- Trẻ trung, sôi nổi đến ngạc nhiên ở độ tuổi 50, ca sĩ Ánh Tuyết viên mãn và hạnh phúc với người chồng Pháp cùng cậu con trai. Có một thú vị, chồng chị lại nuông chiều con theo kiểu người Việt còn chị lại quyết định dạy con theo kiểu Pháp!


Ca sĩ Ánh Tuyết và con trai đi làm từ thiện ở Hội An.

Bà giáo dạy kèm chịu thua cậu bé 3 tuổi

Chị cười giòn tan trong điện thoại khi tôi ngỏ ý muốn hỏi chuyện nuôi dạy con, đặc biệt khi con chị ở Việt Nam nhưng vẫn học trường trung học của Pháp tại Sài Gòn. Chị đùa: Chị có dạy được nó đâu, nó rất cá tính, cá tính đến mức chị đã quyết định không áp đặt con mà phải nương theo tính cách của con để dạy dỗ.

Toàn Henri Jarnier, con trai chị đã thể hiện cá tính từ khi còn rất nhỏ. Nhớ hồi hơn 2 tuổi, chị mời cô giáo đến dạy tiếng Việt, thế mà cậu đã biết "thương lượng": Cô cho con nghỉ chút xíu thôi. Cô bảo không được, Toàn nói tiếp: con chỉ nghỉ một chút xíu xiu thôi (giơ tay lên đo), nhưng cô đã biết cậu bé này cứng đầu nên không cho nghỉ, bởi vì biết thương lượng được một lần, lần sau Toàn sẽ "làm tới". Thế nhưng, cuối cùng cậu bé chốt: Vậy thì sau này nếu cô giáo muốn nghỉ thì cô cũng không được xin mẹ con đâu nha! Cô giáo tâm sự với ca sĩ Ánh Tuyết: Em không nghĩ nó mới chừng đó tuổi mà đã biết nói như vậy.

Khi Toàn 3 tuổi, chị cho con học piano và học võ. Lúc ấy chị mời một bà giáo người Pháp, đã sống rất lâu ở Sài Gòn tới nhà dạy kèm. Khi kèm Toàn học xong bài ở trường, bà giáo cho học thêm bài mới, tuy nhiên, cậu bé cương quyết không học và bảo: Không học nữa, con học xong bài ở trường là đủ rồi. Bà hỏi: Thế con có sợ ba mẹ không? Toàn nói: có,lại (giơ tay lên đo) sợ chút xíu. Bà giáo tròn mắt vì phản ứng quá kiên quyết của một cậu bé 3 tuổi thì cậu nói tiếp: Thôi con không học nữa đâu! Bà bằng mọi cách thuyết phục Toàn vẫn nhất quyết không học. Thấy vậy, bà liền đứng dậy đi về.

Ánh Tuyết chạy ra hỏi chuyện, bà nói: Thôi tôi không dạy nổi cậu bé này đâu, nó rất cá tính, rất độc lập và rất Tây, năm nay tôi 60 tuổi rồi, tôi không dạy nổi mấy đứa nhỏ như thế này đâu. Chị xin lỗi cô rồi sau đó vào bắt con quỳ lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, cầm chiếc đũa dài nhịp nhịp trước mặt Toàn: Tại sao con không nghe lời cô giáo, có biết cô đạp xe từ quận 4 qua đây giữa trời nắng để dạy cho con, còn mẹ thì tốn tiền cho con học mà con không chịu học, cô lớn tuổi rồi sao con cãi cô, làm cô buồn tội cô chứ. Toàn đáp: Thì học bài ở trường xong là đủ rồi. Mẹ thấy không, trong tivi cũng nói đó, con nít Việt Nam học nhiều cũng đâu có tốt đâu, không được chơi gì hết, thì từ từ tới lớn học nhiều thôi.

Chị muốn cười quá nhưng cố gắng kiếm chế: Giờ mẹ không nói nhiều, mẹ muốn con phải học, vì cô giáo đến dạy là để tốt cho con, tại sao con lại cãi ngang, giờ mẹ gọi điện cho con xin lỗi cô và hứa phải học đàng hoàng nghe chưa?

Vừa nói, tay chị vừa nhắp nhắp cái roi trước mặt, Toàn nói: khoan, khoan, mẹ quýnh hoặc là không, chứ mẹ đừng có nhịp nhịp cái đũa khó chịu quá, mẹ cất trong bếp đi. Chị không thể nhịn được phải chạy ra ngoài để...cười.

