- Tôi kể lại câu chuyện của tôi đã sinh con và nuôi dạy con ở nước Úc như thế nào. Hy vọng cung cấp thêm thông tin cho các bà mẹ trẻ sắp sinh con hoặc đang nuôi con nhỏ ở Việt Nam có thêm thông tin về cách nuôi dạy con của người Úc.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
AlanPhan:Dạy con khó hơn điều hành doanh nghiệp
Dạy con hiểu sự công bằng
Người Việt dạy con có kém gì Tây?
Ra nước ngoài sống, tôi dạy con khác hẳn
Mẹ Việt ở Pháp chia sẻ cách dạy con sống tự lập
Ảnh có tính chất minh họa |
Ngạc nhiên thấy mẹ Úc để bé khóc...
Tôi may mắn được sống ở đất nước Úc xinh đẹp, thành phố Perth hiền hòa, tươi sạch. Khi mang thai cháu bé đầu lòng, tôi rất lo ngại về việc sẽ sinh con và nuôi dạy con như thế nào cho tốt nhất, kết hợp được ưu điểm của cả hai nền văn hóa Đông Tây. Tôi đọc rất nhiều sách báo viết về cách nuôi dạy con ở bên Úc, nhưng đúng là trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một thực hành.
Ngày đầu sinh con ở bênh viện, tôi bị các bác sĩ giữ lại 4 ngày để phục hồi sức khỏe sau khi sinh. Buổi tối đầu tiên khi cháu bé chào đời, tôi nằm trong phòng nhỏ có 4 giường, 3 người sản phụ khác cùng phòng với tôi đều là người Úc da trắng.
Buổi tối họ không cho người thân vào bệnh viện giúp sản phụ trông con, mà người mẹ phải tự làm tất cả mọi thứ, kể cả sản phụ sinh mổ. Điều đó thật là kinh khủng đối với tôi vì ở Việt Nam sau khi sinh người mẹ chỉ phải cho con bú, công việc còn lại được bố, mẹ ông bà hay người thân giúp đỡ.
Ngay đêm đầu tiên, tôi đã thấy được sự khác biệt đáng kể trong cách nuôi con từ khi lọt lòng giữa hai nền văn hóa Việt Úc. Tôi thấy 3 đứa trẻ sinh cùng ngày với cháu nhà tôi của 3 bà mẹ Úc nằm chung phòng khóc rất nhiều, thậm chí có cháu khóc suốt đêm trong khi cháu bé nhà tôi cứ ngủ im thin thít. Khi nào cháu khóc là tôi bật dậy cho cháu bú, thay tã, ru cháu ngủ ngay mặc dù tôi sinh mổ đau đớn kinh khủng nhưng vẫn cắn răng chịu đựng đáp ứng ngay nhu cầu của con.
Tôi ngạc nhiên khi thấy 3 bà mẹ Úc cứ để đứa con sơ sinh của mình khóc một lúc rồi mới dậy chăm sóc, thậm chí bà mẹ đối diện với giường của tôi còn cho con khóc suốt 1-2 tiếng đồng hồ rồi mới bình tĩnh ngồi dậy cho con bú. Khi chứng kiến cảnh đó, tôi thật tự hào vì con trai của mình ít khóc, ngoan và lúc nào khóc là mẹ có mặt ngay để đáp ứng nhu cầu ăn và thay tã của cháu.
Khi gặp cô y tá người Úc gốc Anh, cô ấy có nói với tôi là bạn không nhất thiết phải lo lắng khi bé khóc, trẻ khóc là chuyện bình thường. Hãy cứ bình tĩnh khi trẻ khóc, và đừng vội vàng đáp ứng ngay nhu cầu của cháu khi cháu khóc. Khi nghe lời khuyên đó, tôi không đồng tình lắm vì nghĩ rằng trẻ sơ sinh nhỏ như vậy thì khóc không phải là vòi vĩnh mà trẻ chỉ khóc khi có nhu cầu và nhu cầu cần được đáp ứng. Nhưng quả thật, tôi đã lầm.
