- Trong những năm gần đây, Việt Nam đã xuất khẩu 5 triệu liều vắc-xin viêm não Nhật Bản. Ở trong nước, tỉ lệ gây tai biến của vắc-xin này rất thấp.

Đây là thông tin được GS.TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Vắc-xin và Sinh phẩm y tế đưa ra tại tọa đàm trực tuyến “Tiêm chủng mở rộng: Những vấn đề cần giải đáp” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 2/8 với sự tham gia của những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực vắc-xin và tiêm chủng.

Việt Nam xuất khẩu 5 triệu liều vắc-xin

Bạn đọc Hoài Nga gửi câu hỏi: "Vắc-xin viêm não Nhật Bản, vắc-xin bại liệt uống do Việt Nam sản xuất là những vắc-xin thế hệ cũ, tỉ lệ các phản ứng sau tiêm chủng cao, liệu chúng ta có động thái nào để đảm bảo an toàn cho trẻ khi uống hoặc tiêm những loại vắc-xin này không?"

{keywords}

Quang cảnh buổi tọa đàm

GS Nguyễn Đình Bảng khẳng định, vắc-xin viêm não Nhật Bản và bại liệt là những vắc-xin có tỷ lệ tai biến rất thấp. Đối với vắc-xin viêm não do Việt Nam sản xuất 3-4 thập kỷ nay không những tai biến thấp mà có tác dụng bảo vệ cao, góp phần đẩy lùi bệnh viêm não Nhật Bản ở Việt Nam.

Mẹ không nhiễm viêm gan B, con có thể tiêm muộn

Tại các thành phố lớn, nhiều bà mẹ luôn đi làm xét nghiệm máu để biết nhóm máu, có nhiễm viên gan B, HIV hay không. Vậy những trẻ do những bà mẹ này sinh ra có cần tiêm vắc-xin viêm gan B hay không, sau bao lâu phải tiêm?

GS. TS Trịnh Quân Huấn: Những trẻ này có thể tiêm vắc-xin viêm gan B tùy theo lịch tiêm chủng của địa phương, có thể sau 1 tuần hoặc theo lịch cụ thể, nhưng phải trong vòng 1 tháng.

Ngoài ra, vắc-xin viêm não Nhật Bản do chúng ta sản xuất còn xuất khẩu được 5 triệu liều trong những năm gần đây, còn vắc-xin bại liệt hầu như không có tai biến, nhờ đó chúng ta đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, là một trong những nước đầu tiên ở châu Á thanh toán được bệnh này.

Với câu hỏi "hiện nay chúng ta đã nghiên cứu ra vắc-xin thế hệ mới nhưng vẫn chưa được đưa ra tiêm mở rộng, lý do của việc này là gì?", GS Bảng trả lời: Để có một vắc-xin mới thì phải qua quá trình nghiên cứu từ phòng thí nghiệm, tiêm thử người tình nguyện, đảm bảo an toàn thì mới cấp phép sản xuất quy mô lớn, để sử dụng cho người dân. Quy trình này mất ít nhất 5 năm.

Bạn đọc Hoàng Ngọc Anh (Tổ 6, phường Vân Cơ, Việt Trì) quan tâm đến đầu tư của Nhà nước đối với vấn đề vắc-xin. Theo đó, Ngân sách nhà nước cấp cho mua vắc-xin mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, số còn lại phải trông chờ vào viện trợ của quốc tế. Ngay cả với một số loại vắc-xin thế hệ mới, dù Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhưng đang thiếu kinh phí để tiến hành thử nghiệm trên thực địa trước khi đưa vào tiêm cho trẻ.

Từng làm chủ tịch Hội đồng khoa học cấp nhà nước về chương trình sản xuất vắc-xin, GS Bảng khẳng định, Bộ Y tế và Nhà nước hoàn toàn ủng hộ và đầu tư kinh phí khá nhiều để nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc-xin.

"Tuy nhiên, kể từ khi được phê duyệt đến khi có được kinh phí nghiên cứu là cả một quá trình, không thể nhanh được. Các quy định rất chặt chẽ về tài chính, ngoài ra, về mặt cơ chế cũng có thể có nhiều vấn đề tạo ra sự chậm trễ này", ông nói.

Bộ Y tế tránh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Về các trường hợp tử vong tại Quảng Trị và việc Bộ Y tế chuyển điều tra xác định nguyên nhân do quy trình hay do vắc-xin sang Bộ Công an, theo GS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế nhận định là “đúng”.

{keywords}
Tiêm chủng ở Việt Nam đã cứu sống khoảng 40.000 trẻ khỏi tử vong (Ảnh: C.Q)

"Vì Bộ Y tế là cơ quan vừa sử dụng vắc-xin, bảo quản, triển khai các hoạt động về vắc-xin, thành lập hội đồng đánh giá tai biến vắc-xin nên nhiều người cho rằng Bộ Y tế vừa “đá bóng vừa thổi còi”… Ngoài ra, với chuyên môn tìm hiểu kỹ năng điều tra giám sát nghiệp vụ, Bộ Công an làm là hoàn toàn chính xác", ông Huấn bày tỏ.

Trước câu hỏi của bạn đọc Phương Liên: "Ai sẽ chịu trách nhiệm sau các tai biến và việc đền bù sẽ thế nào?", GS Trịnh Quân Huấn cho biết: Điều 30 từ khoản 1 đến khoản 6 trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm nêu rất cụ thể trách nhiệm của từng người trong vấn đề liên quan đến tai biến tiêm chủng.

Trong trường hợp ở Quảng Trị, nếu như nguyên nhân do vắc-xin thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm, nếu do quy trình tiêm chủng do nhầm thuốc như câu hỏi thì đơn vị tiêm chủng phải có trách nhiệm.

Tham gia chương trình, GS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng khẳng định, trong 28 năm qua, chương trình tiêm chủng mở rộng đã chứng tỏ hiệu quả, qua việc chúng ta đã thanh toán được các bệnh đậu mùa, bại liệt, uốn ván, nhiều bệnh khác đã giảm đáng kể như sởi, viêm gan.

Tuy nhiên, chương trình này vẫn còn nhiều thách thức chờ đợi phía trước như giảm đầu tư cho chương trình tiêm chủng mở rộng, tiếp cận tiêm chủng khó khăn ở vùng sâu vùng xa, Việt Nam còn rất nhiều vắc-xin có hiệu quả nhưng chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng như vắc-xin phòng chống Rotavirus; vắc-xin chống viêm não mô cầu (trong khi kinh phí đầu tư của nước ngoài đang giảm dần).

WHO đánh giá cao chương trình tiêm chủng của VN

Tham gia chương trình tọa đàm, Bác sĩ Kohei Toda, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng “phải công nhận chương trình tiêm chủng của Việt Nam đã rất thành công, tỷ lệ bao phủ cao của chương trình là thành tựu quan trọng đáng khích lệ”.

“Trên bình diện toàn cầu, sự thành công của chương trình tiêm chủng không chỉ bảo vệ mà còn cứu sống được rất nhiều trẻ em. Ở Việt Nam, sau 30 năm có khoảng 67 triệu trẻ em được bảo vệ. Theo tính toán chương trình này cứu sống được khoảng 40.000 trẻ khỏi tử vong nếu không có chương trình tiêm chủng. Do vậy, tổ chức y tế thế giới đánh giá rất cao nỗ lực chương trình tiêm chủng của các bạn”, ông Toda nói.

Cẩm Quyên (Lược ghi)