gia tăng. Nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam đã nhận được các giải thưởng khoa học danh giá trong nước và quốc tế.

Việc các giảng viên đại học tham gia chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản ở các trường đại học đã và đang giúp nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học. Trong chương trình nghiên cứu cơ bản do Quỹ NAFOSTED tài trợ, trung bình mỗi đề tài có đào tạo một nghiên cứu sinh gắn với công bố quốc tế uy tín, góp phần quan trọng đưa công tác đào tạo nhân lực trình độ cao của Việt Nam đi vào thực chất, hội nhập với thế giới. Số lượng giảng viên đại học, nhà khoa học có trình độ tiến sĩ trong những năm gần đây tăng nhanh và được trẻ hóa, số tiến sĩ dưới 40 tuổi chiếm gần 50% ở một số trường đại học, viện nghiên cứu trọng điểm. Năm 2021, có 5 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã lọt vào nhóm 500 đại học hàng đầu ở các nền kinh tế mới nổi, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Với sự đầu tư đúng hướng của Nhà nước, Việt Nam cũng đã từng bước tạo lập được môi trường học thuật mạnh trong nước, thu hút nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo ở nước ngoài về nước tiếp tục phát triển các trường phái nghiên cứu tiên phong, hình thành được các tập thể khoa học mạnh, có trình độ quốc tế (điển hình như Viện Toán học, Viện Vật lý, Viện Vật liệu, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu, Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, Viện Vật lý kỹ thuật - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội).

Thứ ba, khoa học cơ bản đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong những năm qua, các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng đã có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học trái đất và môi trường có đóng góp quan trọng trong tìm hiểu lịch sử hình thành, tiến hóa địa chất lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia; làm cơ sở dự báo, phân vùng các nguồn tài nguyên địa chất, các hiện tượng và tai biến thiên nhiên, phục vụ quy hoạch hợp lý lãnh thổ, bảo vệ tài nguyên và môi trường; nâng cao năng lực dự báo, phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Các kết quả điều tra, nghiên cứu cơ bản về đa dạng sinh học loài, đa dạng hệ sinh thái, địa chất đã cung cấp luận cứ khoa học thuyết phục để UNESCO công nhận các khu dự trữ sinh quyển thế giới (Núi Chúa, Kon Hà Nừng, Lang Biang, Cù Lao Chàm, Mũi Cà Mau, miền tây Nghệ An, ven biển và biển đảo Kiên Giang, châu thổ sông Hồng, Cát Bà, Đồng Nai, rừng ngập mặn Cần Giờ), các công viên địa chất toàn cầu (Cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất Đắk Nông). Đây sẽ là những điểm du lịch tiềm năng, thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển sinh kế người dân, góp phần phục vụ phát triển bền vững cho địa phương. Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, cơ học, khoa học thông tin và máy tính, sinh học nông nghiệp, y sinh dược học. Nhiều doanh nghiệp đã kết nối hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để ứng dụng kết quả nghiên cứu cơ bản vào phát triển sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp và thương mại hóa thành công. Ví dụ điển hình, như Tập đoàn xây dựng và phát triển Phenikaa (Phenikaa Group) hợp tác với các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển sản phẩm đá Vicostone; Tập đoàn Rạng Đông hợp tác với các nhà khoa học từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Vật lý, Viện Khoa học vật liệu, Viện Kỹ thuật nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam để phát triển sản phẩm chiếu sáng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao...

 Thực hiện nghiên cứu, lai tạo giống mới bằng phương pháp nuôi cấy mô tại đơn vị thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam _Ảnh: TTXVN


4- Bên cạnh những tiến bộ đạt được rất đáng khích lệ, nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức và hạn chế, như vấn đề đầu tư kinh phí cho nghiên cứu chưa thỏa đáng và còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ nghiên cứu mới chỉ ở mức trung bình; năng suất và chất lượng công bố quốc tế chung của các nhà khoa học Việt Nam còn thấp; tỷ lệ nhà khoa học có bằng tiến sĩ trên tổng số cán bộ nghiên cứu toàn thời gian tại các cơ sở nghiên cứu, giáo dục đại học còn thấp; thiếu các cán bộ đầu ngành đủ năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu ở tầm quốc tế, quy mô lớn, xuyên ngành. Thực trạng này đặt ra các thách thức rất lớn cho lực lượng khoa học và công nghệ, trong đó có lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, hội nhập và cạnh tranh quốc tế khắc nghiệt dựa chủ yếu vào năng lực quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với định hướng phát triển đồng bộ các ngành khoa học và công nghệ, ngày 11-5-2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”, trong đó xác định cần xây dựng nền khoa học cơ bản hiện đại, chú trọng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng để tiến tới sáng tạo, tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở những lĩnh vực then chốt mà Việt Nam có nhu cầu, tiềm năng và lợi thế. Để đạt được mục tiêu đó, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục kiên trì quan tâm đầu tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường thích hợp để nghiên cứu cơ bản của Việt Nam tiếp tục củng cố nền tảng và phát triển bứt phá, đóng góp xứng đáng vào hoạt động khoa học và công nghệ chung cũng như các mục tiêu dài hạn phát triển đất nước. Cụ thể là:

Thứ nhất, cần tạo không gian cho nghiên cứu cơ bản, dành sự quan tâm thỏa đáng cho nghiên cứu cơ bản để chuẩn bị năng lực, đội ngũ và nền tảng tri thức cho các lĩnh vực làm cơ sở cho phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong tương lai. Nhà nước phải là nguồn tài trợ chính, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị lớn, phòng thí nghiệm cho nghiên cứu khoa học cơ bản; thúc đẩy phát triển nhanh các cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ quốc gia, các trung tâm tính toán, xử lý dữ liệu lớn hiệu năng cao. Nghiên cứu ứng dụng phải đồng hành với nghiên cứu cơ bản.