Hôm sau, Toàn học đàng hoàng đúng một tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, đến sau giờ học, cậu bé 3 tuổi đặt vấn đề với gia sư của mình: Con muốn trao đổi với bà một việc, bà có thể giúp con nói với ba mẹ con rằng, con đồng ý việc học kèm ở nhà sẽ bổ ích cho việc học chữ ở trường, việc học võ, con cũng đồng ý luôn vì có ích cho sức khỏe, nhưng còn việc học đàn piano, con không thích, vì lớn lên con không làm nghề này. Lần này thì bà giáo chào thua và xin nghỉ dạy luôn sau đề nghị đó.

Hãy là tấm gương cho trẻ cứng đầu

Ca sĩ Ánh Tuyết sau lần thất bại kế hoạch cho con học piano, đã quyết định thôi không ép con học theo ý mình nữa. Rõ ràng, Toàn giống hệt tính chị ngày nhỏ, má chị bắt chị làm cái gì đó không đúng ý muốn là chị âm thầm làm ngược lại sau đó. (Má chị thường nói: hắn muốn là như trời muốn hê! cái đồ con gái chi mà cứng đầu).

Chị bảo: May là chị nắm bắt được một phần cá tính của Toàn nên chị xoay hướng không áp đặt mà phải tìm những lời lẽ thật chuẩn xác với Toàn. Những đứa trẻ cứng đầu chừng nào thì mình cần phải mềm mỏng nhẹ nhàng và khi cần thiết phải nhượng bộ lúc đó, song cũng âm thầm khéo léo khiến cho trẻ phải tự suy nghĩ lại lời nói hay hành động của mình đúng hay sai. Cũng có thể dùng sự việc tương tự nào đó để cùng với trẻ bình luận một cách tự nhiên như là bạn, không nên nghiêm trọng mà hãy đặt trẻ thấy mình là người hiểu biết và được tôn trọng, theo cách để cho trẻ tự biết, tự nhận thấy.

Đồng thời cách làm của mình cũng phải đúng để làm gương cho con. Những lúc muốn răn dạy trẻ thì không nên giảng giải dài dòng, làm trẻ thấy mệt đầu không muốn nghe, mà phải nói ngắn gọn. Cũng cần tỏ thái độ rõ ràng, kiên quyết với trẻ khi cần thiết.

Ca sĩ Ánh Tuyết trò chuyện với phóng viên ở quán cà phê.

Ánh Tuyết chia sẻ: Nếu đã lập gia đình, phải xác định rằng mình là tấm gương cho đứa con, tất yếu phải có sự hy sinh, không thể sống theo ý muốn của mình theo kiểu độc thân nữa. Đứa con là hình ảnh tương lai của chính mình, là niềm vui và hạnh phúc khi mình về già, vì thế mình phải có trách nhiệm sống thế nào cho con nhìn vào, để học hỏi, để thấy ấm áp hạnh phúc và hãnh diện khi nghĩ về cha mẹ.

Mặc dù chồng ca sĩ Ánh Tuyết là người Pháp (Michel Jarnier), nhưng anh và gia đình bên chồng lại rất cưng chiều Toàn, lý do Toàn là cháu đích tôn của cả dòng họ.

Trong khi anh thường chiều theo ý con nhiều hơn thì chị thích dạy con tự lập ngay từ nhỏ. Chẳng hạn khi con bị ngã, mặc kệ nó tự đứng dậy, không nên dỗ dành theo cách ta thường thấy: ối trời ! con đau hả?... tội con chưa nè, để mẹ đánh chỗ làm con ngã nha. Vậy là vô tình ta tập cho trẻ tính đổ thừa lỗi cho người khác và sự yếu đuối phải chờ vào người khác giải quyết hộ. Có những lúc trẻ bướng bỉnh, muốn kiếm chuyện nên hay khóc để vòi vĩnh những điều vô lý, không nên chiều mà tìm cách làm như không quan trọng, làm như không quan tâm, để cho trẻ cứ khóc đến khi nào chán, tự nín.

"Tôi thấy mấy người nước ngoài họ quăng đứa trẻ mới hơn một tuổi xuống hồ bơi cho tự quờ quậy đã, rồi vớt lên cho nghỉ ngơi một lúc, lại quăng xuống tiếp. Thành ra, đứa trẻ mạnh dạn, tự lập từ rất sớm. Nếu trẻ ăn văng vãi ra bàn, cứ mặc kệ, nhưng sau đó chỉ cho trẻ thấy người lớn ăn uống gọn gàng ra sao để trẻ thấy học theo, hoặc có thể khéo léo chọc quê trẻ bằng cách vui vui hoặc nhẹ nhàng giải thích, không nên quát nạt, hay đánh đập trẻ". Chị đã áp dụng như thế với Toàn.

