- Trước khi lấy chồng, tôi vẫn thường được nghe kể rất nhiều những câu chuyện về mẹ chồng – nàng dâu. Phần lớn những câu chuyện ấy đều chẳng vui vẻ gì. Vì thế, vừa chân ướt chân ráo về nhà chồng, tôi đã nơm nớp lo lắng về mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Thế nhưng, mẹ chồng tôi là người rất hiền lành và thương con. Mọi rắc rối của tôi lại đến từ bố chồng.
Bố chồng tôi là kiểu người có suy nghĩ khá cổ. Ông có quan điểm rất rõ ràng về tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và coi trọng con trưởng. Ông bà có 2 con trai, chồng tôi là thứ 2. Lẽ đương nhiên, ông bà sống cùng gia đình con trai lớn. Vợ chồng anh chồng tôi rất hợp với ông bà, nhất là bố chồng tôi. Lúc nào ông cũng chăm chăm lo lắng cho gia đình anh chị ấy, làm sao để tiết kiệm nhất, tiện nhất cho hai anh chị. Còn vợ chồng tôi thì ông không mấy khi để ý đến. Nhưng mỗi khi gia đình có công việc, hoặc ông cần đưa đi đâu thì không thể vắng mặt vợ chồng tôi, vì anh chị còn bận đi làm.
Trong khi thực tế, vợ chồng anh chị ấy làm tự do, dễ dàng sắp xếp thời gian hơn vợ chồng tôi. Những chuyện ấy vợ chồng tôi đều biết nhưng phận làm con nên chúng tôi cũng coi như đó là trách nhiệm của mình với bố mẹ.
Mặc dù thế, ông dường như vẫn không hài lòng về vợ chồng tôi và thường xuyên săm soi, để ý. Mặc dù vợ chồng tôi sống riêng nhưng hai nhà ở cạnh nhau, chung một ngõ đi, chung sân. Vì thế, việc đi lại, sinh hoạt lại càng dễ đụng chạm. Mỗi lần tôi làm điều gì không vừa ý ông thì lại bị lườm hoặc nói mát. Thậm chí, khi ông bức xúc với chị dâu tôi thì ông lại “đá thúng đụng nia” khi có mặt tôi: Loại người gì mà đi không hỏi, về không chào, không biết mồm để đâu? Trong khi người không chào ông là chị dâu. Từ trước đến giờ tôi vẫn luôn đi chào về hỏi với ông nhưng không mấy khi ông trả lời. Lúc đó tôi bực lắm nhưng cũng phải cố nhịn cho xong.
Ảnh minh họa |
Nhưng điều khiến tôi bức xúc nhất là ông phân biệt đối xử với cả các cháu. Con út của tôi và của anh cả tuổi sàn sàn nhau nên học cùng trường mẫu giáo. Thường thì trên đường đi làm về tôi sẽ đón cả hai cháu, vợ chồng anh cả thường về muộn. Thỉnh thoảng, tôi mới phải nhờ ông bà đón cháu hộ. Một lần do vô tình, tôi phát hiện ra ông đi đón nhưng cố tình để con gái tôi chạy về nhà trước rồi dẫn con anh cả đi mua sữa. Lúc đó tôi vừa thấy uất ức, vừa tủi thân. Khi kể với chồng tôi chuyện đó, anh cũng chỉ bảo được một câu: thôi, tính ông thế rồi. Mình kệ đi.
Con anh cả đi học mà đạt điểm cao thì ông thưởng quà. Con trai tôi thấy thế cũng khoe ông khi cháu đạt điểm cao thì ông thường lờ đi. Những chuyện như thế không phải diễn ra một lần, khiến tôi bức xúc vô cùng. Vợ chồng tôi cũng đã nhiều lần cãi nhau về chuyện này. Ngay cả mẹ chồng tôi cũng biết nhưng bà hiền lành, lại không có tiếng nói trong gia đình. Bà chỉ biết động viên tôi cố gắng mà thôi.
Ngày ông phải vào viện cấp cứu vì bị đột quỵ, liệt nửa người, vợ chồng tôi phải nghỉ cả làm để túc trực ngoài phòng bệnh. Vợ chồng anh cả chỉ ở đến khi ông được sắp xếp phòng bệnh xong thì phải đi làm. Những ngày sau đó, mấy anh chị em chúng tôi chia nhau chăm ông. Đến khi ông có thể nói được bình thường thì ông cứ luôn miệng hỏi thăm Bình và Hưng – là con của vợ chồng anh cả, rồi yêu cầu mọi người phải cho hai đứa vào chơi với ông mà không hỏi gì đến con tôi.
Cách ông đối xử với các cháu ngay cả hai con của tôi cũng cảm nhận được. Trong khi chúng rất quấn bà nội thì lại có thái độ e dè khi tiếp xúc với ông.
Tôi từng nghĩ đến chuyện chuyển nhà để không phải chứng kiến những cảnh “phân biệt” như thế. Nhưng ra ở trọ thì chật chội mà kinh tế vợ chồng tôi thì không dư giả. Bán nhà đang ở thì không được vì sổ đỏ vẫn đứng tên ông bà.
Thanh Hà
Bạn đọc có thể chia sẻ tâm sự của mình về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống cho chuyên mục Chuyện chung, chuyện riêng. Bài viết gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn