Để thực hiện đạt tiêu chí số 7 về chợ nông thôn một cách bền vững để thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thì các địa phương không chỉ đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ mà cần đổi mới phương thức quản lý từ tổ quản lý chợ thuộc UBND xã sang mô hình HTX quản lý chợ. Đặc biệt, thực hiện việc xã hội hóa hoạt động quản lý chợ thay cho mô hình Nhà nước quản lý chợ như truyền thống.
Thực tế cho thấy, cuộc sống ở nông thôn nhiều khó khăn, chợ góp phần phát triển sản xuất tiêu thụ sản phẩm, cải thiện đời sống của người dân. Đặc biệt là việc phát triển các chợ đầu mối nông sản tổng hợp hoặc chuyên doanh của tỉnh, của vùng, liên vùng nó có vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ nông sản, làm tăng trưởng kinh tế trong phát triển sản xuất...nhưng vượt quá khả năng bố trí vốn của các địa phương.
Để xây chợ, phải lồng ghép các nguồn vốn khác
Nguyên nhân chính khiến nhiều địa phương không đạt tiêu chí số 7 này là do nguồn kinh phí đầu tư xây dựng chợ nông thôn quá lớn, vượt tầm đối với cấp xã, huyện. Bởi theo Nghị quyết 125/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam (viết tắt: NQ125) về cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014-2020, mỗi năm tỉnh Quảng Nam cân đối ngân sách để bố trí tối thiểu 10 tỷ đồng để hỗ trợ cho các địa phương trong việc xây mới, cải tạo, nâng cấp chợ.
Đầu tư xây dựng chợ- tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới |
Song mức vốn hỗ trợ của nguồn vốn từ NQ125 chỉ đảm bảo từ 20-25% tổng mức vốn đầu tư. Do đó, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng các chợ, các huyện hiện phải lồng ghép các nguồn vốn khác nhằm đảm bảo tỷ lệ đối ứng 75-80% tổng mức đầu tư. Đây là một trong những khó khăn của các địa phương, nhất là các huyện miền núi trong tỉnh bởi các huyện này điều kiện ngân sách địa phương còn hạn chế.
Còn nhớ hồi năm ngoái, từ thực tế tại địa phương, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án sửa đổi, bổ sung cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2014-2020.
Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, từ năm 2016 đến nay đã có 15 chợ trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ nguồn vốn đầu tư theo NQ125, với tổng vốn hỗ trợ là gần 19,5 tỷ đồng (gồm 5 chợ hạng 2 và 10 chợ hạng 3). Trong đó, có 2 chợ hỗ trợ cho nhà đầu tư và 13 chợ hỗ trợ cho UBND các địa phương thực hiện.
Ông Nguyễn Phi Hùng- Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, cho rằng đây là mức hỗ trợ hợp lý vì hiện nay chi phí đầu tư xây dựng các chợ đã tăng nhiều so với thời điểm NQ125 ra đời (năm 2014). Cũng theo ông Hùng, cần hiểu đúng bản chất vấn đề bởi đây là cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng, tạo điều kiện để hỗ trợ mọi tổ chức, cá nhân có cơ hội tham gia đầu tư xây dựng chợ nông thôn.
Kêu gọi các nhà đầu tư tham gia cùng
Hiện phần lớn dân số Quảng Ninh sống ở nông thôn và có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, vì vậy chợ vẫn là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa của đại bộ phận dân cư.
Mạng lưới chợ nông thôn trên địa bàn Quảng Ninh hàng năm không những tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động, mà còn tạo ra một nguồn thu khá lớn cho ngân sách địa phương và cho Nhà nước.
Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 65 chợ nông thôn, trong đó có 13 xã có chợ đạt chuẩn do Bộ Xây dựng quy định, chiếm 10,4% tổng số xã của tỉnh.
Tại các chợ vùng miền núi, vùng nông thôn do một số chính sách ưu tiên phát triển nên hàng hóa tại chợ ngày càng phong phú, sức mua ngày càng tăng. Hàng hóa, dịch vụ lưu thông qua chợ có tỷ trọng trên 50% so với tổng lượng hàng hóa, dịch vụ qua các hình thức phân phối. Các mặt hàng lưu thông chủ yếu trên các chợ nông thôn bao gồm: lương thực, thực phẩm, rau, hoa quả, nông sản, con giống, lâm sản và hàng tiểu thủ công nghiệp.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt thuận lợi thì hiện nay ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh vẫn còn nhiều chợ tự phát hình thành do nhu cầu phục vụ tiêu dùng cho một bộ phận dân cư sinh sống trong thôn, xóm, làng, bản. Các chợ này thường chỉ họp vào buổi sáng, một tuần một đến hai phiên, mỗi phiên diễn ra trong vài giờ, chủ yếu là các hộ nông nghiệp với các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống tự sản xuất và nuôi trồng.
Thêm việc chậm đổi mới, chuyển đổi mô hình quản lý đã dẫn đến việc kinh doanh, khai thác và quản lý các chợ không hiệu quả; tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, chống hàng giả, gian lận thương mại còn nhiều bất cập.
Để việc phát triển và quản lý chợ nông thôn, miền núi cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế chung, Quảng Ninh đã xây dựng Đề án Phát triển hệ thống chợ nông thôn theo tiêu chí XDNTM của tỉnh.
Theo đó, tập trung nguồn vốn xây dựng đồng bộ, lựa chọn nhà đầu tư có khả năng, tư vấn và lựa chọn phương án đầu tư hợp lý, đưa ra nhiều hình thức kêu gọi các nhà đầu tư tham gia cùng Nhà nước đầu tư xây dựng và phát triển chợ. Với mục tiêu thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng và tăng thu nhập, nâng cao mức sống của nhân dân, bảo đảm cho các thị trường phát triển hàng hóa ổn định.
Bài: Nguyễn Thị Vân Anh - nhóm PV
Ảnh: Tạ Ngọc Huy Linh - nhóm PV