Thứ hai, tiếp tục phát huy vai trò của Quỹ NAFOSTED trong tài trợ cho nghiên cứu cơ bản theo mô hình tiên tiến thế giới. Rà soát, hoàn thiện quy trình đánh giá, phản biện, lựa chọn đề tài và nhà khoa học chủ trì dựa trên nguyên tắc chất lượng và cạnh tranh lành mạnh, công bằng, minh bạch. Xây dựng tiêu chí đo lường kết quả và hiệu quả hoạt động nghiên cứu theo thông lệ quốc tế. Đẩy mạnh cơ chế khoán chi và hậu kiểm tài chính, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, kiên trì cải tổ hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị nghiên cứu, tạo môi trường thuận lợi (về hành chính; tài chính; hạ tầng, trang thiết bị, điều kiện làm việc; trao đổi học thuật) cho nghiên cứu đỉnh cao; áp dụng thông lệ quốc tế trong tuyển dụng, bổ nhiệm vị trí công việc của nhà khoa học; gắn việc đào tạo và chế độ lương, thưởng của cán bộ nghiên cứu khoa học cơ bản với nghĩa vụ công bố quốc tế. Có cơ chế, chính sách đầu tư cho đội ngũ các nhà khoa học và quản lý khoa học, bảo đảm mức thu nhập thỏa đáng, đãi ngộ phù hợp để “giữ chân” và phát huy năng lực đội ngũ này.

Thứ tư, tiếp tục dành nguồn lực tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển khoa học cơ bản trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh trong giai đoạn đến năm 2030 (toán học, vật lý, hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và đặc biệt chú trọng khoa học biển), nhằm triển khai tổng thể và đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực và tiềm lực khoa học cơ bản của Việt Nam, đóng góp thiết thực cho công cuộc phát triển đất nước bền vững.

Thứ năm, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học cơ bản thông qua các thiết chế đa phương như UNESCO, Liên minh châu Âu (EU) và với các quốc gia có nền khoa học và công nghệ tiên tiến. Thúc đẩy kết nối, trao đổi học thuật, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam. Phát triển mạng lưới hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam với cộng đồng khoa học quốc tế, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu đỉnh cao. Bắt nhịp nhanh với xu thế khoa học mở và đổi mới sáng tạo mở trên thế giới để khai thác và vận dụng phù hợp, mang lại lợi ích cho Việt Nam.

Tóm lại, là quốc gia đang phát triển với nguồn lực tài chính chưa dồi dào, Việt Nam, một mặt, cần quan tâm duy trì các hoạt động nghiên cứu cơ bản thuần túy và tăng dần tỷ trọng đầu tư tài chính phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước gia tăng nền tảng tri thức, tiềm lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao để sẵn sàng tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh của đất nước; mặt khác, xác định một số ít các hướng nghiên cứu ưu tiên có tiềm năng ứng dụng và tác động nhanh, mạnh đối với kinh tế - xã hội để nhanh chóng đầu tư trọng điểm, tạo đột phá. Trong tương lai xa hơn, phấn đấu phát triển lực lượng khoa học và công nghệ nước nhà đủ năng lực thực hiện các sứ mệnh toàn cầu, tham gia giải quyết các thách thức chung của nhân loại, như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, khai thác không gian vũ trụ, lòng đại dương và phát triển bền vững ngôi nhà chung - Trái đất./.

-------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 228
(2) Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2011 - 2020 (Quyết định số 1483/QĐ-TTg, ngày 17-8-2010, của Thủ tướng Chính phủ) và giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 2200/QĐ-TTg, ngày 22-12-2020, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình phát triển vật lý giai đoạn 2015 - 2020 (Quyết định số 380/QĐ-TTg, ngày 24-3-2015, của Thủ tướng Chính phủ) và giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 1187/QĐ-TTg, ngày 4-8-2020, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017 - 2025 (Quyết định số 562/QĐ-TTg, ngày 25-4-2017, của Thủ tướng Chính phủ)
(3) Số lượng chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cơ bản ở độ tuổi dưới 40 được Quỹ NAFOSTED tài trợ tăng rõ rệt; năm 2009, nhóm này chỉ chiếm khoảng 30% chủ nhiệm đề tài, những năm gần đây đã đạt tới gần 60%
 
PGS, TS. HUỲNH THÀNH ĐẠT, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Theo Tạp chí Cộng sản