Còn nhớ hồi Toàn hơn 1 tuổi, khi đó cả nhà về thăm ông bà nội bên Pháp, Toàn đòi sờ cái đèn chùm treo trên trần của bàn tiệc tới chục lần, nói dừng cũng không chịu nghe vì cu cậu hiểu tất cả mọi người trừ mẹ đều ủng hộ. Nếu chị nhượng bộ thì sẽ thua luôn. Khi ba Toàn vẫn tiếp tục bồng con lên cho sờ đèn theo ý muốn của cậu bé, chị lấy tay tét thật mạnh vào đít ba, nói bỏ con xuống. Đến đây, cu cậu biết là ba không bênh vực được mình nên quay sang "cầu cứu" bà nội. Bà nội dĩ nhiên phản đối chị la mắng con, chấp nhận đòi hỏi của cháu nội.

Chị quay ra nói với ông xã: Anh nói với mẹ là khi em đang dạy con thì không ai nên can thiệp. Mẹ có thể phản đối em khi không có mặt Toàn, còn trước mặt thì không nên nói gì để Toàn ỷ lại, nếu mẹ cứ như thế Toàn sẽ bị em cho ăn đòn đó! Thế là bà nội đành phải im lặng. Xoay ra, chị nói với Toàn: Bây giờ nếu con không nghe lời, mẹ sẽ có biện pháp khác. Khi đó, Toàn vẫn cố làm nư, tiếp tục làm dữ lên. Chị liền nhốt vào toalet, dọa nếu vẫn lì, mẹ tắt đèn đó! Toàn vẫn la khóc, chị tắt đèn và nói với cả nhà, không ai được mở cửa, trừ phi nó nó ngoan ngoãn biết nghe lời. Mặc dù cả nhà xót đứa cháu nội duy nhất, nhưng cũng phải chịu chị.

Cuối cùng, cu cậu cũng im, trước khi mở cửa, chị hỏi: Giờ con chịu yên cho mọi người ăn tối chưa, con muốn ăn hay không tùy con, sau khi mọi người ăn xong thì mẹ sẽ đáp ứng yêu cầu của con, đồng ý không? Toàn bảo: "Con chịu rồi, chịu rồi" và ngoan ngoãn đi ra.

Giờ đây, cậu bé Toàn ngày xưa đã 16 tuổi, chị Ánh Tuyết thấy yên tâm về con. Sau khi học xong phổ thông ở trường Colette của Pháp tại Sài Gòn, cậu sẽ sang Pháp học đại học.
Ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ, việc dạy con của chị và chồng không phải lúc nào cũng thống nhất, vì anh chiều con hơn, chẳng hạn mua rất nhiều đồ chơi và sẵn sàng mua cho con những đồ con đòi hỏi. Tuy nhiên, nếu anh thấy chị phân tích đúng thì vẫn phải chịu "bà xã cứng đầu và rất kiên quyết" này. Nhưng nhìn chung, chị thấy hài lòng vì hai cha con có thể trò chuyện với nhau rất nhiều và Toàn mang phong cách của người Pháp nhiều hơn.

Ngày nhỏ, khi con bị ngã, ca sĩ Ánh Tuyết không giống như nhiều bà mẹ Việt khác chạy ra xuýt xoa, vỗ về vì làm như vậy, đứa con sẽ bị yếu đuối đi. Chị thường giỡn: chết rồi, con té làm vỡ cái nền gạch của mẹ rồi, lại tốn tiền đi sửa đây. Cậu bé dù bị đau nhưng không khóc, ngẩn người ra nhìn cái nền gạch.
  • Hương Giang
Ra công viên xem Tây dạy con
Ngay từ những ngày đầu, tôi thấy các ông bố bà mẹ Tây mới sung sướng làm sao khi họ cứ việc ngồi trò chuyện, uống nước với nhau trong quán để mặc con cái tự chơi trong công viên với nhau.
 
Mẹ Việt:'Tại sao không dạy được con như Tây?'
'Hãy cứ thử phải chịu áp lực cuộc sống, áp lực tiền, áp lực thuê nhà xem các ông bố, bà mẹ Tây có ngồi chơi với con cái được không?”