Tôi và mẹ tôi đều sốc
Sau khi dời bệnh viện, khoảng 1 tuần sau thì có một bà y tá đến tận nhà tôi để kiểm tra sức khỏe của cháu bé, đồng thời tư vấn cho tôi cách cho con bú và nuôi dạy con. Khi đến nhà, bà y tá lên tầng 2 nhà tôi thấy mẹ tôi đang ôm cháu, người cháu được quấn chặt chăn, chân tay đi găng và chỉ bật quạt nhẹ khi nhiệt độ ngoài trời khoảng 37-38 độ C.
Bà y tá nhìn thấy thế hốt hoảng bế lấy cháu bé từ tay mẹ tôi, bà cởi hết quần áo của thằng bé ra, và nói là thời tiết như thế này chỉ cần quấn tã là được, không cần mặc quần áo, nếu có mặc thì nên mặc một cái áo rất mỏng. Tôi và mẹ tôi vừa sốc, vừa ngạc nhiên, vừa sợ bà y tá làm như thế là cháu bé sẽ bị lạnh vì lúc đó cháu mới được 10 ngày tuổi. Bà y tá nói rằng thân nhiệt của trẻ sơ sinh khác với người lớn, trẻ có thể thích nghi ở nhiệt độ phòng từ 16-21 độ C, thế nên nếu để trẻ sơ sinh quá ấm, hoặc nóng quá sẽ dẫn đến hiện tượng SIDS (Sudden Infant Death Syndrome) hay chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Bà y tá rặn tuyệt đối không nên cho trẻ sơ sinh đội mũ, kể cả trời lạnh, vì thực ra đội mũ cho trẻ là dẫn đến nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh nhiều nhất. Khi đặt trẻ ngủ trong cũi, nên đặt trẻ thấp xuống phía cuối giường, xunh quanh phải thoáng, không được có đồ chơi hay bất kể vật gì, phía trên đầu trẻ nhỏ phải hoàn toàn thoáng, không có vật cản như mũ, chăn hay đồ chơi. Làm như vậy sẽ hạn chế rất nhiều chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Mẹ tôi nghe xong thì hoảng hốt vì bà có thói quen cho cháu đội mũ, quấn chăn rất ấm, đi găng tay và chân khi cháu ngủ theo cách chăm con của người xưa.
Sau khi cởi phăng quần áo của cháu bé nhà tôi, bà y tá cân cháu để kiểm tra sức khỏe, sau đó bảo tôi cho cháu bú sữa bình cho bà xem. Khi cháu bé uống được khoảng 20ml sữa thì cháu ngưng không uống nữa, mắt lim dim ngủ, tôi định đặt cho cháu ngủ thì bà y tá lại xông ra bế lấy cháu và nói là cháu phải bú thêm khoảng 10ml nữa mới đủ.
Tôi nói là cháu bé đã ngủ rồi nên không ép nữa, nhưng bà y tá nói là tùy lúc có nên ép hay không. Khi trẻ sơ sinh còn nhỏ, phải uống đủ lượng sữa thì mới có đủ chất để phát triển đầy đủ. Thật tài tình, bà y tá xoay xoay cái bình, rồi nói vài câu tiếng anh với cháu, thế là cháu nhà tôi tỉnh dậy uống hết sạch 10ml.
