THACO hiện đã nắm giữ 90% vốn của Đại Quang Minh - chủ đầu tư Khu đô thị Sala, trong khi Đầu tư Mai Linh đã bán toàn bộ vốn tại doanh nghiệp này. Rời Thủ Thiêm, doanh nghiệp địa ốc này liệu có trở về Thủ đô để triển khai dự án còn dang dở?
Mai Linh thoái vốn, THACO nắm trọn 90% Đại Quang Minh
Theo số liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ cấu cổ đông của Đầu tư Đại Quang Minh đã có sự thay đổi lớn. CTCP Ô tô Trường Hải hiện đang nắm giữ 3,78 triệu cổ phần, tương đương giá trị phần góp vốn là 3.780 tỷ đồng, chiếm 90% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Trong khi đó, CTCP Đầu tư Mai Linh, một cổ đông sáng lập khác, đã không còn nắm giữ vốn tại Đại Quang Minh. Ông Trần Đăng Khoa, người đồng thời cũng là ông chủ lớn nhất của CTCP Đầu tư Mai Linh, hiện vẫn đang nắm giữ 5% vốn tại doanh nghiệp này.
Thành lập ngày 22/03/2011 với vốn điều lệ ban đầu là 2.700 tỷ đồng, hiện CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh đã tăng vốn lên 4.200 tỷ đồng. Ba cổ đông nắm giữ tổng cộng 95% vốn kể trên đồng thời cũng là nhóm cổ đông sáng lập của Đại Quang Minh. Trước đó, tỷ lệ sở hữu của THACO chỉ là 45%; trong khi CTCP Đầu tư Mai Linh nắm 37,5% vốn, ông Trần Đăng Khoa sở hữu 17,5% vốn.
Từ ngày 4/7/2016, theo Giấy đăng ký doanh nghiệp mới của Đại Quang Minh, chiếc ghế Chủ tịch HĐQT đã được ông Trần Bá Dương đảm nhận thay ông Trần Đăng Khoa.
Đại Quang Minh được biết đến với vai trò là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Sala trong Đô thị mới Thủ Thiêm. Tại Khu đô thị này, Đại Quang Minh được giao làm chủ đầu tư Khu nhà thấp tầng phía Nam Đại lộ Mai Chí Thọ tại Khu II và III; Khu cao ốc văn phòng thương mại dịch vụ tổng hợp thuộc khu dân cư phía Nam Đại lộ Mai Chí Thọ Khu IIa và IIIa; Khu căn hộ, thương mại, dịch vụ tổng hợp và Bệnh viện quốc tế phía Bắc Đại lộ Mai Chí Thọ tại Khu VI và Dự án Bến du thuyền tại lô 7.2, thuộc khu chức năng số 7.
Cùng với đó, đây cũng là nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật – giao thông trong Đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng BT gồm 4 tuyến đường chính Thủ Thiêm, Quảng trường Trung tâm & Công viên bờ sông, Cầu Thủ Thiêm 2, Cầu đi bộ và dự án Vùng Châu thổ phía Nam.
Với vốn điều lệ 4.200 tỷ đồng, Đại Quang Minh có quy mô vốn lớn hơn khá nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn hiện nay. Mặc dù, số dự án tham gia đầu tư chưa nhiều và chỉ thực hiện trong Khu vực Đô thị Thủ Thiêm nhưng quy mô dự án khá lớn, 257 ha.
Chưa rõ Đầu tư Mai Linh đã thu về bao nhiêu từ việc thoái vốn khỏi doanh nghiệp địa ốc này. Tuy nhiên, theo báo cáo từ CTCP Ô tô Trường Hải, giá chuyển nhượng cổ phần Đại Quang Minh cũng không hề thấp. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ sở hữu của THACO tại đây đã tăng từ 45% lên 50%. Công ty này đã chi ra 945 tỷ, tương đương với mức giá bán gấp 4,5 lần mệnh giá.
Rời Thủ Thiêm để trở về Thủ đô?
CTCP Đầu tư Mai Linh thành lập từ những năm 2006 với một trong những cổ đông sáng lập là ông Trần Đăng Khoa. Ông Khoa hiện cũng là cổ đông lớn nhất nắm 66,7% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Đầu tư Mai Linh được biết tới là chủ đầu tư của Dự án khu chung cư Golden Palace Mễ Trì với 3 tòa tháp khoảng 1.000 căn hộ cao cấp.
Doanh nghiệp địa ốc này cũng từng là chủ đầu tư đầu tư dự án Thành Phố Xanh 17,7ha thông qua Công ty BĐS Hồng Ngân. Tuy nhiên, dự án này sau đó đã được chuyển nhượng lại cho CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (một công ty con của Vingroup) và chính là dự án Vinhomes Gardenia đang được SDI triển khai hiện nay. Rời khỏi dự án ngoài Bắc năm 2014, Đầu tư Mai Linh được nhắc tới nhiều hơn với dự án Sala ở Thủ Thiêm, quận 2, Tp. Hồ Chí Minh khi công ty này cùng ông Trần Đăng Khoa nắm lượng cổ phần lớn của chủ đầu tư dự án này.
Sau vài năm Nam tiến, Đầu tư Mai Linh lại vừa thực hiện một quyết định lớn. "Rút chân" khỏi dự án Khu đô thị Sala liệu có phải là động thái rời Thủ Thiêm trở về Thủ đô của đại gia bất động sản này?
Trơt lại thời điểm cách đây hơn một năm, CTCP Đầu tư Mai Linh đã đề xuất để trở thành chủ đầu tư Khu trung tâm thương mại, Tháp dầu khí và Công viên giải trí (PVN Tower).
Theo quy hoạch được đề ra năm 2010, Dự án này từng được thiết kế là dự án toà nhà PVN Tower 102 tầng, cao 528m - cao nhất Việt Nam và thứ 2 Châu Á, trị giá khoảng hơn 1,2 tỉ USD trên diện tích 25 ha tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Sau đó, quy hoạch đã bị "cắt" xuống còn 79 tầng và giảm vốn đầu tư xuống còn 600 triệu USD.
Thiết kế nhiều "tham vọng" của dự án |
Tuy nhiên, sau hơn 4 năm kể từ khi thành hình ý tưởng, tình hình của dự án này cùng chủ đầu tư cũ là CTCP Bất động sản dầu khí, một công ty liên kết của đến Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC, mã PVX-HNX) lại không mấy sáng sủa. Dự án bất động suốt thời gian dài. Đến tháng 07/2015, Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND Tp Hà Nội được giao đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức chỉ định để triển khai. Dự án này sau đó đã được đổi tên thành Tổ hợp nhà ở, thương mại dịch vụ Golden Palace A.
Tới tháng 12/2015, UBND TP Hà Nội đã quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị Golden Palace A tỷ lệ 1/500 với diện tích 39,8 ha (quy hoạch ban đầu 25 ha)bao gồm Khu công viên vui chơi giải trí; Khu tổ hợp khách sạn dầu khí Việt Nam thực hiện theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt; Khu chức năng hỗn hợp (nhà ở, văn phòng, dịch vụ, thương mại) có mật độ xây dựng không quá 50%, chiều cao tối đa là 45 tầng.
Sau thông tin về dự án Golden Palace A, đến nay vẫn chưa có thêm thông tin về các dự án mới nào liên quan đến doanh nghiệp địa ốc này.
Theo NDH