Tôi hăng hái thấy thế chạy vội đi pha thêm khoảng 10ml sữa nữa để cháu uống thêm thì bị bà y tá gạt đi, nói là chỉ để cho trẻ sơ sinh uống đủ, không thừa không thiếu. Nếu thừa thì trẻ sẽ đi tiểu nhiều, ỉa nhiều vì cơ thể còn quá nhỏ không thể hấp thụ được nhiều sữa hơn mức cần thiết. Ngay sau khi bà y tá ra về, tôi và mẹ cố gắng thực hành cách chăm con theo cách “tây” của bà y tá. Và quả thực là cháu thích nghi rất nhanh, cháu ăn rất đúng giờ và đủ lượng, có thể nằm điều hòa suốt đêm, nằm dưới quạt cởi trần chỉ mặc tã mà không thấy kêu khóc gì, hôm trước trời trở gió nằm điều hòa cùng con, tôi bị ho và khản giọng, trong khi cháu “trộm vía” không hề bị sao, miệng vẫn cười toe toét. Cháu được bố mẹ đưa ra ngoài đi chơi công viên, nằm trên cỏ tắm nắng từ lúc 2 tháng tuổi và cháu tỏ ra rất thích. Điều đó chứng tỏ rằng khi nuôi và chăm con một cách khoa học, người mẹ sẽ yên tâm hơn và đặc biệt là nhàn hơn rất nhiều.
Để trẻ tự ngủ
Tôi đã tạm yên lòng về cách cho con uống sữa hợp lý với sự hướng dẫn của bà y tá thì tôi lại bắt đầu loay hoay với một bài toán khó khác, đó là làm sao cho con ngủ đủ, ngủ say và không vất vả ru con ngủ. Khi gặp một số người bạn Tây của tôi bên Úc, tôi thấy con cái của họ ngủ rất ngoan và hầu như là tự ngủ, bố mẹ không phải ru hay bế ẵm gì nhiều trong khi cháu bé nhà tôi lúc nào cũng phải ru ngủ ít nhất là ½ tiếng mới ngủ, có hôm vài tiếng mà vẫn còn kêu khóc không chịu ngủ.
Tôi nhìn mà khao khát con của mình cũng giống như thế và quyết định thực hành theo kiểu của các bà mẹ Úc. Khi cho con bú xong, cháu lim dim ngủ (chứ không phải là ngủ say) thì tôi đặt ngay vào giỏ (basinet) của cháu và đung đưa cho cháu ngủ. Lúc đầu tôi khá vất vả vì cháu không quen, được nằm êm trên tay mẹ quen rồi, nên bị đặt vào giỏ ngay lúc vừa ăn xong thì cháu khóc dữ dội.
Nhưng tôi mặc kệ cháu, vẫn kiên trì đung đưa cái giỏ cháu nằm, và đứng về phía sau lưng cháu để cháu không nhìn thấy mặt của mẹ. Sau vài lần kiên trì, bây giờ con tôi hầu như là tự ngủ, có lúc đang nằm chơi buồn ngủ thì tự lăn ra ngủ. Mẹ tôi sang Úc giúp tôi trông cháu, lúc đầu thì mắng tôi là quá hà khắc với trẻ sơ sinh, nhưng rồi bà dần dần nhận ra hiệu quả của việc chăm sóc con khoa học ngay từ ngày đầu.
Tiện đây tôi xin cung cấp cho các bà mẹ Việt Nam trang web mà tôi hàng ngày truy cập để tìm thông tin hướng dẫn cách chăm sóc con theo kiểu Anh/Úc:
Đây là 2 trang web rất uy tín và phổ biến ở Úc và Anh cung cấp kiến thức rất cụ thể để chăm sóc con từ khi lọt lòng. Nếu bà mẹ Việt nào có nhu cầu hỏi ý kiến tư vấn miễn phí các bác sĩ, y tá Úc về việc nuôi và chăm con, các bà mẹ có thể vào website sau và email về cho các chuyên gia theo địa chỉ http://www.ngala.com.au thì sẽ được tư vấn đầy đủ và kỹ lưỡng.
Mong cho các bà mẹ Việt có đầy đủ thông tin và kiến thức bên ngoài để nuôi dạy và chăm cho thế hệ mầm non của nước Việt được khôn lớn, mạnh giỏi mà không phải quá tốn nhiều công sức và tiền bạc.
- Christy Nguyen (Perth, Australia)